Năm học 2024-2025, quy mô giáo dục của thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển, dẫn đầu cả nước với gần 2,3 triệu học sinh, hơn 130.000 cán bộ, giáo viên, 2.913 trường học.
Để giải quyết vấn đề thiếu trường lớp trong bối cảnh tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, năm học này, Hà Nội đưa vào sử dụng nhiều trường học mới ở tất cả cấp học.
Đặc biệt, trong số những trường học mới được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm học 2024-2025, có nhiều trường là công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Mới đây, 4 ngôi trường tại huyện Đông Anh đã được thành phố công nhận, gắn biển chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, gồm: Trường Trung học cơ sở An Dương Vương, Trường Mầm non Kim Chung, Trường Mầm non Xuân Canh, Trường Trung học cơ sở Xuân Canh.
Trước đó, Trường Tiểu học Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) và Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) cũng được gắn biển kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2024, Trường Mầm non Kim Chung (thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) có diện tích 8.000m2, quy mô 16 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng, nhà bếp.
Các lớp học và các phòng chức năng được thiết kế hiện đại, đầy đủ ánh sáng tự nhiên, thoáng mát, an toàn cho trẻ trong các hoạt động, học tập, vui chơi, ăn, ngủ.
Các phòng có đầy đủ các trang thiết bị như điều hòa nhiệt độ, màn hình tương tác, máy tính, các đồ dùng, đồ chơi, giáo cụ và các thiết bị thông minh phục vụ tốt hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ hằng ngày.
Nhà giáo Lê Huyền Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Chung, chia sẻ trường gồm 2 điểm trường với 20 nhóm, lớp, 616 học sinh. Việc đưa vào sử dụng trường tại thôn Nhuế có ý nghĩa lớn đối với cô và trò nhà trường cũng như nhân dân tại thôn Nhuế và nhân dân xã Kim Chung. Các con được học tại ngôi trường có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Bếp ăn theo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.
Bên cạnh đó, việc đưa vào sử dụng điểm trường thôn Nhuế sẽ thu hút được số lượng lớn học sinh đang học tại các nhóm trẻ tư thục trên địa bàn thôn, xã. Nhà trường được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, thu hút số lượng trẻ từ các nhóm tư thục, giảm tải được sĩ số trẻ trên một lớp, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ trên địa bàn xã Kim Chung và làm tốt công tác phổ cập trẻ 5 tuổi, tiến tới phổ cập trẻ mẫu giáo trong các năm tiếp theo.
Trường Trung học cơ sở An Dương Vương (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) cũng được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2024.
Năm học 2024-2025, nhà trường đón 193 học sinh khối 6 trong tổng số 469 học sinh toàn trường. Theo thầy giáo Ngô Văn Thắng, Hiệu trưởng nhà trường, trường đặt mục tiêu xây dựng ngôi trường hạnh phúc, chắp cánh ước mơ cho học sinh.
Với những điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo huyện Đông Anh, thầy và trò nhà trường quyết tâm dạy tốt - học tốt, xây dựng nền móng vững chắc cho một ngôi trường chất lượng cao. Qua đó, khẳng định vị thế của Trường Trung học cơ sở An Dương Vương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện Đông Anh nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.
Tại huyện Đan Phượng, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Phòng Quản lí đô thị, Tài chính-Kế hoạch rà soát cơ sở vật chất, tham mưu với Ủy ban Nhân dân huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình xây mới, tu bổ, sửa chữa để kịp thời đưa vào sử dụng trong năm học mới 2024-2025.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết huyện luôn dành sự quan tâm cho giáo dục, đặc biệt là đảm bảo cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà trường.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã triển khai 8 dự án xây trường mới (1 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở); cải tạo sửa chữa 3 trường là Tiểu học Đan Phượng, Liên Hà và Phương Đình B.
Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các trường rà soát trang thiết bị phòng học, phòng chức năng; thiết bị chăm sóc, nuôi dưỡng; thiết bị dạy học; đặc biệt là thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 5, lớp 9 để tham mưu Ủy ban Nhân dân huyện mua sắm bổ sung, đầu tư mới.
Là công trình chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô, Trường Tiểu học Đồng Tháp được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 với thiết kế 3 tầng, tổng diện tích mặt sàn hơn 3.100m2. Trường cũng được xây mới khối nhà ăn, ở bán trú 2 tầng, diện tích 387m2.
Trường còn có các hạng mục phụ trợ như sân bóng mini, thư viện xanh, nhà xe, thảm cỏ, cây xanh, hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
Nhà giáo Đậu Thị Thanh Hoan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tháp, cho biết trường được thành lập từ năm 1992, ban đầu chỉ có 2 dãy nhà cấp 4 với 16 phòng học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Được sự quan tâm của các cấp, đến nay nhà trường được đầu tư xây mới dãy nhà lớp học 3 tầng với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, khu hiệu bộ, bếp ăn bán trú và công trình phụ trợ. Các phòng học có đầy đủ trang thiết bị dạy học hiện đại, phục vụ tốt cho hoạt động giảng dạy.
“Việc được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là điều kiện để nhà trường tiếp tục đổi mới công tác quản lý, dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa,” nhà giáo Đậu Thị Thanh Hoan chia sẻ.
Góp phần vào sự phát triển của ngành Giáo dục Thủ đô có sự quan tâm của Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì, đặc biệt là công tác đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường.
Năm 2004, khi mới tách quận Hoàng Mai, Thanh Trì chưa có một ngôi trường nào đạt chuẩn quốc gia thì đến năm 2024, toàn huyện đã có 68/73 trường đạt chuẩn (đạt 93,2%), trong đó có 34 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, là một trong các địa phương dẫn đầu thành phố về số lượng trường đạt chuẩn.
Ngày 13/1/2022, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì phê duyệt dự án đầu tư xây mới Trường Trung học cơ sở Vạn Phúc theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường trung học cơ sở trên địa bàn. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) và Giải phóng huyện Thanh Trì (6/10), 70 năm thành lập ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội.
Cũng trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, quận Hai Bà Trưng tổ chức gắn biển 3 công trình lớn cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn. Đây là 3 công trình đáp ứng nhu cầu thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Vĩnh Tuy) được khánh thành mang lại ý nghĩa lớn, góp phần giảm bớt áp lực về số lượng học sinh đầu cấp trên địa bàn phường có dân số đông.
Dự án đã được Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 87,8 tỷ đồng và phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở. Công trình được khởi công vào ngày 6/1/2023.
Ngày 10/7/2024, công trình đã nghiệm thu hoàn thành để bàn giao đưa vào sử dụng, hoàn thành trước thời hạn, rút ngắn tiến độ thực hiện công trình trước 20 ngày.
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu được xây dựng với quy mô 20 phòng học, 6 phòng chức năng, 1 sàn giáo dục thể chất; được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định. Trong năm học 2024-2025, nhà trường có 12 lớp học với 315 học sinh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết sau gần 18 tháng thực hiện dự án, cùng với việc các dự án của quận đang được triển khai đồng bộ tại khu vực, như: Mở rộng đường vào ngõ 339 Minh Khai, tu bổ tôn tạo di tích chùa Trang và khu tưởng niệm…, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu được đưa vào sử dụng đã mang đến một diện mạo mới cho khu vực, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn./.
Nguồn: Hà Nội xây mới nhiều trường học chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô | Vietnam+ (VietnamPlus)