“Hàng không chung” – Đứa con bị bỏ rơi
14:33 - 03/08/2024
Hàng không chung được hiểu là tất cả các loại hình hoạt động sử dụng phương tiện bay không nhằm mục đích vận chuyển công cộng hành khách hoặc hàng hoá. Hàng không chung là một trong những hình thức vận tải ngày một phát triển và phổ biến cả trong nước và quốc tế. Đây là lĩnh vực không chỉ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế mà còn đối với an ninh, chủ quyền quốc gia.
Ông Nguyễn Mạnh Quang ( Tác giả bài viết ) tại Hội thảo HK
Nói đến ngành hàng không, phần lớn mọi người thường để ý đến các Hãng hàng không với các Tàu bay chở khách, chở hàng hóa cỡ lớn,… Đến các Cảng hàng không sân bay quốc tế hay quốc nội với các đường cất hạ cánh dài 2000 mét đến 4000 mét và Hệ thống nhà ga hoành tráng,… Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của ngành hàng không dân dụng mà thôi. Hoạt động hàng không gồm có thứ nhất là hoạt động thương mại vận chuyển công cộng (Hàng không truyền thống) vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa và bưu kiện; và thứ hai là Hàng không chung (General Aviation). Bên cạnh đó, có lực lượng tàu bay của Không quân.
Trên thế giới, nếu so sánh giữa hàng không truyền thống và Hàng không chung có thể biểu hiện qua 1 số thông số sau: Tổng số lượng tàu bay phục vụ vận tải công cộng hiện nay có khoảng 23.600 chiếc với các tàu bay như Boeing, Airbus, Embraier, ATR,… Trong khi số lượng tàu bay hoạt động Hàng không chung là hơn 340.000 chiếc, gấp hơn 14 lần so với Hàng không truyền thống. Số lượng cảng hàng không sân bay phục vụ cho Hàng không chung cũng gấp 40 -50 lần so với sân bay hoạt động vận tải công cộng. Hàng không chung cũng đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân, tạo ra nhiều việc làm cho người dân, là cái nôi phát triển của Ngành hàng không.
Vậy hàng không chung là gì? Hàng không chung ( General Aviation) là 1 trong 3 nhóm: Hàng không truyền thống, Hàng không chung và Không quân. Theo Điều 198 Khoản 1 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam thì Hoạt động hàng không chung là hoạt động sử dụng Tàu bay để thực hiện các chuyến bay trong lĩnh vực công nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và các lĩnh vực kinh tế khác, phục vụ tìm kiếm cứu nạn, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa thể thao, đào tạo huấn luyện, bay hiệu chuẩn, đo đạc chụp ảnh, quay phim, bay phục vụ nhu cầu cá nhân và các hoạt động dân dụng khác, không nhằm mục đích vận chuyển công cộng hành khách, hành lý, hàng hóa và bưu gửi.
Ông Nguyễn Mạnh Quang ( Người nhận hoa ) tại Lễ công nhận Hội viên VABA của đơn vị - Nguồn ảnh tư liệu
Theo Báo cáo Tổng kết năm 2023 và Phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Cục Hàng không Việt Nam – Cơ quan chuyên ngành quản lý nhà nước về Hàng không dân dụng thì hiện nay Việt nam có 6 doanh nghiệp khai thác hàng không chung vì mục đích thương mại là Tổng công ty Trực thăng, Công ty CP Hàng không Hành tinh xanh (GPA), Công ty CPHK Hải Âu, Công ty Sun Air, Công ty BlueSky với 48 tàu bay cánh bằng như Falcon, Legacy, Cessna,… và 29 Trực thăng như Mi 8, Mi17, EC225,… so với đội bay vận chuyển công cộng hơn 200 chiếc như Boeing, Airbus, Embraier, ATR72,… Những con số nêu trên đã cho thấy được sự phát triển khập khiễng của ngành hàng không dân dụng nước ta so với ngành hàng không thế giới. Hàng không chung gần như không phát triển theo xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới. Hàng không chung đã hầu như không đóng góp nhiều cho nền kinh tế đất nước. Nguyên nhân do đâu?
Điều 79 khoản 2 của Luật hàng không dân dụng nêu: “Bộ Quốc phòng chủ trì với Bộ Giao thông vân tải quyết định việc thiết lập và khai thác vùng trời, sân bay, khu vực bay phục vụ hoạt động Hàng không chung. Khu vực bay phục vụ hoạt động Hàng không chung là khu vực trên không có giới hạn ngang và giới hạn cao được xác định cho từng loại hình khai thác có quy tắc, phương thức bay và các yêu cầu về cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.” Tuy nhiên vì nhiều lý do, việc này vẫn chưa được triển khai. Ngoài Tổng Công ty trực thăng của Quân đội, hoạt động hàng không chung có sân bay và vùng trời riêng thì các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Hàng không chung đều chưa có sân bay riêng, vẫn phải dùng chung với các sân bay cho hoạt động Hàng không vận chuyển công cộng. Để chúng ta có thể hình dung được bức tranh của Hàng không chung thì ta có thể so với hoạt động giao thông đường bộ. Vận tải hàng không công cộng kiểu như xe khách và xe tải chở hành khách hành lý hàng hóa còn Hàng không chung với các tàu bay kiểu như xe taxi, xe ô tô cá nhân, xe cứu thương, xe cảnh sát, xe cứu hỏa, xe mô tô, xe máy, xích lô, ba gác, xe đạp,… Các sân bay quốc tế, quốc nội như Bến xe kiểu như Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, Bến xe Giáp Bát, Bến xe Gia lâm,... Còn các sân bay cho Hàng không chung kiểu như Bãi đỗ xe, nhà để xe, chỗ đỗ ô tô con, xe máy, xích lô, ba gác, xe đạp,… nhiều hơn hàng trăm nghìn lần so với số lượng các bến xe cho xe khách và xe tải phục vụ hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa. Qua đó, ta sẽ nhận thấy rằng việc hàng không chung không có sân bay riêng, phải dùng chung sân bay với vân tải hàng không truyền thống bất cập như thế nào, việc đó chẳng khác nào đem xe máy, xích lô, ba gác hay xe con cá nhân gửi hết vào bến xe. Có ý kiến cho rằng, hiện nay giá điều hành bay và giá cất, hạ cánh quy định thu theo trọng tải cất cánh tối đa và mức thu thấp nhất là cho tàu bay có trọng tải cất cánh nhỏ hơn 20 tấn. Tức là giá thu các tàu bay có trọng tải cất cánh vài trăm kg cũng như tàu bay dưới 20 tấn là như nhau. Điều này không công bằng cho các tàu bay loại nhỏ dùng cho bay huấn luyện phi công hay bay hàng không chung vì mục đích thương mại như các trường bay, bay tư nhân, du lịch sử dụng tàu bay 1 động cơ loại nhỏ với 2 đến 3 chỗ ngồi như tàu bay Tecnam P2008 với trọng tải cất cánh lớn nhất là 600kg, Diamond DA20 với trọng tải cất cánh lớn nhất là 1198kg, Cessna 206 với 1633Kg, ATEC FAETA 321 với Trọng tái lớn nhất là 472Kg,.… Từ đó chi phí cho hoạt động hàng không chung mà các Doanh nghiệp Hàng không chung sẽ tăng, một trong những yếu tố góp phần cho Hàng không chung chậm phát triển. Do đó cần có quy hoạch và xây dựng các sân bay dành cho Hàng không chung. Các sân bay này cũng không đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn như Cảng Hàng không sân bay dùng cho Hàng không truyền thống. Các sân bay này chỉ cần đường băng dài vài ba trăm mét, dải bê tông thì tốt không thì bằng ghi sắt hoặc thậm chí đường băng đất cũng được, bên cạnh đó nhà hành khách, hệ thống đảm bảo hoạt động cho hàng không chung cũng đơn giản, không hoành tráng như các Cảng hàng không sân bay cho tàu bay hoạt động hàng không truyền thống. Nếu có sân bay kiểu này dành riêng cho hoạt động bay Hàng không chung thì chắc chắn sẽ giảm chi phí đáng kể cho các doanh nghiệp Hàng không chung. Việc không dùng chung sân bay cũng tránh cho việc tắc nghẽn ở các Cảng hàng không sân bay như hiện nay vì dù là tàu bay nhỏ, rất nhỏ nhưng khi cất cánh hay hạ cánh thì nó vẫn chiếm 1 slot trên đường băng như các tàu bay lớn A350, B787….
Một trong những nguyên nhân khiến Hàng không chung chưa phát triển đúng tầm của nó là do chưa thiết lập được các khu vực dành riêng cho hoạt động Hàng không chung nên khi hoạt động thì thủ tục xin phép bay cũng rất phức tạp, cộng với công tác hiệp đồng thông báo bay với các cơ quan không lưu hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. Theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế ICAO thì khu vực vùng trời cho hoạt động Hàng không chung là vùng trời loại G, tàu bay theo quy tắc bay bằng mắt VFR chỉ cần dịch vụ thông báo bay. Tức là tàu bay hoạt động trong đó chỉ cần thông báo cho các cơ quan không lưu biết là có hoạt động, cơ quan không lưu không cần phải kiểm soát như hiện nay, không phải hiệp đồng kiểm soát từng chuyến như hiện nay, điều này sẽ giảm tải công việc cho doanh nghiệp Hàng không chung cũng như cơ quan không lưu. Vùng trời của chúng ta hiện nay khai thác khá hiệu quả cho Hàng không truyền thống nhưng việc sử dụng vùng trời tầng thấp dưới 2000m chủ yếu cho hoạt động Hàng không chung còn hạn chế.
Hàng không chung nếu phát triển sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung. Hàng không chung là cái nôi của Ngành Hàng không nói chung. Tại sao vậy? Bởi vì các phi công của Ngành Hàng không truyền thống đều được đào tạo từ các tàu bay nhỏ, 1 động cơ của hàng không chung. Sau khi có bằng lái phi công cơ bản này, nếu muốn tiếp tục đào tạo một thời gian nữa sẽ có thể trở thành phi công thương mại. Hiện nay đội ngũ phi công hàng nghìn người của các hãng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines,... đều được bắt đầu đào tạo huấn luyện cơ bản từ Hàng không chung nhưng phần lớn (99%) không được huấn luyện tại các doanh nghiệp Hàng không chung của Việt Nam mà là ở các doanh nghiệp Hàng không chung nước ngoài như Hoa Kỳ, Úc, Pháp,… hay bên cạnh ta như Thái Lan. Mấy năm gần đây cũng có doanh nghiệp đầu tư hoạt động Hàng không chung cho đào tạo phi công, tuy nhiên cũng không phát triển được như kỳ vọng. Một số ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp này cũng được phản ánh trên các phương tiện báo chí truyền thông nhưng việc xử lý giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp đó chưa được như mong muốn. Nếu hoạt động Hàng không chung phát triển thì việc người dân có được bằng lái tàu bay và việc sử dụng tàu bay nhỏ tư nhân đi công tác hay về quê quán không phải là chuyện viễn vông nữa. Cũng lấy ví dụ như bằng lái ô tô cá nhân những năm 80, 90 của thế kỷ trước nếu ai có bằng lái ô tô và có xe ô tô cá nhân là một điều hãnh diện thì đến nay với sự phát triển của giao thông đường bộ và kinh tế phát triển thì việc có một cái bằng lái xe hay việc có một chiếc xe ô tô cá nhân cũng không phải việc to tát lắm. Chi phí đào tạo phi công tại Việt Nam chắc chắn sẽ giảm rất nhiều so với việc cử đi nước ngoài đào tạo. Điều này sẽ thu hút người dân có nhu cầu lấy bằng phi công cơ bản và tạo nguồn lực dồi dào cho việc tuyển chọn đào tạo tiếp theo để trở thành phi công thương mại, cung cấp nguồn nhân lực cho các Hãng hàng không. Nhà nước chúng ta cũng giảm nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài như hiện nay.
Hy vọng rằng trong thời gian tới Nhà nước ta sẽ có những chính sách phù hợp và thúc đẩy những công việc chưa thực hiện đồng thời có những quyết sách đột phá tạo điều kiện cho Hàng không chung phát triển, góp phần đúng với vị trí của nó trong nền kinh tế của đất nước. Tương lai không xa, các gia đình Việt nam chúng ta có thể về thăm quê quán trong các dịp Lễ, Tết bằng cách chồng, vợ hoặc con lớn,… tự lái tàu bay riêng của nhà mình bay về quê, việc này không những giảm ách tắc giao thông đường bộ hiện nay mà còn sử dụng hiệu quả vùng trời thân yêu của chúng ta.
Tác giả : Chuyên gia HK Nguyễn Mạnh Quang
Nguồn: “Hàng không chung” – Đứa con bị bỏ rơi (opensky.com.vn)