Hàng Việt Nam trên hành trình tiến tới xanh hóa thương hiệu

14:19 - 29/06/2024

Ngành bán lẻ được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng cũng vô cùng cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp Việt, hàng Việt không ngừng nỗ lực cải tiến sản phẩm trên “đường đua” xanh hóa thương hiệu.

Nhóm hàng thực phẩm chế biến đa dạng mẫu mã tại kênh bán lẻ Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/ TTXVN)
Nhóm hàng thực phẩm chế biến đa dạng mẫu mã tại kênh bán lẻ Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/ TTXVN)

Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam đang có quy mô thị trường bán 142 tỷ USD và dự báo có thể tăng 350 tỷ USD vào năm 2025.

Ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng cũng vô cùng cạnh tranh và đòi hỏi doanh nghiệp Việt, hàng Việt không ngừng nỗ lực cải tiến sản phẩm trên “đường đua” xanh hóa thương hiệu và hướng đến thương hiệu bền vững, nhằm giữ vững sân nhà và vươn ra thị trường xuất khẩu.

Hiệu quả cải tiến chất lượng

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, với sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong việc không ngừng cải thiện, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, cùng sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước, nhất là sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tǎng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%. Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

 

Đồng thời, thông qua những hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, không ít ngành hàng của Việt Nam đã và đang mạnh dạn bước ra thế giới, tạo vị thế vững chắc tại nhiều thị trường lớn trên toàn cầu.

Ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm với những kết quả tích cực, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia với tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (lên đến 102%) trong giai đoạn 5 năm từ 2019-2023.

Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 498 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và xếp thứ 33/121 quốc gia được đánh giá.

Trong khi đó, khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ ra rằng, có 80% người bán đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua; hơn 50% đánh giá doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Những con số này, cho thấy người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và đã chủ động tiếp cận, sử dụng hàng Việt.

Ở góc độ chuyên gia, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đứng trước bối cảnh bước vào “đường đua” cải tiến chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu không chỉ để nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn đáp ứng theo quy định pháp luật.

 

Điển hình, tính bắt buộc thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) của doanh nghiệp Việt Nam đã được thể chế hóa thành những quy định theo thông lệ quốc tế chứ không dừng lại ở khuyến khích, vì đây là công cụ và bộ tiêu chuẩn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, cũng như đi theo định hướng quốc gia trong những cam kết quốc tế của Việt Nam.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, cải tiến chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, còn chịu tác động từ một số yếu tố như đầu tư, khách hàng-thị trường, người lao động-môi trường.

Ngoài ra, trong vấn đề quản trị doanh nghiệp thì tính minh bạch cần chứng minh rõ bằng thông tin dữ liệu với đa dạng giải pháp thiết thực.

Cùng quan điểm, một số chuyên gia khác cũng nhận định mỗi doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh đều có tác động động đến xã hội nên doanh nghiệp cần xác định chiến lược phát triển công ty gắn liền với sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường. Trên cơ sở này, doanh nghiệp sẽ chủ động tạo ra những tiêu chuẩn, chương trình hành động phù hợp cho công ty và khách hàng, cũng như toàn chuỗi cung ứng để đáp ứng không chỉ người tiêu dùng nội địa mà cả thị trường toàn cầu.

... đến thương hiệu bền vững

Thống kê, hiện tại trong trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được khoảng 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh, gồm: nhóm tiêu chuẩn về chất lượng môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước, quản lý chất thải, tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ ISO 11041… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, thách thức lớn nhất mà họ đang đối mặt cả trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu là thương mại xanh và xu hướng này đang tạo ra một số rào cản nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

TTXVN_2906banlehangVietnam2.jpg
Khách hàng chọn mua thực phẩm tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/ TTXVN)

Cụ thể, đối với nhiều doanh nghiệp, chuyển đổi sang quy trình sản xuất xanh đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ, cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực… Ngoài ra, không ít doanh nghiệp chưa tiếp cập được kiến thức và kinh nghiệm về các quy trình sản xuất xanh nên gặp gây khó khăn trong việc triển khai và duy trì phương thức sản xuất kinh doanh xanh, hướng đến thương hiệu bền vững.

Mặt khác, tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình. Việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu càng gặp nhiều thách thức về đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ và truyền thông, quảng bá thương hiệu.

Từ kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm đến nhiều quốc gia trên thế giới, bà Võ Thị Liên Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Secoin cho hay, khi ra thế giới người ta quan tâm đến sản phẩm Việt chứ không quan tâm đến từng thương hiệu vì vậy cần tạo dựng một cộng đồng doanh nghiệp xanh, góp phần lan toả thương hiệu Việt.

Nếu như trước đây theo đuổi tính xanh là sự đánh đổi chi phí thì trong bối cảnh hiện nay xanh hóa góp phần bảo vệ sức cạnh tranh,tăng cơ hội bán hàng ra quốc tế, bởi chỉ khi doanh nghiệp có sản phẩm xanh mới có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và đây cũng là tấm “hộ chiếu xanh” quyền lực toàn cầu cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), phân tích phải chăng cần tìm cho sản phẩm Việt nhân tố mới, tạo nét mới cho sản phẩm Việt, thương hiệu Việt để đi xa hơn. Nhân tố mới đó không phải yếu tố nào khác mà chính là yếu tố xanh và bền vững, nên Việt Nam cần một cộng đồng doanh nghiệp xanh đồng tâm hiệp lực chứ không phải chỉ một vài doanh nghiệp tiên phong hay làm theo phong trào.

“Một trong những con đường để doanh nghiệp đến với thương hiệu bền vững, vươn ra thị trường toàn cầu là xanh hóa thương hiệu, ngoài việc không ngừng cải tiến chất lượng. Vì tuân thủ các tiêu chuẩn xanh giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được các thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm thân thiện môi trường; nâng cao hình ảnh thương hiệu bền vững, tạo niềm tin với khách hàng và đối tác,” ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết thêm.

Nhiều lợi ích khi tham gia “đường đua xanh hóa thương hiệu”, nhưng con đường này lại không dễ dàng mà nhiều gập ghềnh, nhất là đối với những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Để đồng hành cùng đơn vị sản xuất kinh doanh, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và một số đơn vị phát động Chiến dịch Tiêu dùng xanh lần thứ 15-2024, đồng thời với Chương trình danh hiệu Doanh nghiệp xanh năm 2024.

Các hoạt động này chính thức khởi động từ đầu tháng 6/2024, nhằm hỗ trợ cộng đồng nhận diện sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phát huy quyền của người tiêu dùng, nhất là quyền ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường.

Còn vừa mới đây, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế Sài Gòn và các đơn vị trên địa bàn thành phố phát động Giải thưởng Thương hiệu Vàng Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 5 năm 2024, với chủ đề “Đổi mới và Bền vững.”.

Giải thưởng năm nay, có tiêu chí kết quả kinh doanh chiếm tỷ lệ 40%; đổi mới là 30% và bền vững là 30%; đồng thời hạng mục trao thưởng cũng đổi mới về số lượng và tiêu chí nhằm khuyến khích doanh nghiệp, thương hiệu tất cả quy mô ở mọi ngành nghề tham gia./.

Nguồn: Hàng Việt Nam trên hành trình tiến tới xanh hóa thương hiệu | Vietnam+ (VietnamPlus)