Hé lộ những vòi bạch tuộc trong vụ mua bán 200 triệu lít xăng lậu tại Đồng Nai

07:49 - 27/10/2022

Là mắt xích quan trọng trong đường dây vận chuyển, mua bán xăng nhậu lậu trong chuyên án 920G, nhóm do Lê Thanh Trung cầm đầu đã giúp Nguyễn Hữu Tứ quản lý, mua bán hơn 100 triệu lít xăng nhập lậu với tổng giá trị hàng hơn 1.300 tỷ đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng.

Đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng.

Ngày 26/10, phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Đào Ngọc Viễn (SN 1968, ngụ Q. Tân Bình, TP.HCM), Phan Thanh Hữu (SN 1957, ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM), Nguyễn Hữu Tứ (SN 1966, ngụ huyện Tam Bình, Vĩnh Long) cùng 71 bị cáo trong đường dây buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ xăng nhậu lậu tiếp tục diễn ra với phần công bố cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Mua bán hơn 100 triệu lít xăng lậu

Liên quan đến chuyên án 920G do Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan, trong đó Lê Thanh Trung (SN 1983, ngụ phường Long Tuyền, Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ), là Giám đốc của Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam 01 SWP (tạm gọi là Cty xăng dầu Tây Nam).

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2018, Lê Thanh Trung cùng Lương Đình Tiến (nguyên Phó giám đốc Công ty Xăng dầu Long An) góp vốn thành lập hệ thống các công ty gồm: Công ty CP Nhiên liệu Tây Nam Bộ SFT (gọi tắt: Cty Tây Nam Bộ SFT), Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam 01 SWP (gọi tắt: Cty Tây Nam 01 SWP), Công ty 3S, Công ty Sovigroup để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu.

Năm 2020, Nguyễn Hữu Tứ liên hệ bán nguồn xăng nhập lậu mua từ Phan Thanh Hữu cho Trung với giá thấp hơn giá xăng bán lẻ của Petrolimex.

Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Lê Thanh Trung đã giúp Nguyễn Hữu Tứ quản lý việc nhập, xuất, bán xăng RON 95 nhập lậu tại kho Nam Phong (thuộc huyện Bến Lức, Long An) với tổng số lượng 101.615.801 lít có tổng trị giá hàng phạm pháp là 1.368.528.596.476 đồng.

Số xăng này, Trung đã bán cho khách hàng của Cty Tây Nam Bộ SFT, một phần được Trung đưa về 17 cửa hàng của Cty Tây Nam Bộ SFT tuồn ra thị trường với số lượng 18.841.419 lít; bán cho Trần Huy Lập – Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Phúc Lâm với số lượng 6.615.000 lít. Với mỗi lít xăng gửi tại các kho mà khách hàng đã mua, Trung thu từ 150 đồng đến 550 đồng.

Như vậy, theo cáo trạng, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Lê Thanh Trung đã thu lợi 55.963.665.050 đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Trung thu lợi bất chính từ hành vi vận chuyển, mua bán xăng nhập lậu là 44.015.911.951 đồng.

Các bị cáo đứng nghe cáo trạng tại phiên xét xử ngày 26/10.

Các bị cáo đứng nghe cáo trạng tại phiên xét xử ngày 26/10.

Lập nhóm chat để quản lý, giao dịch

Để đối phó cơ quan chức năng khi bị kiểm tra việc vận chuyển xăng nhập từ khu vực Nhà nuôi yến trên Sông Hậu (thuộc TX. Bình Minh, Vĩnh Long) của Nguyễn Hữu Tứ đến Kho Nam Phong, Tứ và Trung đã thỏa thuận sử dụng pháp nhân của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Phúc Thịnh (do Trung thành lập - tạm gọi: Cty Phúc Thịnh) nhằm hợp thức hóa hồ sơ chứng từ.

Với mục đích quản lý số liệu nhập, xuất và thông tin khách hàng mua xăng tại Kho Nam Phong, Trung đã điều động các nhân viên dưới trướng của mình đang làm việc tại các công ty do Trung quản lý gồm: Nguyễn Hữu Hiền (Kế toán Cty Tây Nam Bộ SFT), Trần Thị Cẩm Vân (Kế toán Cty Tây Nam 01 SWP), Nguyễn Tiến Dũng (Cửa hàng trưởng chi nhánh 11 Cty Tây Nam 01 SWP) và Trần Minh Giang (quản lý Kho Nam Phong). Tại đây Trung giao cho Nguyễn Tiến Dũng làm Giám đốc Phúc Thịnh, Nguyễn Hữu Hiền được giao quản lý, điều hành việc chốt số liệu…. Ngoài số tiền lương theo hợp đồng, mỗi tháng Trung trả cho mỗi đối tượng thêm từ 35 đến 60 triệu đồng.

Để tiện chỉ đạo, Trung trang bị cho Dũng, Vân, Giang 03 điện thoại Iphone 8plus và yêu cầu Dũng cài đặt sẵn ứng dụng WhatsApp cho từng máy. Trên ứng dụng này, Dũng tạo nhóm “Anh em siêu nhân” gồm bốn người Dũng, Vân, Giang do Dũng làm trưởng nhóm.

Tinh vi hơn, các đối tượng đã thống nhất đặt ký hiệu cho từng khách hàng, cụ thể: Cty Tây Nam Bộ SFT và 17 cây xăng của Lê Thanh Trung ký hiệu TK01; Trần Huy Lập – Công ty CP Nhiên liệu Phúc Lâm, khách hàng mua xăng lậu ký hiệu TK02; vợ, chồng Võ Thanh Bình và Nguyễn Thanh Tân – Công ty Tân Bình Phong Phú ký hiệu TK03; Phạm Thị Hương – Công ty Dầu khí Thanh Bình ký hiệu TK04; Nguyễn Thanh Bình – Công ty Best Oil ký hiệu TK05 và Lê Hùng Phong – Công ty Tân Vĩnh ký hiệu TK06.

Hiện phiên tòa đang tiếp diễn với phần công bố cáo trạng của VKS, tuy nhiên do số lượng bị cáo quá nhiều, trong ngày 26/10 không thể hoàn thành nên Chủ tọa phiên tòa đã đề nghị kết thúc tạm ngưng và tiếp tục vào ngày mai (27/10).

Với số lượng 74 bị cáo, 53 cá nhân, tổ chức là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 81 luật sư và 43 người làm chứng, vì vậy phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm 74 bị cáo trong trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng giả (chuyên án 920G) dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 45 đến 60 ngày.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục đưa tin.