Từ năm 2015 đến nay, Hà Nội đã trải qua gần 20 lần “ngập” trong rác thải sinh hoạt bởi các khu xử lý rác thải lớn nhất của thành phố là Nam Sơn và Xuân Sơn lần lượt bị quá tải. Trong khi đó, việc mở rộng các bãi rác cũng liên tiếp bị “tắc” vì những bất cập, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Sau mỗi lần như vậy, thành phố lại chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các quận, huyện để tìm hướng “tháo gỡ,” song tình trạng ùn ứ rác thải vẫn cứ lặp đi lặp lại, hết lần này tới lần khác, khiến cả người dân và chính quyền đều khổ sở, đau đầu.

Vậy, giải pháp cấp thiết nhất với thành phố Hà Nội trong bối cảnh hiện nay là gì?

Phân loại tại nguồn để giảm tải cho bãi rác

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, tiến sỹ Hoàng Dương Tùng - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng bất cập lớn nhất trong xử lý rác ở Hà Nội cũng như các địa phương khác suốt nhiều năm nay là chủ yếu chôn lấp, dẫn đến việc nhiều bãi đã quá tải, không hợp vệ sinh.

“Nếu cứ tiếp tục cách chôn lấp, quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hiện nay, tôi nghĩ là việc xử lý rác sẽ không có lối ra, thậm chí còn tiếp tục những vấn đề mâu thuẫn giữa dân với chính quyền; giữa nhân dân với những khu xử lý rác” ông Tùng trăn trở.

 

Bên cạnh đó, theo ông Tùng, nhà chức trách chưa thật sự coi vấn nạn rác như một bài toán về quản lý đô thị. Thực tế, việc Hà Nội ngập rác không chỉ lần đầu, vậy tại sao không có những giải pháp ứng phó triệt để?

[Người dân chặn xe vào bãi rác Xuân Sơn: Hà Nội phân luồng khẩn cấp]

Theo ông Tùng, lý do là không có ai chịu trách nhiệm cho vấn đề trên; không có lãnh đạo, cán bộ nào bị khiển trách, kỷ luật liên quan đến việc quy hoạch, quản lý các bãi rác. Khi người dân kêu, chính quyền cũng chỉ hứa và cam kết để “xoa dịu.”

Do đó, ông Tùng cho rằng các cấp chính quyền của Hà Nội cần phải thay đổi ngay cách tiếp cận, quản lý, vận hành các bãi rác và xử lý rác thải đô thị. Đặc biệt, Hà Nội cần tập trung triển khai việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đây là giải pháp quan trọng để giảm tải cho các bãi chôn lấp rác cũng như hướng tới kinh tế tuần hoàn.

Vì thế, thành phố phải có cơ chế chính sách cụ thể về phí môi trường, cơ chế kiểm soát các bên liên quan, chế tài đi kèm đồng thời phải có chính sách rất cụ thể để tạo môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp tham gia thu gom, xử lý, tái chế.

Đi kèm với đó là công tác quy hoạch. Hà Nội không nên mở thêm các bãi chôn lấp mà cần quan tâm hơn tới việc đầu tư nhiều hơn các công nghệ xỷ lý rác hiện đại và phải trở thành mô hình điểm để các địa phương khác học hỏi thay vì những hình ảnh chưa đẹp và xấu xí về một Thủ đô tràn ngập trong rác như vừa qua.

“Tôi tin rằng nếu chúng ta thực hiện tốt những yêu cầu trên thì dần dần, những vấn đề bất cập liên quan đến việc xử lý rác sẽ được giải quyết,” ông Tùng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Edward McBean, chuyên gia về các vấn đề môi trường và xử lý chất thải rắn của Đại học University of Guelph (Canada) cũng đưa ra khuyến nghị mỗi gia đình nên tự phân loại rác tại nhà để tiết kiệm chi phí xử lý rác thải. Ngoài ra, việc áp dụng các chế tài xử phạt cũng là giải pháp hữu hiệu để thực thi các quy định về phân loại rác tại nguồn trong thời gian tới, đặc biệt là tại Hà Nội.

Xây dựng các khu xử lý rác hiện đại, an toàn

Bên cạnh việc phân loại rác thải tại nguồn, nhiều chuyên gia môi trường cũng khuyến nghị Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công khu xử lý rác.

Trong đó, Hà Nội cần quan tâm đến công nghệ xử lý rác là đốt phát điện hoặc ép viên sử dụng vào trong lĩnh vực xây dựng; đặc biệt là không thể tiếp tục duy trì xử lý rác theo kiểu chôn lấp vừa tốn diện tích, tiềm ẩn tới môi trường từ nước rỉ rác.

Ha Noi loay hoay ‘giai bai toan’ rac thai: Dau la giai phap toi uu? hinh anh 1Khu xử lý rác thải Xuân Sơn. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Bàn về vấn đề trên, tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng, Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam cho rằng giải pháp cho các đô thị lớn như Hà Nội hiện nay là công tác quy hoạch nhà máy rác, điểm tập kết rác thải phải tối ưu, khoa học. Riêng thành phố Hà Nội, chính quyền nên quy hoạch từ 3-4 nhà máy rác đủ lớn xung quanh thành phố để giảm chi phí vận chuyển, phòng ngừa sự cố và an toàn trong mọi tình huống.

Thành phố Hà Nội cũng như các đô thị lớn cần lựa chọn công nghệ tốt và lựa chọn nhà đầu có công nghệ “trong tay,” bởi nếu giao cho các nhà đầu không có kinh nghiệm, không có công nghệ thì rất rủi ro. Nhà máy khi đi vào vận hành không xử lý được rác thì dân khổ, quan chức đau đầu, nhà đầu tư cũng sẽ khổ vì thất bại.

Có chung quan điểm, tiến sỹ Hoàng Dương Tùng lưu ý cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý rác theo hướng đốt phát điện, các cơ quan quản lý của Hà Nội cần phải đưa ra một số kịch bản ứng phó nếu như trong quá trình vận hành nhà máy gặp trục trặc.

Theo ông Tùng, yêu cầu trên là rất quan trọng bởi việc vận hành lò đốt rác nếu không cẩn thận sẽ gây ra nguồn ô nhiễm kinh khủng khác. Giả sử, nếu có sự cố xảy ra, tác hại về sức khỏe là rất khủng khiếp vì lượng độc dioxin, duram khổng lồ phát tán ra ngoài môi trường không chỉ nằm trong phạm vi 500m, mà còn xa hơn.

“Khi đó, tôi nghĩ nó là một formosa thứ hai trong lòng Hà Nội. Và, nạn nhận của những ảnh hưởng là chính chúng ta và các thế hệ mai sau,” ông Tùng lưu ý.

Vì thế, để kiểm soát vấn đề trên, ông Tùng cho rằng yêu cầu vô cùng cần thiết trong quá trình các khu xử lý rác cũng như các nhà máy điện rác vận hành, là phải công khai minh bạch, liên tục về các số liệu quan trắc tự động, để người dân được biết và tham gia giám sát có trách nhiệm. Quan trọng hơn là để cơ quan quản lý kịp thời đưa ra các quyết định để phòng ngừa, qua đó đảm bảo an toàn về môi trường.

Ngoài ra, ông Tùng cũng đặc biệt lưu ý tới việc dù công nghệ xử lý rác hiện đại thế nào thì rác thải cũng cần phải được phân loại. Việc này không chỉ đáp ứng các yêu cầu về xử lý mà còn giúp đảm bảo độ bền, tuổi thọ cho hệ thống, máy móc xử lý.

“Chỉ khi rác được phân loại đúng tiêu chuẩn mới đảm bảo được hiệu năng xử lý và ngăn các khí thải có hại sinh ra trong quá trình đốt,” ông Tùng nhấn mạnh./.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày, trên địa bàn thành phố có khoảng 5.000 tấn rác sinh hoạt. Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn tiếp nhận trung bình mỗi ngày khoảng 4.000 tấn rác. Khu xử lý rác thải Xuân Sơn tiếp nhận xử lý trên 1.000 tấn rác theo hình thức đốt kết hợp chôn lấp.

Để xử lý rác trong thời gian tới, Hà Nội đã quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó sẽ có 17 khu xử lý chất thải quy mô mỗi khu từ 4 hécta đến 20 hécta, công suất xử lý đến 1.200 tấn/ngày đêm.

Trong đó, một số khu xử lý rác nằm rải rác tại các huyện đang được thành phố thực hiện dự án cải tạo hạ tầng, triển khai giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư như: Châu Can, Phù Đổng, Đồng Ké, Núi Thoong, Đông Lỗ, Lại Thượng, Hợp Thanh.

 

Hùng Võ-Ngọc Tân (Vietnam+)