Hà Nội: Tăng cường các biện pháp đảm bảo duy trì hoạt động đăng kiểm
12:53 - 16/01/2023
Tăng cường các biện pháp, động viên cán bộ nhân viên khắc phục khó khăn, nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp, chủ động bố trí hợp lý nhân lực để làm thêm thời gian kể cả ngày nghỉ.
Ngày 15/1, Công an thành phố Hà Nội cho biết, sau khi thông tin về việc xử lý sai phạm tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn, đơn vị đã có kiến nghị về công tác đăng kiểm phục vụ nhân dân giải quyết vấn đề ùn tắc hiện nay.
Theo đó, để duy trì hoạt động đăng kiểm phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, các Trung tâm đăng kiểm các nội dung: Tăng cường triển khai các biện pháp đảm bảo duy trì hoạt động đăng kiểm; Động viên cán bộ nhân viên khắc phục khó khăn, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, phục vụ người dân, doanh nghiệp, chủ động bố trí hợp lý nhân lực để làm thêm thời gian (kể cả ngày nghỉ) đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo kiểm định đúng quy trình.
Trước đó, trong 5 ngày, (từ mùng 8 đến 13-1-2023), Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội cùng các đơn vị chức năng đã phát hiện 10 trung tâm đăng kiểm vi phạm tại các quận huyện gồm: trung tâm 29-14D huyện Thanh Oai; trung tâm 29-18D và 33-02S thị xã Sơn Tây; trung tâm 29-01S huyện Chương Mỹ; trung tâm 33-01S và 29-29D quận Hà Đông; trung tâm 29-06V và 29-01V huyện Thanh Trì; trung tâm 29-03S quận Nam Từ Liêm. Trong số này, có trường hợp một chủ có 2 trung tâm.
Qua điều tra xác định, sai phạm phổ biến tại các trung tâm đăng kiểm là nhận tiền để các phương tiện không đủ điều kiện đăng kiểm được bỏ qua các lỗi như phanh, đèn, trọng tải, hoán cải, lốp, khí thải… Ngoài ra, các trung tâm trên còn có hành vi nhập biển số, gắn cảm biến, đo nồng độ khí thải, để đánh tráo các phương tiện không đủ điều kiện thành đủ điều kiện đăng kiểm. Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống, thay đổi vòng tua, khí thải, chỉnh sửa ảnh trên máy tính để hạ thành thùng các phương tiện nới thùng.
Với các lỗi trên, các đối tượng nhận tiền từ 100.000 đến 1,5 triệu tuỳ từng hành vi vi phạm. Số tiền thu lời bất chính tại các trung tâm này bước đầu xác định hơn 20 tỷ đồng. Tuỳ từng Trung tâm mà số tiền thu khác nhau; chẳng hạn tại Thanh Oai từ năm 2020 đến tháng 10/2022 số tiền thu được 2,4 tỷ đồng. Tại trung tâm ở Chương Mỹ trong vòng 2 năm số tiền thu được hơn 2 tỷ đồng. Tại trung tâm ở thị xã Sơn Tây thu được khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tại trung tâm ở quận Bắc Từ Liêm hơn 2 tỷ đồng...
Đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố 4 vụ, với 18 bị can, trong đó có 3 giám đốc trung tâm, 14 đăng kiểm viên; đang tạm giữ 57 đối tượng để tiếp tục làm rõ.