Hà Nội: Xuyên đêm tuần tra, chặn bắt xe quá tải ở các "điểm nóng" ngoại thành đến nội đô
22:05 - 05/11/2023
Buổi tối, lực lượng liên ngành TTGT - CSGT tuần tra chặn bắt xe quá tải ở ngoại thành, trong khi ở nội đô, CSGT đón lõng, bắt xe quá tải ở các "điểm nóng" bãi vật liệu, công trình xây dựng.
Tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 6 (Hà Nội) xử lý xe tải hổ vồ đi từ công trình trên địa bàn quận Cầu Giấy ra chở quá tải, không che phủ bạt
CSGT tuần tra bắt xe quá tải tại "điểm nóng"
Ngày 3/11, trao đổi với PV Tạp chí Giao thông Vận tải, chỉ huy Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội) thông tin, buổi tối đơn vị thường xuyên bố trí 2 tổ tuần tra, kiểm soát tiến hành chặn bắt, lập biên bản đối với những xe tải chở vật liệu xây dựng tại các "điểm nóng" ở các bãi cát như tuyến đê Liên Mạc hoặc phương tiện từ các dự án, công trình lưu thông ra đường Phạm Hùng, đường vành đai trên cao… để kịp thời kiểm tra, xử lý các xe tải chở vật liệu xây dựng quá tải, không đảm bảo ATGT.
Trước đó, 1 tổ công tác thuộc Đội CSGT đường bộ số 6 do Thiếu tá Nguyễn Ngọc Mạnh làm Tổ trưởng tiến hành tuần tra dọc tuyến đê Chèm, nơi có những bãi cát để kịp thời dừng kiểm tra đối với những xe tải hổ vồ chở vật liệu xây dựng có dấu hiệu vi phạm. Tổ công tác thứ 2 do Đại uý Trương Xuân Hoà làm Tổ trưởng tiến hành tuần tra dọc tuyến đường Phạm Hùng, đường vành đai 3 trên cao. Ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, quá trình tuần tra trên tuyến, tổ 2 do Đại uý Hoà phụ trách đã phát hiện xe tải hổ vồ BKS 29C-879.10 chở đất từ một công trình trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) lưu thông ra ngoài đường không che phủ bạt.
Ngay sau khi tổ công tác dừng xe tải 29C-879.10, tài xế gọi điện tìm "cứu viện". Sau 30 phút không có "cứu viện", tài xế quay lại chấp hành việc hướng dẫn của CSGT đưa xe về trạm cân điện tử trên đường Phạm Hùng. Kết quả, xe tải hổ vồ BKS 29C-879.10 quá tải từ trên 30% đến 50%. Chỉ ít phút sau, tổ công tác số 1 do Thiếu tá Mạnh báo về cũng dừng kiểm tra một xe tải hổ vồ chở đá từ Hoà Bình lưu thông trên địa bàn. Kết quả kiểm tra tải trọng, xe tải này chỉ vi phạm quá tải ở mức thấp.
"Quá trình xử lý, chủ các xe thường cho người bám theo tổ công tác, rồi báo cho tài xế dừng lại hoặc trốn vào trong ngõ "né" CSGT kiểm tra, xử lý. Vì vậy, tổ công tác thường xuyên tuần tra lưu động trên đường, khi phát hiện xe tải có dấu hiệu chở quá tải, không đảm bảo ATGT sẽ tiến hành dừng xe, kiểm tra, xử lý", Thiếu tá Nguyễn Ngọc Mạnh chia sẻ.
Còn theo Đại uý Trương Xuân Hoà, khi thấy lực lượng CSGT tuần tra trên tuyến, xe tải chở vật liệu xây dựng vắng bóng hẳn hoặc chỉ cần chặn bắt, xử lý 1 trường hợp xe tải hổ vồ là lập tức các lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải thông qua hội nhóm Zalo sẽ báo cho nhau "né" CSGT. Thậm chí, nhà xe còn cắt cử người làm "chim lợn" bám theo tổ công tác nên khó khăn cho việc kiểm tra xử lý.
Đại diện Đội CSGT đường bộ số 6 thông tin thêm, để công tác kiểm tra, xử lý mang lại hiệu quả, đơn vị chỉ đạo các tổ công tác áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, hoá trang kết hợp với công khai, kịp thời phát hiện xử lý những xe tải hổ vồ chở vật liệu xây dựng lưu thông qua địa bàn, đảm bảo trật tự ATGT. Kết quả, từ ngày 15/7 đến ngày 14/10, đơn vị đã lập biên bản xử lý 369 trường hợp ô tô tải các loại, trong đó xử lý 159 trường hợp chở quá tải, 161 trường hợp xe tải đi vào đường cấm…
Một số hình ảnh tổ công tác liên ngành Thanh tra Sở GTVT, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội kiểm tra xử lý đối với những xe quá tải trên địa bàn
Liên ngành TTGT - CSGT tuần tra cắt đuôi "chim lợn", bắt xe quá tải
Tối 2/11, PV Tạp chí Giao thông Vận tải theo chân tổ công tác liên ngành thực hiện Kế hoạch 2688 gồm các lực lượng Thanh tra Sở GTVT, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội xuất phát từ Đội TTGT đường bộ (trụ sở tại khu vực Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội). Theo ghi nhận của PV, trước khi tổ công tác xuất phát thì đã có hàng loạt ô tô con của các nhà xe chờ ở đó, nổ máy sẵn để bám theo tổ công tác liên ngành. Khi tổ công tác lưu thông ra Đại lộ Thăng Long, gần chục ô tô của nhà xe, đơn vị vận tải bám theo. Để cắt đuôi "chim lợn", tổ công tác chia ra 2 hướng, chạy dọc đường Tây Mỗ đến đường Hữu Hưng thuộc địa bàn phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, tổ công dừng kiểm tra 2 xe tải hổ vồ BKS 29C-786.44 và 29H-215.70 chở cát có dấu hiệu quá tải. Theo ghi nhận, khi tổ công tác dừng xe tải này thì xuất hiện nhiều ô tô "chim lợn" của các nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải bám theo tổ công tác cũng dừng lại khu vực này.
Sau gần 1 giờ vận động, tổ công tác liên ngành yêu cầu các tài xế đưa xe về gần bãi tạm giữ ở sân vận động Mỹ Đình để tiến hành cân kiểm tra tải trọng. Kết quả, cả 2 xe tải hổ vồ trên đều quá tải.
Trước đó, trên tuyến QL21A qua qua địa huyện Thạch Thất (Hà Nội), tổ công tác liên ngành kiểm tra tải trọng đối với ô tô đầu kéo BKS 29H-738.56 kéo theo rơ-móoc BKS 29R-029.86. Ngay sau khi dừng xe, tài xế đánh phương tiện vào vị trí theo yêu cầu của tổ công tác rồi bất ngờ xuống xe bỏ đi. Phải hơn 1 giờ sau, tổ công tác liên ngành đã liên hệ được chủ xe yêu cầu tài xế quay lại chấp hành việc cân kiểm tra tải trọng. Kết quả, xe đầu kéo trên vi phạm chở quá tải từ 50% đến dưới 100%.
Ông Trần Hoài Linh, Đội Phó Đội TTGT đường bộ (Thanh tra Sở GTVT Hà Nội), Tổ trưởng tổ công tác liên ngành thông tin, các nhà xe cho người bám theo tổ công tác ngay tại trụ sở, mỗi khi xuất phát đều có vài ô tô con của nhà xe, doanh nghiệp vận tải bám theo làm "chim lợn" để báo cho lái xe "né" tổ công tác.
"Ngay cả khi tổ công tác liên ngành dừng kiểm tra ô tô tải, nhiều giờ liền lái xe không chấp hành, bỏ xe lại, đi gọi cứu viện, thậm chí gọi người đến quay video tổ công tác, gây áp lực muốn bỏ qua vi phạm nhưng không được", ông Trần Hoài Linh chia sẻ và thông tin: Việc xử lý đối với các trường hợp xe tải lớn, thường lái xe chây ì, viện lý do gọi chủ xe, rồi quay ra xin. Đến khi xin không được thì bất hợp tác, quay video gây áp lực cho tổ công tác. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác luôn mềm mỏng, nhẹ nhàng tuyên truyền để lái xe hiểu, chấp hành phối hợp xử lý.
"Tất cả các trường hợp vi phạm trên, ngoài việc lập biên bản xử lý đối với lái xe, tổ công tác còn lập biên bản vi phạm đối với chủ phương tiện là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vận tải. Ngoài việc xử lý, cắt bỏ phần thành thùng xe cơi nới, lái xe cũng như chủ phương tiện phải viết cam kết đảm bảo trật tự ATGT", ông Linh cho biết thêm.