Với hàng loạt các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động từ Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm này, các trung tâm đăng kiểm đang dư thừa các dây chuyền và công suất năng lực kiểm định xe ôtô.

Thông tin tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều nay (ngày 10/7), ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết hiện tại năng lực đáp ứng thực tế của các đơn vị đăng kiểm còn dư từ 32-45% (tại Hà Nội hiện có 27 đơn vị hoạt động với 45 dây chuyền và năng lực thực tế là 2.700 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.610 xe, đạt 60% năng lực; tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 17 đơn vị hoạt động với 33 dây chuyền và năng lực thực tế là 1.980 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.355 xe, đạt 68% năng lực).

[Khi nào sẽ mở lại toàn bộ các trung tâm, dây chuyền đăng kiểm?]

Đánh giá từ từ Bộ Giao thông Vận tải cho thấy hầu hết các trung tâm đăng kiểm đã không còn tình trạng ùn tắc và trở lại hoạt động bình thường, 

Ngoài ra, thay vì tự phát đi đăng kiểm, người dân hình thành thói quen đăng ký trực tuyến để đặt lịch hẹn đăng kiểm, điều này giúp cho ngành đăng kiểm chủ động xắp xếp công việc, đây cũng là những thói quen tốt đảm bảo cho công tác đăng kiểm hoạt động khoa học hơn.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế liên quan đến đăng kiểm và khẩn trương, kịp thời ban hành sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn liền với tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, lãng phí.

 

Song song đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng xây dựng đề án đổi mới công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm, tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ, phân cấp quản lý đến địa phương; đẩy mạnh việc phân cấp cho địa phương trong công tác quản lý hoạt động kiểm định trên địa bàn (cấp phép hoạt động, thanh tra, kiểm tra...) theo hướng rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Trước đó, vào đầu năm 2023, tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn còn diễn ra nghiêm trọng do thiếu hụt nguồn nhân lực.

Ngay lập tức, Bộ Giao thông Vận tải chủ động nắm bắt tình hình, quyết liệt chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động đăng kiểm để phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp đồng thời, có văn bản đề nghị và được Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quan tâm, hỗ trợ lực lượng tăng cường tại các trung tâm đăng kiểm của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam gấp rút bổ sung nhân sự để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là khối đăng kiểm viên nhằm đáp ứng nhu cầu đăng kiểm của người dân và doanh nghiệp; các sở giao thông vận tải tăng cường công tác tổ chức đào tạo, đánh giá đăng kiểm viên nhằm bổ sung lực lượng đăng kiểm viên, đáp ứng nhu cầu đăng kiểm phương tiện của người dân, doanh nghiệp.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị khẩn trương xây dựng và ban hành 2 thông tư (theo trình tự rút gọn) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 8/6/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới./.

Việt Hùng (Vietnam+)