Hà Nội: Nguồn thu ngân sách tăng mạnh, vượt dự toán năm

15:37 - 06/11/2024

Trong tổng thu ngân sách 425,2 nghìn tỷ đồng của 10 tháng năm 2024, thu nội địa đạt 398,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023; thu từ xuất nhập khẩu là 23,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8%.

(Nguồn: TTXVN)
 
(Nguồn: TTXVN)

Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thủ đô Hà Nội 10 tháng năm 2024 thực hiện 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tổng thu ngân sách, thu nội địa 398,7 nghìn tỷ đồng, đạt 105,3% dự toán và tăng 22,5% so cùng kỳ với năm 2023; thu từ dầu thô 3,2 nghìn tỷ đồng, đạt 105,1% và giảm 17,9%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 23,1 nghìn tỷ đồng, đạt 85,6% và tăng 17,8%.

Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa 10 tháng năm 2024, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 65,1 nghìn tỷ đồng, đạt 92,3% dự toán năm và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 26,7 nghìn tỷ đồng, đạt 99,9% và tăng 10,9%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 79 nghìn tỷ đồng, đạt 100,6% và tăng 22,2%; thuế thu nhập cá nhân 42,6 nghìn tỷ đồng, đạt 103,9% và tăng 25,9%; thu tiền sử dụng đất 33,3 nghìn tỷ đồng, đạt 92,3% và gấp hơn 4 lần; thu lệ phí trước bạ 6,1 nghìn tỷ đồng, đạt 93,3% và tăng 14,5%; thu phí và lệ phí 20,1 nghìn tỷ đồng, đạt 103,3% và tăng 26,4%.

Công tác chi ngân sách địa phương 10 tháng năm 2024 thực hiện 79,1 nghìn tỷ đồng, đạt 54,0% dự toán năm và tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó chi đầu tư phát triển 35,5 nghìn tỷ đồng, đạt 45,0% dự toán và tăng 27,9%; chi thường xuyên 42,9 nghìn tỷ đồng, đạt 74,2% và tăng 15,5%.

Bên cạnh công tác thu chi ngân sách, thành phố Hà Nội quan tâm phát triển tín dụng ngân hàng. Tháng Mười, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước với các khoản vay cũ và mới còn dư nợ ở mức 6,8-9,2%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của ngân hàng nhà nước (4%/năm).

Lãi suất tiền gửi tác động theo đó phổ biến ở mức 0,2-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,4-4,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,3-5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,8-7,0%/năm.

Về hoạt động huy động vốn tháng 10/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 5.692 nghìn tỷ đồng, tăng 0,56% so với cuối tháng trước và tăng 6,68% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó tiền gửi đạt 5.005 nghìn tỷ đồng.

Đối với hoạt động tín dụng tháng 10/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 4.153 nghìn tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối tháng trước và tăng 14,83% so với thời điểm kết thúc năm 2023; trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 1.785 nghìn tỷ đồng, tăng 0,62% và tăng 8,64%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.368 nghìn tỷ đồng, tăng 0,60% và tăng 12,11%.

Tính đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 1,81% trong tổng dư nợ.

Đối với dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn thành phố gồm cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 13,68% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,89%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,93%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,14%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,32%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,35%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,43%.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, những tháng cuối năm cần thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra để hoàn thành tốt việc thu ngân sách cho Thủ đô.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức, việc tăng cường thu ngân sách cho Thủ đô Hà Nội trong những tháng cuối năm 2024 trở thành nhiệm vụ cấp bách và quan trọng.

 

Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ triển khai đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp như: nâng cao hiệu quả quản lý thuế, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn và có dấu hiệu trốn thuế.

Đồng thời, cần áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế để phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, thất thu.

Thành phố khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc giảm bớt thủ tục hành chính, cải cách các quy định về đầu tư sẽ giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã và sẽ tổ chức các hội nghị, diễn đàn kết nối doanh nghiệp để giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Thủ đô.

Thành phố cũng tăng cường khai thác, quản lý tốt tài sản công, việc rà soát, đánh giá và đưa vào sử dụng các tài sản này sẽ góp phần tăng thu ngân sách. Các dự án bất động sản công, đất đai, và các tài sản khác phải được quản lý chặt chẽ và khai thác một cách hợp lý.

Đặc biệt, thành phố chỉ đạo các quận, huyện quản lý chặt khi đưa đất đai ra đấu giá, tránh bị lũng đoạn và nhiễu loạn thị trường, tạo giá ảo từ các phiên đấu giá.

Thành phố cũng luôn xem xét điều chỉnh mức thu phí, lệ phí cho phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc tăng cường thu phí dịch vụ công, phí bảo vệ môi trường, và các loại phí khác sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách.

Thành phố cũng quan tâm việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành nghĩa vụ thuế cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời, thanh tra, kiểm tra xử lý những trường hợp cố tình trốn tránh, chây ỳ và nợ đọng thuế./.

Nguồn: Hà Nội: Nguồn thu ngân sách tăng mạnh, vượt dự toán năm | Vietnam+ (VietnamPlus)