Hãng hàng không Southwest Airlines của Mỹ đã chấp nhận nộp khoản tiền phạt 140 triệu USD liên quan đến sự cố công nghệ và thời tiết xấu buộc hãng phải hủy 16.900 chuyến bay, khiến 2 triệu hành khách bị mắc kẹt hồi tháng 12/2022.
Đây là mức phạt cao nhất mà giới chức Mỹ đưa ra đối với các vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong thông báo ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cho biết cơ quan này đưa ra mức phạt trên sau khi hoàn tất cuộc điều tra của chính phủ về việc các hãng hàng không hoãn hoặc hủy chuyến bay.
Trong số tiền nói trên có khoản phạt 35 triêu USD và khoản bồi thường 90 triệu USD cho các hành khách bị ảnh hưởng.
Southwest Airlines là hãng hàng không đầu tiên phải nộp phạt và bồi thường trong chương trình của chính phủ yêu cầu các hãng bồi thường cho hành khách do chậm chuyến, vốn sẽ có hiệu lực vào tháng 4/2024.
Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm buộc các hãng hàng không phải có trách nhiệm với khách hàng, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng các chuyến bay nội địa và các chuyến bay quốc tế có điểm đến hoặc xuất phát từ Mỹ.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg nhấn mạnh các hãng hàng không phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của khách hàng và bộ sẽ can thiệp nếu cần thiết.
Vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới năm ngoái, Southwest Airlines đã phải hủy hơn 16.900 chuyến bay do bão lớn và sự cố phần mềm lập lịch trình vốn lỗi thời.
Sự cố này đã ảnh hưởng đến khoảng 2 triệu hành khách trên cả nước và Southwest Airlines thiệt hại hơn 1 tỷ USD. Hiện hãng đã hoàn lại hơn 600 triệu USD tiền vé cho các khách hàng bị hủy chuyến do bão và sự cố kỹ thuật hồi năm ngoái.
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ thị Bộ Giao thông Vận tải Mỹ đề xuất các quy định mới nhằm buộc các hãng hàng không phải bồi thường cho hành khách bị hoãn hoặc hủy chuyến./.