Hòa Bình: Cần xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối Cái
13:48 - 15/10/2021
Những ngày qua, dọc hai bên bờ suối Cái (tỉnh Hòa Bình) có hiện tượng cá tự nhiên từ bé đến lớn, đủ chủng loại bị chết trắng hàng loạt; cá trong các ao nuôi của người dân ven khu vực suối cũng có hiện tượng như vậy.
Người dân xã ở các xã dọc suối Cái đang lo lắng về chất lượng môi trường nước bị ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, nuôi trồng, đời sống sinh hoạt.
Suối Cái bắt nguồn từ xã Thạch Yên, chảy qua địa bàn các xã: Dũng Phong, Tây Phong, Bắc Phong và Thung Nai, đổ ra hồ Thủy điện Hòa Bình.
Trước đây, dòng suối là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho người dân các xã phục vụ sinh hoạt hàng ngày, tưới tiêu đồng ruộng, nhưng hiện nay hầu như người dân không dám sử dụng nguồn nước này nữa.
Tình trạng cá chết hàng loạt diễn ra nhiều năm
Ngày 13/10/2021, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có mặt tại xóm Dũng Tiến, xã Dũng Phong, tận mắt chứng kiến cảnh tượng cá chết trắng tại các vũng nước đọng dọc suối, mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc.
Chị Bùi Thị Nga, xóm Dũng Tiến, bức xúc cho biết, trong vòng 3 năm nay, cứ mưa to, nước lũ chảy về là tình trạng cá dưới suối bị chết hàng loạt, cá nuôi trong ao cũng bị chết theo.
Năm nay, gia đình chị thả hơn 2 yến cá giống thì có hơn 2 tạ cá thịt bị chết, mỗi con khoảng 4-5kg.
Nguồn nước bị ô nhiễm, nên việc thả trâu, bò không trông coi mà uống phải nước suối là bị sinh bệnh. Ngoài ra, khi dùng nước suối Cái để tưới tiêu thì cây cối cũng khó phát triển.
Còn ông Bùi Văn Hùng, xã Dũng Phong chia sẻ, gia đình ông tận dụng nguồn nước dẫn từ suối Cái chảy vào ao để nuôi cá, nhưng năm nào cũng vậy, cá ngoài suối chết thì cá ao nhà cũng chết theo. Vừa qua, trong ao nhà ông Hùng đã có mấy chục con cá trắm bị chết, loại 1-1,5 kg/con.
Trưởng xóm Dũng Tiến Bùi Văn Khích, cho biết, xóm hiện có 100 hộ dân, khoảng 10 hộ nuôi cá thường xuyên bị ảnh hưởng nguồn nước dẫn đến tình trạng cá chết. Qua phản ánh của người dân nhiều năm qua, xóm đã nhiều lần làm báo cáo gửi lên xã, huyện nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra, chưa được giải quyết dứt điểm.
Phóng viên đã cùng ông Bùi Văn Trường, cán bộ Địa chính nông nghiệp xã Dũng Phong đi tìm hiểu thực tế tại khu vực suối Cái. Ông Trường chia sẻ, hiện tượng cá chết đã xảy ra mấy năm nay.
Đây là lần thứ hai trong năm có hiện tượng cá bị chết dọc suối (đợt trước cách khoảng 2 tuần). Năm ngoái, vào tầm tháng Bảy, cơ quan chức năng và chính quyền cũng đã lập biên bản và lần này cũng vậy.
Qua trực quan bằng mắt, ai cũng nhận thấy hai bên dòng suối rêu đen trơn trượt, có mùi hôi, tanh khó chịu. Việc cá chết bất thường hàng loại trên dòng suối Cái đã gây tâm lý lo lắng cho người dân địa phương.
Theo ông Bùi Văn Hưởng, Bí thư Đảng ủy xã Dũng Phong, suối Cái có vai trò rất quan trọng trong đời sống, sản xuất của người dân địa phương.
Mấy năm gần đây, thường xuyên xảy ra hiện tượng cá chết mỗi khi trời mưa to. Trước tình trạng này, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra, làm rõ và có giải pháp cụ thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Hưởng cho biết thêm, chính quyền xã Dũng Phong đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện xuống kiểm tra thực tế và lập biên bản. Theo kết quả sơ bộ, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước suối Cái được xác định bắt nguồn từ nhà máy của Công ty chế biến khoáng sản Đồng An Phú.
Cần giải quyết dứt điểm nguồn gây ô nhiễm
Trước thông tin báo cáo về tình trạng cá chết trên dòng suối Cái, ngày 10/10/2021, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cao Phong đã xuống hiện trường xác minh tình trạng cá chết.
Kết quả kiểm tra xác nhận việc phản ánh của bà con là chính xác. Đoàn kiểm tra xác nhận cá bị chết dọc theo phía thượng nguồn suối Cái thuộc địa phận xã Thạch Yên. Dưới góc độ trực quan, nguồn nước có màu vàng đục và nhiều rêu, mùi tanh và hôi thối.
[Đề nghị đình chỉ hoạt động của nhà máy giấy 'bức tử' suối Cái]
Để tìm hiểu nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước suối Cái, phóng viên đã trao đổi với ông Bùi Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thạch Yên, được biết, Công ty chế biến khoáng sản Đồng An Phú đã nhiều lần gây ô nhiễm môi trường nguồn nước trên địa bàn, bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hàng tỷ đồng.
Nhà máy của công ty đã dừng việc sản xuất khoảng 2 năm nay, hiện giờ gần như bỏ hoang, chỉ có 1,2 người thi thoảng ra vào để bảo vệ. Điều đáng nói là các bể chứa dung dịch hóa chất và nơi tập kết nguyên liệu quặng đồng không được che đậy, khi gặp trời mưa to thì bị tràn, ngấm, chảy hết ra khu vực suối.
Công ty chế biến khoáng sản Đồng An Phú địa chỉ tại xóm Mới, xã Thạch Yên, đi vào hoạt động đầu năm 2016, diện tích 5 ha, công suất thiết kế 60 tấn đồng/ngày.
Theo Báo cáo số 748/UBND-TN&MT, ngày 21/5/2021 của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cao Phong, có nội dung: Ủy ban Nhân dân huyện Cao Phong nhận được kiến nghị của người dân xã Thạch Yên về hiện tượng Công ty chế biến khoáng sản Đồng An Phú xử lý hóa chất ra môi trường kết thành những tảng màu xanh chảy dài từ khu vực đầu nguồn xuống vùng hạ lưu suối Lộn (suối Cái) gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước.
Kết quả ghi nhận, khu vực tập kết nguyên liệu có 3 bể tròn, 5 bể vuông đang chứa dung dịch axit loãng, dung tích các bể đã đầy các bể có mái che, tuy nhiên hiện tại bạt che đã rách, hư hỏng; khu tập kết nguyên liệu quặng đồng, hệ thống che phủ bạt đã hư hỏng hoàn toàn, chịu tác động trực tiếp của nước mưa chảy tràn ra các rãnh thoát nước của công ty, chảy trực tiếp ra suối.
Sau khi nhận được báo cáo của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cao Phong, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã có văn bản số 1422/STNMT-BVMT, ngày 25/5/2021, về việc đôn đốc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và kết luận thanh tra, kiểm tra về bảo bệ môi trường.
Qua đó, yêu cầu Công ty chế biến khoáng sản Đồng An Phú thực hiện các nội dung: Triển khai thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo phản ánh của Ủy ban Nhân dân huyện Cao Phong; Thực hiện nộp tiền phạt theo Quy định xử phạt vi phạm hành chính số 01/QĐ-XPVPHC ngày 04/01/2020 của Tổng cục Môi trường; khắc phục triệt để các vi phạm, tồn tại được nêu tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và Kết luận thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường của Tổng cục Môi trường...
Đến nay, việc khắc phục, xử lý vi phạm gây ô nhiễm môi trường đối với Công ty chế biến khoáng sản Đồng An Phú vẫn chưa được thực hiện, do đó tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra thường xuyên.
Ông Bùi Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thạch Yên nhấn mạnh, chính quyền và người dân kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết dứt điểm tình trạng hiện nay của Công ty chế biến khoáng sản Đồng An Phú.
Nếu công ty đã phá sản thì cần có biện pháp nhanh chóng giải tỏa, khắc phục môi trường, trả lại quỹ đất sạch cho người dân địa phương. Các bể chứa hóa chất, nơi tập kết nguyên liệu còn tồn tại mà không có biện pháp bảo đảm an toàn thì không khác gì đang hứng chịu "quả bom nổ chậm."
Hòa Bình là địa bàn có nhiều đồi núi, tình trạng thiếu nguồn nước sử dụng xảy ra tại một số địa phương khá cao. Người dân mong muốn, các cấp chính quyền, đơn vị có thẩm quyền của tỉnh Hòa Bình sớm giải quyết dứt điểm ô nhiễm suối Cái, trả lại sự trong lành vốn có cho dòng suối./.