Hình thành thói quen mới "đã uống rượu bia thì không lái xe"
13:28 - 29/01/2023
Những con số thống kê về các lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông bị phát hiện, xử lý những ngày đầu năm khiến chúng ta không khỏi giật mình. Chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, toàn quốc đã có gần 8.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý.
Nếu mở rộng khoảng thời gian để so sánh, trong 15 ngày cao điểm xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn trên cả nước, theo thống kê, có tới gần 24.000 trường hợp vi phạm. Trên thực tế, số người vi phạm nhưng chưa bị phát hiện hẳn còn cao hơn!
Thói quen "nâng ly", sử dụng bia, rượu trong những lần gặp mặt, liên hoan, vào những dịp lễ, Tết hay sự kiện quan trọng đã trở thành tập tục từ lâu của người dân, thậm chí là một phần trong nét văn hóa ẩm thực truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, đã uống bia, rượu rồi lại điều khiển phương tiện giao thông, vi phạm quy định pháp luật, tiềm ẩn, gián tiếp hoặc trực tiếp nguy cơ gây tai nạn giao thông cho bản thân và cộng đồng, là hành vi không thể chấp nhận được và cần phải loại bỏ triệt để.
Chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, toàn quốc đã có gần 8.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý.
Thay đổi một thói quen lâu ngày và từng được một bộ phận số đông thừa nhận là rất khó, nhưng để hình thành thói quen mới, trong trường hợp này là "đã uống rượu bia thì không lái xe", còn khó hơn nhiều.
Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng của ta đã vào cuộc rất quyết liệt. Việc phát hiện và xử lý nhiều người vi phạm nồng độ cồn với những con số nêu trên cho thấy cảnh sát giao thông và lực lượng phối hợp đã làm việc quên mình, không nghỉ Tết, để tăng tính răn đe, hạn chế thấp nhất người vi phạm. Hình phạt cũng rất nghiêm khắc với người điều khiển xe máy, máy kéo, ô-tô…
Đáng chú ý là người điều khiển xe thô sơ như xe đạp nếu vi phạm nồng độ cồn, cũng có thể bị phạt tối đa 600 nghìn đồng. Và số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ lái xe vi phạm nồng độ cồn có chiều hướng giảm so với những năm trước cho thấy phần nào hiệu quả của biện pháp này.
Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng của ta đã vào cuộc rất quyết liệt. Việc phát hiện và xử lý nhiều người vi phạm nồng độ cồn với những con số nêu trên cho thấy cảnh sát giao thông và lực lượng phối hợp đã làm việc quên mình, không nghỉ Tết, để tăng tính răn đe, hạn chế thấp nhất người vi phạm. Hình phạt cũng rất nghiêm khắc với người điều khiển xe máy, máy kéo, ô-tô…
Giảm, tiến tới loại bỏ nguyên nhân tai nạn giao thông do uống rượu, bia là vô cùng cấp bách. Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã có những biện pháp rất kiên quyết. Với những lái xe bị phát hiện có nồng độ cồn dù chưa gây tai nạn, vẫn có thể bị phạt buộc đi lao động công ích, tước bằng lái vĩnh viễn hoặc xử lý hình sự. Với những người nước ngoài vi phạm, bất kể là ai, có thể bị trục xuất ngay lập tức. Một số nước tiên tiến còn áp dụng giải pháp công nghệ xe sẽ tự động khóa động cơ nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Đây là những biện pháp chúng ta có thể tham khảo.
Nhưng để làm được điều ấy, họ có hệ thống giám sát hiện đại, hệ thống phương tiện giao thông công cộng thuận lợi, dịch vụ vận chuyển thay thế tốt, trình độ dân trí cao, giáo dục an toàn giao thông ngay từ trong nhà trường được coi trọng, nhất là việc làm gương của những người có uy tín trong xã hội cũng như sự liêm chính của đội ngũ thực thi pháp luật. Việc kiểm tra, xử phạt phải đúng pháp luật, làm liên tục, thường xuyên, không "đánh trống bỏ dùi" đi đôi với việc ngăn ngừa, xử lý các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu "làm luật".
Trước những thông tin rất nóng về tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông dịp Tết Nguyên đán, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc chấp hành quy định này khởi phát từ nhận thức pháp luật tốt, dẫn đến sự tự giác, tự nguyện chấp hành của người tham gia giao thông thì mới mang lại hiệu quả bền vững. Bởi cho dù lực lượng chức năng có ứng trực, hoạt động ở mức cao nhất thì cũng không thể phát hiện, ngăn chặn, xử lý hết được người vi phạm.
Với một hành vi xuất phát từ thói quen, nhận thức, thì bên cạnh sự điều chỉnh thông qua trừng phạt nặng cần phải có những biện pháp bổ sung để thay đổi thói quen ấy, trong đó việc tuyên truyền, giáo dục phải đặc biệt chú ý.
Chẳng hạn với nhiều đối tượng điều khiển phương tiện, họ cần được trang bị kiến thức về tác hại của rượu, bia khi lái xe; hiểu biết về nồng độ cồn trong máu và hơi thở, sau khi uống mức độ và thời gian bao nhiêu lâu thì mới được phép điều khiển phương tiện.
Các cơ quan quản lý vận tải chủ động kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trước khi rời bến. Các cơ sở ăn uống cần có những cảnh báo, khuyến cáo người sử dụng rượu, bia hoặc cung cấp đồ uống thay thế; có dịch vụ trông giữ xe và gọi taxi cho người đã uống bia, rượu.
Cộng đồng, gia đình, người thân cần kiên quyết ngăn thành viên đã sử dụng đồ uống có cồn điều khiển phương tiện giao thông. Trong nhà trường phổ thông, cần tăng các nội dung giáo dục về văn hóa giao thông…
Chỉ khi người tham gia giao thông tự giác nhận thức được hành vi sai trái và có kiến thức, phương pháp để tự điều chỉnh được hành vi của mình và được cộng đồng cổ vũ, giúp đỡ thì một thói quen mới sẽ hình thành.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra nồng độ cồn với người tham gia giao thông phải duy trì thường xuyên, tránh làm theo từng đợt cao điểm rồi buông lỏng. Những người thực thi pháp luật phải thực sự tuân thủ pháp luật, công bằng, liêm chính; cần có cơ chế phù hợp để cơ quan cấp trên và người dân giám sát lực lượng chức năng trong quá trình thực thi công vụ.
Chủ trương nghiêm cấm việc các cấp lãnh đạo can thiệp vào quá trình thực thi pháp luật là chủ trương đúng đắn và cần được duy trì, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. Hy vọng khi đó chúng ta có thể từng bước giải quyết căn cơ vấn nạn này.