Hình thức xử lý cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn giao thông

17:15 - 08/02/2023

Hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sẽ bị xử lý như thế nào?


Liên tiếp bắt giữ và khởi tố nhiều trường hợp

Thời gian qua, cơ quan chức năng bắt giữ và khởi tố nhiều trường hợp “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".

Cụ thể, mới đây, vào chiều 7/2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với tài xế Mai Văn Khởi (39 tuổi, ngụ xã Thạnh Quới, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) để điều tra về hành vi “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.

k

Tài xế Mai Văn Khởi tại cơ quan chức năng. Ảnh Ngọc Trinh

Theo điều tra ban đầu, khoảng 20h ngày 1/2, Khởi điều khiển xe container mang BKS 50H-059.18 chở hàng từ Vĩnh Long đi TP HCM. Do phương tiện trục trặc nên Khởi cho xe chạy chậm để vào cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Gần 1h20 ngày 2/2, phương tiện lưu thông vào đoạn km 40+60m tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương thuộc khu vực xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành (Tiền Giang), Khởi nghe thấy tiếng va chạm mạnh ở phía sau và dừng phương tiện rồi mở cửa bước xuống kiểm tra thì phát hiện ô tô khách 16 chỗ màu trắng mang BKS 67F-001.06 bị biến dạng phần đầu.

Lúc này, tài xế Nguyễn Hồng Hoàng (51 tuổi, huyện Phú Tân, An Giang), người điều khiển xe 16 chỗ đã tử vong, kẹt cứng trong cabin và nhiều hành khách bị thương. Vì lo sợ trách nhiệm về vụ tai nạn giao thông nên Khởi đã rời khỏi hiện trường nhằm trốn tránh trách nhiệm. Vụ tai nạn khiến 4 người được đưa đi cấp cứu nhưng đã có 2 người tử vong.

Vào ngày 6/2, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, quá trình điều tra, truy tìm, đã xác định được người bỏ mặc nạn nhân tại hiện trường sau vụ tai nạn giao thông tại đường Quy hoạch số 14 (huyện Long Điền) lúc 3h46 ngày 31/1 khiến 1 người bị thương tích nặng. Thời điểm trên, P.T.N.T (SN 2007, trú tại TP Vũng Tàu) điều khiển xe mô tô 72L9 - 3900 đi theo hướng đường Võ Thị Sáu về phía đường Dương Bạch Mai đã va chạm với một người đàn ông 69 tuổi. Sau đó, T rời khỏi hiện trường, bỏ mặc nạn nhân, không đưa đi cấp cứu.

1sss20230203092101

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến anh P tử vong. (ảnh: BGT)

Hay trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nữ tài xế ô tô là Nguyễn Thị Hằng (SN 1991, trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) để điều tra về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 132 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 22h ngày 2/10/2022, trên tuyến QL 1A, đoạn chạy qua thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Hằng điều khiển ô tô (trên xe có 1 người lớn và 2 trẻ nhỏ) dừng lại bên lề đường để xuống đi vệ sinh. Lúc này, anh P (SN 1991, trú tại huyện Quang Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển xe mô tô chạy hướng TP Hà Tĩnh đi TP Vinh (Nghệ An), thì va chạm với ô tô do Hằng điều khiển.

Cú va chạm khiến 3 người ngồi trên ô tô tỉnh giấc. Chứng kiến xe mô tô và anh P ngã ra giữa đường, nằm trên làn xe cơ giới, sát với giải phân cách cứng, Hằng lên xe ô tô điều khiển xe đi tiếp, để mặc nạn nhân P và xe mô tô tại hiện trường vụ tai nạn.

Ngày sau đó, xe ô tô tải đông lạnh do Tưởng Văn Danh (SN 1993, ở Quảng Trạch, Quảng Bình) điều khiển lưu thông trên QL 1A theo hướng Nam - Bắc chạy tới, do thiếu chú ý quan sát và không làm chủ tốc độ nên đã cán qua người của anh P và va chạm với xe mô tô. Anh P được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trên đường đi cấp cứu.

Quá trình điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Can Lộc đã ra quyết định khởi tố bị can đối với tài xế Tưởng Văn Danh để điều tra về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Các trường hợp nêu ví dụ như trên đã khiến dư luận bức xúc. Nhiều người thắc mắc, hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sẽ bị xử lý như thế nào?

ls.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng. 

Trả lời báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật hiện nay, việc không cứu giúp người bị tai nạn giao thông là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nếu để xảy ra hậu quả chết người, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo Luật sư Hùng, việc cứu giúp nạn nhân tai nạn giao thông còn là vấn đề đạo đức, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Để những truyền thống tốt đẹp được giữ gìn, để giảm thiểu các hành vi vi phạm, việc thực hiện thường xuyên việc điều tra, xử lý những cá nhân vi phạm là vô cùng cần thiết.

Thực tế, không ít người cho rằng, việc giúp người gặp nạn có thể đem đến không ít phiền phức cho bản thân như bị cơ quan công an mời lên làm việc nhiều lần, bị người nhà nạn nhân hiểu lầm rồi hành hung... từ đó dẫn đến tâm lý e ngại, không nhiệt tình trong việc cứu giúp những người gặp nạn.

Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối nhận định, có rất nhiều cách để giảm thiểu những tình huống “làm phúc phải tội” như gọi cấp cứu 115 và gọi cảnh sát 113, đồng thời kêu gọi người đi đường cùng chứng kiến, sử dụng điện thoại quay lại hiện trường cũng như toàn bộ quá trình cứu giúp người.

Như vậy, ngay khi cảnh sát đến, có thể bàn giao video vừa quay được để hỗ trợ quá trình điều tra và sẽ không bị người thân của nạn nhân hiểu lầm.