Han Quoc dang doi mat voi bai toan hoc bua mang ten lai suat hinh anh 1Đồng won của Hàn Quốc. (Ảnh: freepik.com/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đang chịu áp lực ngày càng tăng về việc tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng Tư nhằm xoa dịu thị trường trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ quan điểm siết chặt chính sách tiền tệ.

Sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell gửi đi những tín hiệu tích cực đầy bất ngờ về việc tăng lãi suất chỉ sau một đêm, khả năng BoK tiến thêm một bước đã trở nên rõ ràng hơn trước những lo ngại ngày càng tăng về khoảng cách lãi suất ngày càng lớn giữa hai nước.

Trong báo cáo Sách Be (Beige Book) mới nhất khảo sát 12 khu vực của Mỹ công bố ngày 8/3, một số khu vực đã báo cáo về sự gia tăng lạm phát về giá, với áp lực lạm phát dai dẳng được ghi nhận ở khu vực New York và sự gia tăng "mạnh mẽ" trong chi phí cho thuê nhà ở khu vực Cansas City.

Lạm phát ở Mỹ dù có giảm sau các đợt tăng lãi suất cơ bản liên tiếp nhưng hiện vẫn mức cao so với mục tiêu dài hạn của Fed là 2%.

[Ngân hàng Hàn Quốc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ]

Tại phiên điều trần của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện (giờ Mỹ), Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng các chỉ số kinh tế gần đây đang có chiều hướng tăng cao hơn dự báo và điều này có thể sẽ khiến cho lãi suất cơ bản cao hơn dự báo đưa ra trước đó.

 

Phát biểu này của ông Powell càng củng cố thêm cho quan điểm phỏng đoán trên thị trường rằng có thể Fed sẽ tăng mạnh lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) dự kiến diễn ra từ ngày 21-22/3 tới.

Điều này đã phá vỡ dự đoán phổ biến một thời rằng mức lãi suất cơ bản cuối cùng của Hàn Quốc sẽ được giữ ở mức 3,5% như hiện tại.

Theo các nhà kinh tế sở tại, ngay cả khi giá tiêu dùng của Hàn Quốc đang có dấu hiệu ổn định lần đầu tiên sau 10 tháng (khi mức tăng đã giảm còn 4% vào tháng Hai vừa qua), thì lập trường “diều hâu” đang hồi sinh của Fed sẽ trở thành gánh nặng lớn hơn đối với quyết định lãi suất của BoK.

Trong khi đó, Ủy ban chính sách tiền tệ của BoK ngày 23/2 vừa qua đã quyết định “đóng băng” lãi suất cơ bản ở mức 3,5%/năm, tạm thời chấm dứt đà tăng lãi suất kéo dài một năm rưỡi vừa qua, sớm nhất trong số các nền kinh tế mới nổi.

Lãi suất của Hàn Quốc đang thấp hơn 1,25 điểm phần trăm so với Mỹ (4,5-4,75%) song lại là mức chênh lệch lớn nhất trong vòng hơn 22 năm (sau mức 1,5 điểm phần trăm hồi tháng 10/2000).

Nếu đúng như dự báo từ thị trường là Fed nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, thì mức chênh lệch lãi suất với Mỹ có thể tăng lên thành 1,75 điểm phần trăm.

Thêm vào đó, nếu trong tháng Tư tới BoK tiếp tục đóng băng lãi suất còn Fed nâng thêm 0,25 điểm phần trăm lãi suất thì chênh lệch này sẽ được nới rộng thành 2 điểm phần trăm.

Các nhà kinh tế Hàn Quốc cũng kỳ vọng BoK sẽ thực hiện thêm một bước tiến nhỏ về lãi suất nữa vào ngày 13/4 trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ dài hơn dự kiến của Fed.

Nhà kinh tế Kang Hyun-ju tại Viện thị trường vốn Hàn Quốc (KCMI) cho biết: “Một đợt tăng lãi suất khác của BoK dường như đang ở trong tầm ngắm khi Fed đang có dấu hiệu kéo dài chu kỳ thắt chặt tiền tệ với giọng điệu diều hâu hơn. BoK sẽ tính đến các yếu tố toàn diện, chẳng hạn như sự chuyển động của tỷ giá hối đoái giữa đồng won và USD.”

Ông Kang Hyun-ju lưu ý thêm hiện có vẻ vẫn còn quá sớm để dự đoán mức cuối cùng của lãi suất cơ bản bởi nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này vẫn đang có dấu hiệu bất ổn do xuất khẩu các mặt hàng chủ lực (như chất bán dẫn) yếu.

Phát biểu trước báo giới ngày 7/3 vừa qua, Thống đốc BoK Rhee Chang-yong đã nhấn mạnh rằng hầu hết các thành viên hội đồng tiền tệ của BoK đang có thái độ chờ xem liệu có nên tiếp tục tăng lãi suất cơ bản hay giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại sau khi xem xét nhiều yếu tố bất ổn như chính sách tiền tệ của Fed, xung đột Nga-Ukraine, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và tình hình thị trường nhà đất ở Hàn Quốc trong tương lai.

Mặc dù ông Rhee Chang-yong khẳng định sự chênh lệch này không ảnh hưởng về mặt kỹ thuật tới tỷ giá và nguồn vốn nước ngoài song có một thực tế là lãi suất cơ bản của Hàn Quốc thấp hơn Mỹ sẽ làm gia tăng rủi ro khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường trong nước, kéo giá trị đồng won giảm so với USD.

Ông Rhee Chang-yong cho biết BoK sẽ xem xét kỹ hơn khoảng cách lãi suất ngày càng lớn với Fed bằng cách “để ngỏ tất cả các lựa chọn.”

Ông nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là thiết lập các chính sách tiền tệ một cách tỉ mỉ bằng cách đưa ra tất cả các lựa chọn liên quan đến chênh lệch lãi suất giữa Hàn Quốc và Mỹ.”

Han Quoc dang doi mat voi bai toan hoc bua mang ten lai suat hinh anh 2Một góc thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã gây ra sự xáo trộn thị trường tài chính Hàn Quốc trong phiên giao dịch ngày 8/3, với chỉ số chứng khoán KOSPI đi xuống khi tâm lý nhà đầu tư lo ngại về chính sách diều hâu của Fed.

Đồng nội tệ (won) của Hàn Quốc mất giá so với USD do nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn hơn. Tỷ giá won có chiều hướng bất ổn khi gần đây đồng won có lúc giảm xuống dưới ngưỡng 1.300 won đổi 1 USD.

Tuy nhiên, trong 3 phiên giao dịch ngay sau quyết định đóng băng lãi suất của BoK, đồng won đã tăng trở lại trên mức 1.320 won đổi 1 USD sau 3 tháng.

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bán ròng ba phiên liên tiếp sau quyết định đóng băng lãi suất của BoK. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại thị trường trái phiếu.

Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng BoK sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp tháng Tư tới, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế “xứ sở kim chi” đang đình trệ và lạm phát đang giảm xuống ngưỡng 4% sau 10 tháng, vẫn có khả năng BoK sẽ tiếp tục duy trì đường lối đóng băng lãi suất.

Kể từ khi BoK tiến hành chính sách thắt chặt tiền tệ, khiến lãi suất cơ bản tăng thêm 3 điểm phần trăm, lên 3,5% kể từ tháng 8/2021, nhu cầu trong nước đã bị đình trệ còn xuất khẩu chững lại do điều kiện bên ngoài xấu đi.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc chỉ tăng trưởng 2,6% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,1% trong năm 2021.

Đây cũng là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2020, khi nền kinh tế lớn thứ tư châu Á ghi nhận mức suy giảm 0,7% do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19./.

Anh Nguyên (TTXVN/Vietnam+)