Hành lang an toàn đường bộ được xác định thế nào?

14:26 - 16/05/2024

Hiện nay rất nhiều địa phương, đơn vị còn đang lúng túng trong việc xác định hành lang an toàn đường bộ, đặc biệt là chỉ giới giao thông hay xác định quyền sở hữu đất có nằm trong hành lang an toàn đường bộ do địa phương quản lý hay không?

Hành lang an toàn đường bộ được xác định thế nào?- Ảnh 1.

Thanh tra giao thông ghi nhận tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên QL70

Để tìm hiểu vấn đề này, Tạp chí GTVT đã liên hệ với Phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam và có câu trả lời như sau:

Thứ nhất Khoản 1, 2, Điều 14 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2010 của Chính phủ quy định về Quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định:

Phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ. Trong đó đất của đường bộ bao gồm phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ (phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ là phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ).

Phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ dùng để giữ vật tư sử dụng cho bảo trì, để di chuyển hoặc đặt các thiết bị thực hiện việc bảo trì, để chất bẩn từ mặt đường ra hai bên đường, chống xâm hại công trình đường bộ.

Phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ có bề rộng theo cấp đường, được xác định từ mép ngoài cùng của nền đường bộ (chân mái đường đắp hoặc mép ngoài của rãnh dọc tại các vị trí không đào không đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào) ra mỗi bên như sau:

- 3 mét đối với đường cao tốc, đường cấp I, đường cấp II;

- 2 mét đối với đường cấp III;

- 1 mét đối với đường từ cấp IV trở xuống.

Hành lang an toàn đường bộ được xác định thế nào?- Ảnh 2.

Đất hành lang an toàn đường bộ phục vụ các công trình bảo đảm an toàn đường bộ

Thứ hai Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Khoản 3, Điều 14, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định như sau: "Đối với đường bộ xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, chủ đầu tư phải xác định giới hạn đất dành cho đường bộ và thực hiện như sau:

Đối với đất của đường bộ, lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất, thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với đất hành lang an toàn đường bộ: Chủ đầu tư tiến hành cắm mốc giới hạn để bàn giao cho địa phương và cơ quan quản lý đường bộ quản lý theo quy định như đối với hành lang đường bộ đang khai thác. Trường hợp công trình và các tài sản khác nằm trong hành lang an toàn đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ thì chủ đầu tư tiến hành xác định mức độ ảnh hưởng, phối hợp cùng cơ quan quản lý đất đai của địa phương lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai".

Hành lang an toàn đường bộ được xác định thế nào?- Ảnh 3.

Sơn báo hiệu đường bộ

Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi bổ sung Điều 15, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định như sau:

"Điều 15. Giới hạn hành lang an toàn giao thông đường bộ: Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ. Giới hạn hành lang an toàn đường bộ xác định theo quy hoạch đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được quy định như sau:

Đối với đường ngoài đô thị: Căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn đường bộ có bề rộng tính từ đất của đường bộ trở ra mỗi bên là:

- 17 m đối với đường cấp I, cấp II;

- 13 m đối với đường cấp III;

- 9 m đối với đường cấp IV, cấp V;

- 4 m đối với đường có cấp thấp hơn cấp V.

Ngoài ra đối với đường đô thị, giới hạn hành lang an toàn đường bộ là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt".

Do đó, các địa phương căn cứ vào quy định này để xác định hành lang an toàn giao thông đường bộ đối với các tuyến đường do địa phương quản lý.