Hà Tĩnh: Kịp thời ngăn chặn các vụ giả danh nhắn tin lừa chuyển tiền
09:37 - 13/05/2024
Thời gian gần đây, lực lượng Công an xã tại tỉnh Hà Tĩnh đã liên tiếp kịp thời ngăn chặn các vụ lừa đảo với thủ đoạn lừa là con cái, người thân trên Mensenger rồi yêu cầu chuyển tiền.
Theo đó, ngày 8/5, ông T.B.B (SN 1969, trú tại thôn Ngọc Lau, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) nhận được cuộc gọi và tin nhắn từ một tài khoản trên mạng xã hội Facebook có hình đại diện là ảnh con gái. Tài khoản giả mạo gọi điện qua ứng dụng vài giây rồi tắt máy và nhắn tin nhờ cha chuyển tiền.
Theo trình bày của ông B., “con gái” giả nhắn tin với nội dung muốn làm dịch vụ chuyển tiền quốc tế; khách chuyển 10 triệu đồng sẽ có “hoa hồng” từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Tiếp đó, “con gái” thông báo có khách hàng muốn chuyển 90 triệu đồng (sẽ có lãi 9 triệu đồng), “con gái” đã nhận tiền của khách, nhờ cha ở nhà chuyển tiền cho người nhận, sau đó “con gái” sẽ chuyển tiền về cho cha khi rảnh.
Lực lượng Công an xã Hương Vĩnh tìm hiểu và giải thích cho ông B. đây là vụ việc lừa đảo - Ảnh Công an Hà Tĩnh. |
Nhờ theo dõi tin nhắn trong nhóm “Zalo kết nối bình yên” của Công an xã Hương Vĩnh thấy có một số vụ việc lừa đảo tương tự, ông B. đã đến trực tiếp trụ sở Công an xã để xác minh.
Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, Công an xã Hương Vĩnh đã giải thích để gia đình ông B. hiểu; đồng thời hướng dẫn gia đình liên hệ với con gái thật để kiểm chứng. Sau khi con gái ông khẳng định không phải là người nhắn tin cho cha mẹ trên mạng xã hội như trên, ông B. đã yên tâm và tránh được vụ lừa đảo 90 triệu đồng.
Tiếp đó, vào ngày 9/5, Công an xã Hương Vĩnh cũng đã kịp ngăn chặn vụ lừa đảo số tiền 90 triệu đồng với hình thức tương tự.
Tại xã Đức Lạng (Đức Thọ - Hà Tĩnh), ngày 10/5, chị L.T.M. (SN 1972, ở thôn Minh Lạng, xã Đức Lạng) nhận được cuộc gọi từ Facebook có ảnh đại diện giống Facebook của con gái là V.T.T.H. Cuộc gọi chỉ được khoảng 30 giây thì phía bên kia tắt máy và “con gái” yêu cầu chị M. nhắn tin vì điện thoại bị rơi không nghe được.
Qua nhắn tin, “con gái” cho biết mình đang làm thêm dịch vụ chuyển tiền quốc tế cho nhiều người đang ở Đức có nhu cầu chuyển tiền về Việt Nam; cứ chuyển 10 triệu đồng thì sẽ được hưởng khoảng 1 triệu đồng. Vì không đủ tiền nên “con gái” cần mượn tạm của mẹ, sau khi nhận tiền của khách thì cuối ngày hoặc cuối tuần sẽ chuyển trả.
Chị L.T.M. được Công an xã Đức Lạng giải thích về hành vi lừa đảo trên không gian mạng - Ảnh Công an Hà Tĩnh. |
Vì nghĩ phía bên kia là con gái của mình nên chị L.T.M. đã đồng ý. Tiếp đó, “con gái” liên tục thúc giục chị M. chuyển 90 triệu đồng vì có người bên Đức cần chuyển gấp cho người nhà đóng viện phí. Nghe vậy, chị M. đã đi vay mượn nhiều nơi.
Thấy chị M. đi vay mượn số tiền lớn và có những dấu hiệu bất thường nên bà con trong xóm đã báo với Công an xã Đức Lạng.
Qua trao đổi với chị M. và xác minh, cán bộ Công an xã Đức Lạng khẳng định đây là vụ lừa đảo trên không gian mạng và giải thích, hướng dẫn giúp chị M. không chuyển tiền.
Sau khi làm việc với công an, chị M. cũng đã liên hệ được với con gái là V.T.T.H và người này khẳng định không nhờ mẹ đi vay tiền để xử lý những việc như trên.
Nguồn: Hà Tĩnh: Kịp thời ngăn chặn các vụ giả danh nhắn tin lừa chuyển tiền (phapluatplus.vn)