Từ ngày 11-13/12, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và thành phố Đà Nẵng đã tổ chức kỳ họp, thông qua nhiều quyết sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Hà Tĩnh thu hút đầu tư mạnh mẽ, kinh tế vươn lên vị trí thứ 8 khu vực
Trong các ngày từ 11-13/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 23. Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Với những kết quả đạt được và định hướng rõ ràng cho tương lai, Hà Tĩnh đang trên đà trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động khu vực Bắc Trung Bộ.
Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định, thời gian tới, tỉnh đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn; tập trung giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, xử lý dứt điểm vụ việc tồn đọng kéo dài; tích cực thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện để các dự án hoàn thành, đi vào hoạt động.
Đồng thời phấn đấu đến tháng 7/2025, nhà máy sản xuất ôtô điện Vinfast đi vào sản xuất; đẩy nhanh tiến độ dự án hạ tầng Khu Công nghiệp VSIP; đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2; phối hợp hoàn thành Dự án đường cao tốc Bắc-Nam, tạo động lực tăng trưởng mới và nguồn thu ngân sách cho tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh, thời gian tới tiếp tục duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu bền vững theo chuỗi giá trị, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với tổ chức sản xuất hiệu quả sau tập trung, tích tụ ruộng đất và thị trường tiêu thụ. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục huy động nguồn lực thực hiện Đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2025, Hà Tĩnh tập trung vào các giải pháp như: Hỗ trợ doanh nghiệp lớn như Formosa, Vinfast; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đề ra các giải pháp phát triển kinh tế trong năm 2025, dự kiến tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 17.800 tỷ đồng, thành lập mới trên 1.200 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 102 triệu đồng/ha...
Năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh tăng trưởng kinh tế đạt 7,48%, tăng trưởng kinh tế xếp thứ 8/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Quy mô nền kinh tế đạt mức 113.000 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng so với năm 2023. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhẹ từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ: công nghiệp, xây dựng chiếm 41,9%; nông nghiệp 13,4%; dịch vụ 44,7%. Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, năm 2024 có thêm 2 huyện đạt huyện nông thôn mới là Lộc Hà, Kỳ Anh; 6 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đề xuất hỗ trợ người bị tác động bởi chủ trương sắp xếp bộ máy
Ngày 13/12, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Bế mạc Kỳ họp thứ 21. Các đại biểu đã thống nhất thông qua Nghị quyết Kỳ họp, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, cùng 38 nghị quyết trên các lĩnh vực; đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai, sớm cụ thể hóa có hiệu quả các nội dung theo Nghị quyết đã đề ra.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng cho hay, sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, đổi mới, quyết tâm cao, Kỳ họp thứ 21 Hội đồng nhân dân thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung theo chương trình đề ra.
Việc xác định chủ đề năm 2025 “Năm tập trung sắp xếp tinh gọn bộ máy gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế” thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; đòi hỏi phải chủ động hơn nữa vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Với tinh thần đó, cần tập trung hoàn thiện và sớm triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù gắn với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới, nền tảng thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao quy mô nền kinh tế thành phố. Theo đó, khẩn trương triển khai có hiệu quả, sớm đi vào thực tiễn các nội dung đã được Kỳ họp thông qua về cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết 136 của Quốc hội; chủ động rà soát, xây dựng, sớm trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, ban hành các nghị quyết tiếp tục cụ thể hóa các cơ chế, chính sách còn lại tại Nghị quyết 136 đảm bảo tiến độ, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Thành ủy, Nghị quyết số 57 của Hội đồng nhân dân thành phố.
Kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố đặt ra nhiều nội dung, trong đó, nỗ lực rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai...; tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu hoàn thành việc thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng, Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng; đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng.
Hỗ trợ thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển vi mạch, bán dẫn trở thành lĩnh vực ưu tiên đầu tư, tạo động lực mới, tăng trưởng mới cho nền kinh tế thành phố trong tương lai; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục về đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư.
Cùng với đó, rà soát, triển khai kế hoạch phát triển các ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn; quản lý chặt chẽ và khai thác có kế hoạch, hiệu quả, bền vững nguồn lực tài chính từ đất đai; quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, hoàn thành kế hoạch năm 2025.
Đẩy mạnh việc rà soát, xử lý các dự án kéo dài, dự án hiệu quả thấp, chậm tiến độ hoặc không triển khai, gây hoang hóa, lãng phí trên địa bàn thành phố; sớm triển khai, khởi công, đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 650 tấn/ngày; đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Nhà máy xử lý 1.000 tấn/ngày...; quan tâm đến an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Có giải pháp phát huy hơn nữa các chương trình thành phố “5 không,” “3 có,” “4 an” và các chính sách xã hội nổi trội, đậm tính nhân văn của thành phố.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố cũng lưu ý, chủ động, nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách động viên, hỗ trợ đối với đối tượng bị tác động do thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, cũng như có chính sách mạnh mẽ để thu hút và giữ chân người tài phục vụ cho sự phát triển của thành phố.../.
Nguồn: Hà Tĩnh và thành phố Đà Nẵng thông qua nhiều quyết sách quan trọng | Vietnam+ (VietnamPlus)