Trong hai ngày 15 và 16/2, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức trao hơn 2,745 tỷ đồng bồi thường oan sai trong tố tụng hình sự cho ông Trần Ngọc Chinh và người đại diện của ông Trần Trung Thám (bà Trần Thị Thắm - là vợ ông Thám) đều ở xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bà Màu Mai Quyên, Trưởng phòng Kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, cho hay chiều 16/2, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã trao 1 tỷ 677 triệu đồng tiền bồi thường oan sai cho người đại diện của ông Trần Trung Thám (bà Trần Thị Thắm - là vợ ông Thám) ở xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước đó, ngày 15/2, đại diện Cơ quan này cũng đã trao số tiền bồi thường oan sai 1 tỷ 068 triệu đồng cho ông Trần Ngọc Chinh cùng xã Đồng Thịnh.
Theo bà Màu Mai Quyên, khi trao tiền, các nạn nhân và gia đình đồng ý ký nhận, không có thắc mắc khiếu kiện, không có phản hồi. Bà Quyên là người đại diện cho Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trao số tiền trên cho hai nạn nhân. Đây là vấn đề oan sai trong tố tụng hình sự đã lâu, tính đến nay trải qua hơn 40 năm.
Như Thông tấn xã Việt Nam đã thông tin, ngày 28/1/1980, ông Chu Văn Quản, ở thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), lúc ấy là Bí thư Chi bộ thôn, bị giết.
Ngày 29/1/1980, Công an huyện và tỉnh Vĩnh Phú (cũ) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Ty Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) để điều tra theo thẩm quyền.
Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Trần Trung Thám, ông Trần Ngọc Chinh, ông Khổng Văn Đệ, ông Nguyễn Đình Ký cùng ở địa bàn xã. Đến ngày 24/5/1980, ông Thám chết trong trại giam.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định chỉ có ông Nguyễn Đình Ký thực hiện hành vi giết ông Chu Văn Quản. Ngày 15/6/1983, Tòa án Nhân dân tỉnh đã xét xử, tuyên phạt ông Nguyễn Đình Ký mức án tù chung thân về tội "Giết người."
Từ năm 1982, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có Quyết định đình cứu "Không phạm tội giết ông Chu Văn Quản" đối với các ông Trần Trung Thám và Trần Ngọc Chinh, Khổng Văn Đệ.
Như vậy, việc khởi tố, bắt giam trên đã gây oan sai cho những người không thực hiện hành vi phạm tội, thiệt hại về vật chất, tinh thần, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các ông và gia đình. Qua nhiều năm, gia đình các ông (trong vụ án oan) có các đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
[Công khai xin lỗi người bị oan sai trong vụ giết người 40 năm trước]
Ngày 9/10/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức buổi xin lỗi và cải chính công khai đối với các ông Khổng Văn Đệ, Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám.
Những người bị oan sai và gia đình người bị oan sai trong vụ án này đã yêu cầu bồi thường về vật chất, tinh thần để bù đắp một phần cho người bị oan và gia đình của họ.
Sau khi được xin lỗi công khai, các gia đình đã làm đơn yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường. Trong đó, gia đình ông Chinh yêu cầu bồi thường số tiền gần 12 tỷ 870 triệu đồng; gia đình ông Thám yêu cầu bồi thường 25 tỷ đồng; gia đình ông Đệ có đơn yêu cầu bồi thường số tiền là hơn 5 tỷ 285 triệu đồng.
Tuy nhiên, quá trình xem xét xử lý, các cơ quan chức năng đã không chấp nhận mức bồi thường theo yêu cầu của các gia đình vì cho rằng mức yêu cầu trên là quá cao.
Tháng 9/2020, ông Khổng Văn Đệ đã chấp nhận mức tiền bồi thường oan sai 1 tỷ 167 triệu đồng và là người đầu tiên nhận tiền bồi thường oan sai.
Quá trình xem xét xử lý, Tòa án đã tuyên mức bồi thường hai gia đình nạn nhân còn lại mức hơn 2,745 tỷ đồng.
Ngày 15/2/2023, ông Trần Ngọc Chinh đã nhận số tiền bồi thường oan sai hơn 1 tỷ 068 triệu đồng. Trong đó, có tiền thu nhập bị mất là hơn 387 triệu đồng; tiền thiệt hại về tinh thần trong thời gian khởi tố, bắt giam là 325 triệu đồng; thiệt hại tinh thần sức khỏe bị suy giảm là 74,5 triệu đồng...
Chiều 16/2, đại diện gia đình ông Thám - bà Trần Thị Thắm (vợ ông Thám) đã nhận số tiền hơn 1 tỷ 677 triệu đồng bồi thường oan sai. Trong đó có thiệt hại về thu nhập là 40 triệu đồng; thiệt hại về tinh thần là hơn 536 triệu đồng; chi phí thiệt hại về đi lại, gửi đơn, in ấn tài liệu là 357,6 triệu đồng; chi phí cấp dưỡng cho 3 người con của ông Thám là hơn 658,5 triệu đồng.../.