Hòa Bình: Đưa huyện vùng cao Đà Bắc thành điểm dừng chân hấp dẫn
10:02 - 27/07/2021
Đà Bắc được biết đến là huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình, với địa hình chủ yếu là núi cao, chia cắt, điều kiện về giao thông, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn.
Với các nghị quyết, chủ trương đúng đắn, chính quyền huyện Đà Bắc đang tập trung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đến du lịch, dịch vụ, bảo tồn các giá trị văn hóa; phát triển ngành nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi đại gia súc, từng bước đưa huyện thoát nghèo, trở thành vùng đất giàu tiềm năng, điểm dừng chân của du khách trong và ngoài nước khi đến với Hòa Bình.
Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Lường Văn Thi nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chính quyền địa phương cùng nhân dân đoàn kết, phát huy tối đa lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội. Huyện huy động tối đa các nguồn lực để phát triển nông nghiệp, thủy sản, chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc ở những khu vực có điều kiện; phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ trên hồ Hòa Bình gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa. Song song đó, UBND huyện cũng đang phối hợp với các đơn vị chức năng hoàn thiện quy hoạch vùng thị trấn Đà Bắc, đẩy mạnh cải cách hành chính hỗ trợ người dân, thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vào địa phương trong thời gian tới.
Thời gian qua, huyện Đà Bắc đã tạo được sự bứt phá trong nhiều lĩnh vực, lực lượng cán bộ tích cực nâng cao trình độ, nhận thức chính trị đáp ứng yêu cầu công tác. Người dân có ý thức sử dụng đồng vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư phục vụ nhu cầu thông thương, giao lưu kinh tế vùng miền, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông và trao đổi hàng hóa phát triển sản xuất, cải thiện dân sinh. Năm 2020, huyện có ba xã Tu Lý, Hiền Lương và Toàn Sơn đã đạt chuẩn nông thôn mới và đến cuối năm 2021 sẽ có thêm xã Cao Sơn về đích xây dựng nông thôn mới…
Một trong những điểm sáng nổi bật của huyện Đà Bắc là xã Hiền Lương, từ một xã khó khăn vùng hồ đến nay đã có những chuyển biến rõ nét về kinh tế, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch cộng đồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2019, xã Hiền Lương đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 36,5 triệu đồng/người, hộ nghèo hiện chỉ còn 11,6%.
Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương, ông Nguyễn Đăng Giáp cho biết, trước đây các công trình giao thông trên địa bàn hết sức khó khăn, từ trung tâm huyện đến các xóm Ngù, xóm Mái… những nơi cao nhất của xã có khi phải đi cả buổi mới đến nơi. Gần đây, hệ thống giao thông liên xã từ Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong đang được cải thiện và xây mới thuận lợi thông thương, phát triển kinh tế các thôn, bản vùng cao. Chính quyền xã Hiền Lương cũng khuyến khích người dân tận dụng những ưu thế về vị trí địa lý cùng cảnh quan vùng hồ để phát triển du lịch. Nhiều xóm đã xây dựng những Homestay nghỉ dưỡng và trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định về kinh tế cho bà con. Điển hình như Xóm Ké trở thành điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu của địa phương, tạo được uy tín và dành được nhiều sự yêu thích đối với du khách. Cùng với đó, nhiều xóm cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát triển chăn nuôi trâu, bò, gia súc, nuôi trồng thủy sản, có thu nhập ổn định.
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, núi sông hùng vĩ cùng sự nên thơ của hồ Hòa Bình, nhiều xóm, bản vùng hồ của huyện như: Xóm Ké (xã Hiền Lương), bản Đá Bia (xã Tiền Phong), xóm Sưng (xã Cao Sơn)… đã trở thành điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách khi đến Hòa Bình. Các homestay Ngọc Nhềm, homestay Đinh Thu thuộc xóm Đá Bia, xã Tiền Phong (nay đổi tên thành xóm Đức Phong) và homestay Hữu Thảo, homestay Sánh Thuấn thuộc xóm Ké, xã Hiền Lương, là những địa chỉ đã có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Ông Đinh Văn Ngọc, chủ Homestay Ngọc Nhềm, xã Tiền Phong, chia sẻ: Năm 2014, gia đình ông được hỗ trợ 125 triệu đồng để làm homestay; được hướng dẫn cách trang trí phòng ở, nhà vệ sinh, bếp, cách nấu các món ăn dân tộc và các món ăn châu Âu theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, các mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Đà Bắc đã có những thành công nhất định, homestay của gia đình đã góp phần tạo công ăn việc làm và nguồn thu cho người dân địa phương, giúp cải thiện đời sống, góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa, thiên nhiên của địa phương.
Cùng với đó, tận dụng lợi thế có hơn 7.000 ha mặt nước hồ thủy điện, các xã vùng hồ cũng hình thành nhiều mô hình liên kết phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, thu hút được sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu cá Sông Đà. Theo thống kê, năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 82 ha, tổng số lồng cá nuôi 1.910 lồng, sản lượng nuôi trồng 1.100 tấn, sản lượng đánh bắt 200 tấn/năm. Trong đó, nhiều loại cá giống, cá đặc sản như chiên, quất, tầm, bỗng… mang lại thu nhập cho các hộ nuôi hàng trăm triệu đồng/năm. Các mô hình chăn nuôi gia súc quy mô lớn cũng đã phát huy hiệu quả cao tại các xã như Mường Chiềng, Tú Lý… giúp người dân có thu nhập ổn định, kinh tế các hộ gia đình ngày càng phát triển
https://vanhoavaphattrien.vn/dua-huyen-vung-cao-da-bac-thanh-diem-dung-chan-hap-dan-a4526.html