Các đô thị Việt Nam nói chung đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do tốc độ tăng dân số và đô thị hóa nhanh chóng, đặc biệt ở các đô thị lớn.
Đặc biệt, thoát nước và xử lý nước thải chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Tình trạng ngập úng tai các đô thị vẫn diễn ra thường xuyên sau mỗi đợt mưa lớn...
Hiện nay, toàn quốc có 82 nhà máy xử lý nước thải đô thị đang vận hành ở hơn 50 đô thị, với tổng công suất thiết kế khoảng 1,79 triệu m3/ngày đêm; công suất vận hành thực tế khoảng gần 700.000m3/ngày đêm.
Hệ thống thoát nước các khu dân cư thuộc các đô thị lớn, các lưu vực sông chủ yếu là hệ thống thoát nước chung. Nước thải sinh hoạt cùng với nước mưa được xả trực tiếp ra các cống, kênh, rạch vào các sông chính của lưu vực. Đa số nước thải từ nhà vệ sinh được xử lý sơ bộ trong các bể tự hoại của mỗi hộ gia đình trước khi xả vào hệ thống thoát nước công cộng.
Tỷ lệ đấu nối thu gom nước thải của hệ thống thoát nước bao phủ trung bình khoảng 64%. Tỷ lệ đường ống trên đầu người còn thấp so với các đô thị trên thế giới, trung bình khoảng năm 0,5m/người so với thế giới là 2m/người. Đến nay tỷ lệ thu gom xử lý nước thải mới chỉ đạt trên 15%.
Theo bà Lê Thu Thủy, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện nay hệ thống thoát nước tại các đô thị Việt Nam chủ yếu là hệ thống thống nước chung, được xây dựng qua nhiều thời kỳ, chắp vá, xuống cấp và chưa được nâng cấp hoàn chỉnh. Nước mưa và nước thải sinh hoạt chảy chung, được xả trực tiếp ra các cống, kênh, rạch, sông ra biển.
Đáng chú ý, tình trạng ngập úng do mưa khu vực đô thị thường xuyên xảy ra tại các đô thị lớn từ những năm 2000 và ngày càng trầm trọng về mức độ, tần suất. Thời gian ngập kéo dài hơn từ giai đoạn sau năm 2010 đến nay và ngày càng phức tạp, khó lường hơn.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Việt Anh, Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng hiện có nhiều thách thức trong thoát nước và chống ngập đô thị tại Việt Nam. Trước tiên phải kể đến nhận thức, ý thức của người dân đối với vấn đề thoát nước và xử lý nước thải chưa cao, chưa sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, tại nhiều đô thị, tỷ lệ đấu nối vào hệ thống thoát nước còn thấp; hầu hết các hệ thống thu gom nước thải đều là hệ thống chung; giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải quá thấp, không bù đắp được chi phí vận hành và bảo dưỡng…
Ngoài ra, mạng lưới thoát nước cũ, chắp vá; ô nhiễm đất, nước ngầm, nước mặt do nước thải phát tán; mưa ngập, triều cường ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt. Quy hoạch và quản lý quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải còn nhiều hạn chế. Việc lập và triển khai thực hiện dự án chống úng ngập, thoát nước và xử lý nước thải còn mất cân đối giữa các hợp phần của dự án; hợp phần xử lý bùn, thu hồi tài nguyên chưa được chú ý, ông Việt Anh phân tích.
Ngoài ra, tình trạng thiếu nguồn tài chính để thực hiện các dự án thoát nước và xử lý nước thải đang diễn ra; không hấp dẫn tư nhân và khó xã hội hóa. Khả năng chống chịu, thích ứng còn hạn chế; chuyển đổi số còn chậm; chưa có cơ chế chia sẻ dữ liệu lập quy hoạch, thiết kế, vận hành quản lý hạ tầng thoát nước…
Các chuyên gia nhận định với vai trò quan trọng của nước sạch, thoát nước chống ngập, thu gom và xử lý nước thải; đồng thời để giải quyết những bất cập của cơ chế chính sách, cần thiết phải xây dựng, ban hành luật điều chỉnh về thoát nước.
Để tạo một hành lang pháp lý nhằm phát triển hạ tầng thoát nước xanh, bền vững, Chính phủ cần tập trung ưu tiên cho lĩnh vực cấp nước và thoát nước, xử lý nước thải thông qua thiết lập khung pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật và định hướng quốc gia.
Tiến sỹ Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng-Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, khuyến nghị Việt Nam cần phải có tiêu chuẩn môi trường rõ ràng, đồng bộ và thống nhất để yêu cầu tất cả các đối tượng phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định. Cùng đó là định hướng chính sách về thoát nước xanh trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật Cấp thoát nước.
Về quy hoạch lưu vực tổng thể hệ thống thoát nước cần chú trọng các vấn đề đặt ra trong quy hoạch thoát nước như quy hoạch công trình thoát nước mặt, nước thải và nhà máy xử lý nước thải; nghĩa vụ lập quy hoạch thoát nước tổng thể để cải thiện chất lượng nước các nguồn nước công cộng; định hướng và quy hoạch thoát nước được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, đầu tư phát triển thoát nước...
Thời gian tới, việc xây dựng và ban hành Luật Cấp thoát nước được kỳ vọng sẽ tạo dựng công cụ pháp lý để quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xanh.
Theo ông Lưu Đức Hải, cần xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển hệ thống hạ tầng xanh, thông minh và rà soát tổng thể, điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn về quy hoạch đô thị, công trình hạ tầng kỹ thuật cũng như quy hoạch có liên quan đến hạ tầng xanh hay tiêu chuẩn thiết kế công trình hạ tầng xanh, định mức kinh tế kỹ thuật trong phát triển vật liệu xanh, công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đặc biệt, cần rà soát, bổ sung các biện pháp xử phạt, cưỡng chế hữu hiệu đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các đơn vị có chức năng xây dựng quy trình cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm.
Chuyên gia này cũng đề xuất mở rộng chương trình thí điểm ứng dụng mô hình thoát nước bền vững (SuDS), thành phố bọt biển và nhân rộng giải pháp dựa vào thiên nhiên để phát triển đô thị có khả năng chống chịu; nghiên cứu chuyển đổi từ kiểm soát lũ lụt sang thích ứng với lũ lụt, đồng thời quản lý rủi ro, thiên tai hiệu quả.
Theo các chuyên gia, hiện nay cần hoàn thiện hàng lang pháp lý cho lĩnh vực quản lý cấp, thoát nước và vấn đề huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng cấp, thoát nước. Từ đó có định hướng giải quyết các vấn đề lớn như kinh doanh, giá thành hay khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu...
Bên cạnh đó, các vấn đề về trách nhiệm của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp vào việc đầu tư hạ tầng cấp, thoát nước cũng rất quan trọng; cùng đó nhất là khâu đấu nối hạ tầng từ nhà dân vào hệ thống thoát nước chung để tạo nên một hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, gia tăng hiệu quả./.
Nguồn: Hạ tầng thoát nước chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa | Vietnam+ (VietnamPlus)