Bên cạnh lợi thế về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan, Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và đã được cụ thể hóa bằng Kế hoạch 73/KH-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025.
Dù còn nhiều trở ngại để phát triển loại hình du lịch này, song cả ngành du lịch, nông nghiệp, cùng các huyện, thị xã ngoại thành đang từng bước khơi dậy và thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, lấy tiêu chí tăng trưởng xanh và bền vững làm hàng đầu.
Khắc phục tình trạng manh mún
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê; điển hình như Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ)…
Các mô hình này luôn là lựa chọn phù hợp cho hoạt động giáo dục, trải nghiệm của các nhà trường tại Hà Nội.
Nhiều điểm đến khu vực ngoại thành cũng đang là tâm điểm của du lịch nông thôn, khi thu hút không nhỏ lượng khách đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng, khám phá cảnh quan, văn hóa, nếp sinh hoạt, ẩm thực của cộng đồng nông thôn.
[Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 - Kết nối di sản phát triển du lịch]
Một số điểm được du khách biết đến nhiều như Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng gốm Bát Tràng, làng hoa giấy Phù Đổng (huyện Gia Lâm), làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), hồ Đồng Đò, núi Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn)...
Dù vậy, hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội chủ yếu vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp.
Liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Văn Vĩnh, chuyên gia độc lập, du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội còn nhiều bất cập nên hiệu quả chưa cao. Cũng theo ông, du khách trong nước cũng như quốc tế chủ yếu thăm các điểm du lịch ở nội thành, ít có thời gian, công sức và kinh phí để đi du lịch ở vùng nông thôn nếu không có sự hấp dẫn đáng kể hoặc thật cần thiết.
Còn Tiến sỹ Đoàn Mạnh Cương, Vụ Văn hóa, Giáo dục - Văn phòng Quốc hội cho rằng, để phát triển loại hình du lịch này, ngành du lịch Hà Nội cần nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng để có những giải pháp, phương thức khai thác và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Phát triển xanh và bền vững
Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là xu hướng chung của cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Khu vực nông nghiệp, nông thôn mang một hình thái riêng với những đặc trưng về cấu trúc cảnh quan cùng tập quán văn hóa, sinh hoạt, môi trường sống...
Do vậy, việc phát triển du lịch ở khu vực này cần thiết phải đảm bảo các yếu tố bền vững, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn các đặc trưng riêng. Nhiều địa phương trong cả nước đã thành công trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng xanh và bền vững.
Điển hình như Làng văn hóa, du lịch gắn với Chương trình OCOP tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre; mô hình du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng ở cồn Bình Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang; mô hình phát triển du lịch nông nghiệp tại xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Theo các chuyên gia về du lịch và nông nghiệp, Hà Nội muốn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng này, trước mắt cần đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đặc thù, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện tại.
Tiến sỹ Đinh Phạm Hiền, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, Hà Nội cần xác định đúng sản phẩm và khách du lịch phù hợp với mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Điều quan trọng nữa, các địa phương và các đơn vị xây dựng sản phẩm du lịch phải giải thích, vận động và thu hút sự tự nguyện tham gia của cộng đồng nhất là nông dân; kích thích sự sáng tạo, sáng kiến của nông dân.
Sở Du lịch đang xây dựng tiêu chí đánh giá phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Điều này không chỉ hạn chế được tính tự phát mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp.
Đây cũng là cơ sở để định hướng phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội theo hướng chú trọng giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đối với môi trường, xã hội, kinh tế, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các điểm du lịch.
Đại diện cho Hội Khoa học kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, bà Vũ Thị Thanh Như đề xuất các tiêu chí phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng gồm tài nguyên du lịch, chính sách và quản lý điểm du lịch, sản phẩm và dịch vụ du lịch, hạ tầng cơ sở, kết quả kinh doanh du lịch, sự tham gia của cộng đồng địa phương. Phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là tạo môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách. Khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường sinh thái.
Đối với phát triển du lịch nông thôn, tiêu chí phát triển theo hướng tăng trưởng bền vững tập trung vào việc đánh giá giá trị tài nguyên phát triển, quy hoạch và lập kế hoạch phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển sản phẩm và dịch vụ, phát triển các cơ sở kinh doanh du lịch nông thôn, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường…
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể cải thiện đời sống kinh tế, xã hội cho khu vực nông thôn, giúp người dân gắn bó với quê hương, nâng cao ý thức xây dựng môi trường, cảnh quan, bảo tồn bản sắc văn hóa nông thôn.
Dù phát triển du lịch khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ là cả quá trình dài nhưng với mục tiêu và bước đi theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững thì du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội sẽ có một khởi sắc đáng kỳ vọng./.