'Hiệp sĩ' tầm lan Chu Xuân Cảnh: Trả lại tên cho lan nhưng âm thầm bảo vệ?
19:59 - 28/07/2021
Đó là tâm sự của "Hiệp sĩ Lan" Chu Xuân Cảnh sau hơn 10 năm lăn lộn nơi rừng sâu núi thẳm để "trả lại tên" cho một số loài hoa lan đặc hữu của Việt Nam lần đầu được công bố trên thế giới.
Anh dằn lòng tâm sự: "Trong 10 năm qua có rất nhiều loài lan Hài của Việt Nam được em công bố lần đầu với thế giới hoặc lần đầu ghi nhận có tại Việt Nam. Điều này có ý nghĩa về mặt khoa học và cũng là ghi nhận cho Việt Nam thêm những loài mới trên bản đồ các loài lan và cũng minh chứng cho sự phong phú và đa dạng của thực vật Việt Nam nói chung và các loài lan nói riêng. Nhưng rất tồi tệ và em cảm thấy rất có lỗi khi vô tình đẩy những loài đó vào nguy cơ tuyệt chủng do sự săn lùng và khai thác của con người từ khi những bông hoa của các loài mới đó được em công bố. Nếu em không công bố thì có thể những loài đó còn có cơ hội tồn tại lâu hơn.
Từ nay em sẽ không giới thiệu bất kỳ loài lan Hài mới nào nữa, em vẫn cố gắng làm các ghi nhận/công bố mới cho Việt nam nhưng sẽ không chia sẻ bất kỳ hình ảnh/tài liệu hay thông tin gì về bất kỳ một loài lan Hài mới nào nữa...".
Bên cạnh đó, "Hiệp sĩ Lan" Chu Xuân Cảnh mong muốn "Mọi người cùng chia sẻ để những thông điệp trên và khi có duyên tìm được những loài lan mới thì chỉ nên âm thầm ghi nhận cho Việt Nam chứ không nên công bố rộng rãi gây nguy hiểm cho loài đó..."
Trong những năm quan, nhiều nhà khoa học, người yêu lan bày tỏ sự đau xót trước cảnh những loài hoa lan đặc hữu quý hiếm của Việt Nam bị "chảy máu xanh" tuồn ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau. Chính thống có, tiểu ngạch có và có cả lòng tham, sự thiếu hiểu biết của một số người. Nhiều giống lan quý hiếm của Việt Nam lại được công bố ở nước ngoài. Cuộc săn lùng loài hoa vương giả cao sang này đã vô tình đẩy những tài nguyên thực vật quốc gia lâm vào tiệt chủng.
Trong những nỗ lực chung đó của giới khoa học, nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn là những đóng góp của "Hiệp sĩ Lan" Chu Xuân Cảnh. Cũng giống như các sân chơi sinh vật cảnh khác (Cây, Hoa, Đá, Cá, Chim, Gỗ lũa nghệ thuật...), phần lớn họ là những người đam mê và tự nguyện gắn bó với thú chơi này như một định mệnh!
Trong hàng ngàn người đam mê tại Triển lãm, tôi thấy "cảm tình" với một thanh niên chạc tuổi tôi luôn loáy hoáy chụp hàng chục bức hình mỗi nhành hoa ở các góc độ khác nhau. Dường như linh tính cho tôi biết: "anh là một người đam mê đặc biệt trong những người đam mê lan". Tôi đã vỗi vã nằm vật xuống bãi cỏ để ghi lại những khoảng khắc mà anh đang dồn hết lên những cánh hoa lan mỏng manh (Thật vô tình, chính tôi cũng bị một người khác chụp lại giây phút tôi đang tác nghiệp).
Tìm hiểu thông tin qua các đồng nghiệp Sinh vật cảnh và báo chí tôi mới biết con người mà tôi đã có cảm tình nghề nghiệp ngay từ cái nhìn đầu tiên, chính là "Hiệp sĩ Lan" Chu Xuân Cảnh. Người được Hiệp hội lan Hoa Kỳ (AOS) năm 2010 công nhận là người đầu tiên trên thế giới phát hiện ra một loại hài lạ và đặt tên cho loại lan hài này mang tên anh: Lan Hài Cảnh “Paphiopedilum canhii” mà nhiều người hay gọi tắt là Lan Cảnh.
Cuối Triển lãm, tôi mời anh dùng cơm tối cùng người thân của mình từ Bình Phước ra tham dự sự kiện của những tri kỷ lan cả nước. Điều đặc biệt là Lan Cảnh cũng chính là tên hai vợ chồng người thân của tôi trong bữa tiệc. Quả là tôi đã không nhìn lầm người. Bắt tay anh, chúng tôi đã trút bầu tâm sự và có chung quan điểm: "Những người đam mê quá một thú chơi nào đó thường khùng khùng khác thường. Ở họ chẳng có một động cơ danh lợi nào ngoài niềm đam mê nghề nghiệp trong sáng. Sự nhiệt tình thái quá của họ đôi khi cũng khiến cho người khác hiểu lầm. Họ không quan tâm người xung quanh đang nghĩ gì về họ mà sẽ luôn tìm cách tốt nhất để đạt được sự thỏa mãn cao nhất cho miền đam mê chân chính".
Chu Xuân Cảnh đã có tình yêu đối với loài hoa chỉ nở đẹp ở những nơi non cao thanh khiết này như lan hài hơn 20 năm qua. Anh từng vượt qua rất nhiều khó khăn, thậm chí cả những mỗi nguy hiểm chết người trong những lần đi rừng tìm kiếm vẻ đẹp của những nhánh lan rừng.
Anh tâm sự “Cách đây gần chục năm, trong một chuyến đi rừng, vừa ra khỏi một bụi gai, đầu mình đội thẳng vào một mớ bùng nhùng nhộn nhạo. Giơ tay gạt xuống thì phát hiện đó là một tổ ong khoái rất to đang chụp gần kín đầu. Mình chỉ còn biết gạt và chạy. Cũng may, mình chạy được vào một hang đá tối ở gần đó. Loài ong vốn kỵ chỗ tối nên không dám bay vào hang. Chỉ chừng vài phút sau khi đàn ong đã bay đi. Mình ra khỏi hang, ngồi nghỉ để bạn đồng hành nhổ những cái vòi ong đang ghim khắp đầu và trên cơ thể. 2 giờ sau, cơn sốt bắt đầu hành hạ, mình chả biết gì nữa. Lúc ấy, toàn bộ phần đầu, mặt mình sưng tấy không ai có thể nhận ra, may mà thể lực tốt nên không đến nỗi nguy hiểm tính mạng. Đúng là một lần hút chết vì lan…!”.
Với anh, những lần bị ngã khi đi rừng, leo núi tìm kiếm Phong lan đã là chuyện bình thường. Tuy nhiên, lần bị ong đốt làm anh nhớ nhất bởi sau gần chục năm, anh vẫn không thể quên bộ mặt “hài hước” của mình sau khi tỉnh cơn mê do ong đốt ấy!.
Đam mê sưu tầm và “chơi” Phong lan lâu năm nhưng anh cho biết, trong khoảng sân nhỏ trước nhà cũng chỉ có những loại Phong lan phổ biến và dễ ươm trồng. Nhiều loại Phong lan quý anh tìm thấy nhưng đều không mang về nhà trồng mà thường tìm một môi trường thích hợp để nhân giống, duy trì nguồn gen, giống lan quý hiếm. Với anh, việc tìm thấy và bảo tồn Phong lan trong môi trường tự nhiên còn quan trọng hơn nhiều việc sở hữu những nhành lan đẹp đẽ ấy. Bởi vậy, chính trong những chuyến đi rừng, anh thường khuyên, hướng dẫn người dân bản địa, những người thợ săn Phong lan… cách để lấy Phong lan mà vẫn đảm bảo sự phát triển, sinh sôi trong môi trường tự nhiên của nó. Với những loài lan quý, anh thường chủ động hoặc tìm một người quen, cũng là người yêu Phong lan lại có vườn ươm phù hợp với điều kiện sinh trưởng để gửi gắm, nhân giống mà không hề yêu cầu sở hữu những giò Phong lan quý hiếm ấy.
Không chỉ là đam mê, anh Cảnh còn ý thức rất rõ về trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn những loài Phong lan quý cho những khu rừng mãi đẹp. Anh cũng truyền lại cho cậu con trai tình yêu đối với thiên nhiên hoang dã nói chung và với Phong lan nói riêng. Mỗi khi có điều kiện, anh đều đưa cậu con trai lớn đi rừng cùng mình. “Thế hệ trẻ cần có tình yêu đối với thiên nhiên, môi trường và phải biết bảo vệ thiên nhiên môi trường. Không gì hiệu quả hơn bằng việc cho trẻ hòa vào thiên nhiên để hiểu và ý thức được giá trị, tình yêu ấy!”.
Anh cũng được giới khoa học quốc tế đánh gia cao khi anh đưa ra đề nghị: không cung cấp chỉ dẫn địa lý cụ thể (Tọa độ) của loài lan quý hiếm mà anh mới tìm ra để tránh sự săn lùng và chiếm đoạt "tài sản xanh" của thiên nhiên, phá vỡ sự cân bằng sinh thái. Anh sẵn sàng trình ra bằng chứng và khi cần anh có thể dẫn họ tới nơi rừng sâu núi thẳm mà loài hoa đó đang ngự trị.
Có lẽ người yêu hoa, sưu tầm và chơi hoa Phong lan ai ai cũng muốn có loài hoa của riêng mình, nhưng không phải ai cũng có được điều may mắn ấy. Theo quy ước Quốc tế, tên khoa học của một loài thường gồm hai phần (tên Latinh), phần đầu là tên chi (được viết hoa chữ cái đầu)và phần còn lại (viết thường) chỉ một đặc điểm của loài hoặc có thể là tên người tìm ra, địa danh nơi tìm ra loài ấy. Với Phong lan cũng vậy. Ở Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 1.400 loài hoa lan khác nhau. Lan Hài Cảnh “Paphiopedilum canhii” là một và là đầu tiên trong số hãn hữu những loài Phong lan được đặt tên khoa học gắn với tên một người Việt Nam, người đã tìm ra loài lan mới tuyệt đẹp này.
Năm 2009, do may mắn, anh Cảnh đã tình cờ phát hiện ra loài lan quý hiếm này ở vùng rừng núi phía bắc Việt Nam. Lan Hài Cảnh “Paphiopedilum canhii” sống trên những vách đá cao, rất khó tiếp cận và cũng khó ươm trồng trong điều kiện thời tiết ở miền xuôi. Cũng bởi vậy, từ khi phát hiện ra loài lan quý cho đến khi hoàn tất hồ sơ và đăng ký tên loài mới trên thế giới. Anh Cảnh đã phải đi về biết bao lần vất vả trong vòng hơn hai năm để ghi chép, chụp ảnh tư liệu và nghiên cứu đầy đủ về đời sống và sự phát triển qua từng giai đoạn của loài trong tự nhiên. Đồng thời cũng lấy mẫu gửi đi giám định gen cho loài mới thông qua một cơ quan khoa học trung gian ở nước ngoài. Niềm vui không tả khi kết quả nhận được đã xác định đây là loài mới, chỉ được tìm thấy lần đầu tại Việt Nam.
Hiện tại "Hiệp sĩ Lan" Chu Xuân Cảnh đang ấp ủ việc xuất bản một cuốn sách công bố những tài liệu mới nhất về phong lan rừng Việt Nam nói chung, lan Hài Việt Nam nói riêng để bè bạn năm châu biết về một đất nước đa dạng sinh học bậc nhất thế giới như Việt Nam và có những con người đang mang trong mình một niềm đam mê cháy bỏng góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển những tuyệt phẩm của thiên nhiên cho hành tinh mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững!
https://vanhoavaphattrien.vn/hiep-si-tam-lan-chu-xuan-canh-tra-lai-ten-cho-lan-nhung-am-tham-bao-ve-a4642.html