Hành lang pháp lý đầy đủ tạo thuận lợi cho vận tải thủy tuyến Việt Nam – Campuchia
09:30 - 27/11/2023
Cục Đường thủy nội địa VN chú trọng đề xuất, sửa đổi kịp thời các quy định nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải trên tuyến vận tải thủy quốc tế Việt Nam – Campuchia.
Năm thứ 13 khai thác, tuyến vận tải ngày càng sôi động
Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, theo Hiệp định về vận tải thủy giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia, được Chính phủ hai nước ký kết ngày 17/12/2009, từ ngày 20/1/2011, một số tuyến đường thủy thuộc hệ thống sông Mê Kông trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và Campuchia trở thành khu vực tự do giao thông thủy dành cho phương tiện thủy hai nước.
Hiệp định nhằm tạo thuận lợi vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường thủy giữa hai nước và vận tải quá cảnh hàng hóa, hành khách đến, đi từ các nước thứ ba qua lãnh thổ mỗi nước.
Sau khi có hiệp định trên, tuyến vận tải thủy qua sông Tiền và sông Hậu được nối thẳng đến cảng Phnôm-Pênh, trong đó tuyến quá cảnh (cho phép tàu biển đi lại) qua sông Tiền từ Cửa Tiểu đến cảng Phnôm-Pênh, tuyến sông Hậu từ Cửa Định An qua kênh Vàm Nao và sông Tiền đến cảng Phnôm-Pênh tạo ra hành lang vận tải thủy nhộn nhịp xuyên biên giới hai nước.
Hiện tuyến vận tải thủy quốc tế này bước sang năm thứ 13 khai thác, ngày càng sôi động và trở thành tuyến vận tải quan trọng giữa hai nước. Đến gần giữa năm 2023, hai nước đã làm thủ tục cho gần 78.000 lượt phương tiện, hơn 406.000 lượt thuyền viên, khoảng 20 triệu tấn hàng hóa và chừng 1,3 triệu lượt hành khách thông qua.
Hàng hóa thông qua tuyến đường thủy giữa hai nước ngày càng tăng trong những năm gần đây, đặc biệt trong hai năm 2021 – 2022. Riêng hàng container tăng trưởng trung bình 20%/năm. Cụ thể, năm 2021 đạt gần 350.000 TEUs và hơn 800.000 tấn hàng lỏng, hàng rời. Năm 2022 đạt 417.696 TEUs và gần 1 triệu tấn hàng lỏng, hàng rời; 7.594 lượt phương tiện quá cảnh, xuất nhập cảnh; 35.766 lượt thuyền viên và 59.406 lượt hành khách. Riêng hai tháng đầu năm 2023, lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến này đạt trên 150.000 tấn. Lũy kế hai năm 2021 – 2022 đạt xấp xỉ 20 triệu tấn hàng hóa.
Năm 2022, Cục Đường thủy nội địa VN cũng đã cấp 543 giấy phép vận tải thủy qua biên giới Việt Nam - Campuchia cho 49 doanh nghiệp và 13 cá nhân có phương tiện vận tải thủy qua biên giới. Còn chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2023, cấp 272 giấy phép vận tải qua biên giới giữa hai nước; trong đó có 79 giấy phép cấp cho phương tiện chở hàng nguy hiểm, 193 giấy phép cấp cho phương tiện chở hàng khô…
Lãnh đạo Cục Đường thuỷ nội địa VN cho biết, Cục và Tổng cục Đường thuỷ, hàng hải và cảng Campuchia thường xuyên trao đổi để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền hai nước tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, hoạt động vận tải thủy giữa hai nước.
Gần đây nhất, ngày 10/5/2023, tại hội nghị song phương Việt Nam – Campuchia hôm 10/5/2023, hai bên đã trao đổi, thống nhất tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam – Campuchia cũng như cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải của hai nước.
Tạo thuận lợi vận tải bằng hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp
Theo đánh giá của Cục Đường thủy nội địa VN, tiềm năng vận tải hàng hóa giữa hai nước, nhất là hàng quá cảnh trên tuyến Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam – Campuchia quy định còn rất lớn. Để đạt được những kết quả tích cực như trên và thúc đẩy phát triển hơn nữa trên tuyến vận tải thủy quốc tế Việt Nam - Campuchia, cơ quan chức năng của hai nước đã và sẽ tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực trong công tác đề xuất, xây dựng các quy định phù hợp để tạo thuận lợi cho vận tải, giảm thủ tục hải quan, thông quan, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải.
Có thể kể đến như thời gian qua, Cục Đường thủy nội địa VN chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan trong việc đề xuất miễn, giảm (và đã được thông qua) phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP. HCM đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy trên tuyến đường thủy theo hiệp định về vận tải thủy nói trên.
Cục Đường thủy nội địa VN cũng chủ động, tích cực trong đề xuất, sửa đổi bổ sung các quy định hướng dẫn để phù hợp và tạo thuận lợi hơn cho vận tải thủy, mà gần đây là Thông tư số 13/2023 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy, có hiệu lực thi hành từ 1/9/2023.
Theo đó, một số điểm mới đáng chú ý như đơn vị vận tải có thể làm thủ tục cấp Giấy phép vận tải qua biên giới cho phương tiện thủy thuộc Nhóm 1 và Nhóm đặc biệt tại Cục Đường thủy nội địa VN (qua đường bưu chính hoặc cấp phép qua mạng điện tử) hoặc Sở GTVT. Quy định hiện nay, Sở GTVT chỉ cấp phép khi được Bộ GTVT ủy quyền.
Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung quy định về phạm vi hoạt động của phương tiện vận tải thủy trên tuyến Việt Nam – Campuchia, như: phương tiện của Việt Nam chỉ được phép hoạt động theo tuyến đường thủy và các cảng, bến, cụm cảng của Campuchia trong phạm vi được quy định tại thông tư. Phương tiện thủy của Việt Nam và Campuchia tiến hành một lần các thủ tục liên quan đến việc xuất cảnh, hải quan, y tế, kiểm dịch động thực vật tại cảng hoặc bến khởi hành đầu tiên.
Khi phương tiện thủy đến Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương hoặc Cửa khẩu quốc tế Thường Phước phải xuất trình giấy tờ chứng minh đã làm thủ tục xuất cảnh theo quy định của pháp luật cho cơ quan chức năng tại cửa khẩu trước khi rời lãnh thổ Việt Nam.
Trường hợp hàng hóa, hành khách được xếp, đón lên phương tiện thủy trên đường hành trình theo quy định mà chưa được làm thủ tục thì phải khai báo, nộp, xuất trình các loại giấy tờ cho cơ quan hải quan, kiểm dịch động thực vật, y tế, biên phòng tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường 3 sông Vĩnh Xương hoặc Cửa khẩu quốc tế Thường Phước để hoàn tất thủ tục cho hàng hóa và hành khách chưa làm thủ tục trước khi xuất cảnh;
Trường hợp tại các cảng, bến, cụm cảng được quy định không có đầy đủ các cơ quan chức năng, các thủ tục còn thiếu sẽ được tiến hành tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương hoặc Cửa khẩu quốc tế Thường Phước.
Thuyền viên qua lại biên giới phải mang hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền cấp (đối với thuyền viên của phương tiện thủy); hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền cấp và sổ thuyền viên (đối với thuyền viên tàu biển quá cảnh); Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Hành khách và nhân viên phục vụ trên phương tiện xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền cấp.