Hàng nghìn hoa đăng thắp sáng đê sông Lục Đầu cầu cho Quốc thái dân an

07:25 - 21/09/2024

Sau khi các nhà sư thực hiện xong khóa lễ, nhân dân và du khách đã thả hoa đăng xuống dòng sông Lục Đầu để gửi gắm sự tri ân những anh hùng, liệt sỹ và cầu siêu thoát cho các vong hồn kẻ bại trận.

Hàng ngàn bông hoa đăng được thắp lên rực sáng triền đê sông Lục Đầu. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)
Hàng ngàn bông hoa đăng được thắp lên rực sáng triền đê sông Lục Đầu. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Đêm 20/9 (tức ngày 18/8, năm Giáp Thìn), tại đê sông Lục Đầu trước đền thiêng Kiếp Bạc, Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã diễn ra Lễ cầu an và hội hoa đăng.

Đây là nghi lễ đặc trưng, linh thiêng trong Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương tham gia.

Hàng ngàn bông hoa đăng được thắp lên rực sáng triền đê sông Lục Đầu. Trên đê, nổi bật là đàn tháp 9 tầng tượng trưng cho trục nối, giao thoa trời-đất, âm-dương. Hoa văn trên 9 tầng tháp là hoa văn cả Phật-Đạo-Nho đan xen biểu hiện sự hòa hợp tam giáo.

Sau khi các nhà sư thực hiện xong khóa lễ, nhân dân và du khách đã thả những bông hoa đăng xuống dòng sông Lục Đầu để gửi gắm sự tri ân những anh hùng, liệt sỹ và cầu siêu thoát cho các vong hồn kẻ bại trận trên sông Lục Đầu; gửi gắm mong cầu tới các vị Phật Thánh phù hộ cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cá tôm đầy thuyền, cầu cho người dân đất Việt được An khang, Thịnh vượng, đất nước thái bình. Kết thúc lễ cầu an, dàn pháo bông vụt sáng cả một góc trời tạo nên không gian huyền ảo bao trùm di tích Kiếp Bạc linh thiêng.

Theo Ban Quản lý Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, dòng sông Lục Đầu (Lục Đầu Giang) dài hơn 10km, hội tụ 4 dòng sông từ thượng nguồn dồn về, chảy vào sông Thái Bình và sông Kinh Thầy. Bốn dòng sông đó là sông Đuống, sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam.

Người xưa coi Lục Đầu Giang là nơi hợp lưu của 4 dòng đức lớn trong vũ trụ, mang lại thái bình, yên ổn thịnh vượng về cho trăm họ, muôn dân.

Lục Đầu Giang có vị trí chiến lược, từ Kiếp Bạc có thể thuận lợi về Thăng Long, lên ngược hoặc đi về xuôi, ra biển. Vì thế, trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm, Lục Đầu Giang là vị trí trọng tâm của căn cứ địa Vạn Kiếp. Tại đây đã diễn ra những chiến công vang dội của quân dân Đại Việt.

Vào thế kỷ 10, trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, Lý Thường Kiệt đã lập phòng tuyến sông Cầu. Khu vực Vạn Kiếp-bến Lục Đầu là chiến tuyến Vạn Xuân của vua Lý. Tại đây, quân dân Đại Việt đã tiêu diệt hàng nghìn quân xâm lược nhà Tống.

Thế kỷ 13, đế quốc Nguyên Mông khi sang xâm lược đều lấy Lục Đầu Giang là mục tiêu đánh chiếm để làm bàn đạp tấn công lên kinh thành Thăng Long. Hưng Đạo Đại Vương đã 3 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng giặc Nguyên Mông.

Để tưởng nhớ và tri ân công đức của các bậc thánh vương, quân dân Đại Việt trong công cuộc bảo vệ đất nước, lễ cầu an được tổ chức tại Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc hằng năm. Nghi lễ vì thế mang ý nghĩa lịch sử văn hóa và nhân văn sâu sắc nên đã tồn tại cùng Lễ hội đền Kiếp Bạc hàng trăm năm qua./.

Nguồn: Hàng nghìn hoa đăng thắp sáng đê sông Lục Đầu cầu cho Quốc thái dân an | Vietnam+ (VietnamPlus)