Sau vụ cháy nhà dân tại số 1, ngõ 43/98/31, phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) làm 14 người chết, 6 người bị thương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký công điện gửi giám đốc các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà trọ trên địa bàn thành phố.
Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động thành lập các tổ công tác để tổ chức rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 15/6/2024, báo cáo kết quả về Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 20/6/2024.
Quyết tâm về đích
Các địa phương đang "chạy đua" để đạt tiến độ; đảm bảo quá trình kiểm tra đạt hiệu quả với việc chỉ ra những tồn tại bất cập trong phòng cháy, chữa cháy nhà trọ, kiến nghị những giải pháp khắc phục.
Quận Ba Đình đã thống kê có khoảng 1.789 cơ sở cho thuê trọ. Tính đến ngày 13/6, quận Ba Đình đã kiểm tra 98% cơ sở cho thuê trọ trên địa bàn.
Bước đầu, quận đã yêu cầu tạm dừng 1.400 cơ sở cho thuê trọ để bổ sung các thiết bị và triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy; dừng hoạt động cho thuê đối với 13 cơ sở.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình cho biết thực hiện việc kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở nhà trọ trên địa bàn, quận đã thành lập 28 tổ công tác, triển khai kiểm tra ngay khi có văn bản của thành phố và đang chỉ đạo các lực lượng chức năng liên quan khẩn trương hoàn thành kiểm tra, báo cáo thành phố đúng quy định.
Tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), từ ngày 28/5, Công an huyện và Công an 16 xã, thị trấn trên địa bàn đã và đang khẩn trương, tích cực tổng rà soát, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với loại hình nhà trọ, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Dự kiến, đợt tổng kiểm tra sẽ hoàn thành đúng kế hoạch.
Theo Thượng tá Đào Thanh Bình, Trưởng Công an huyện Thanh Trì, các tổ công tác đang quyết liệt kiểm tra, rà soát các cơ sở cho thuê trọ, quyết tâm hoàn thành theo chỉ đạo.
Thống kê bước đầu, huyện có 782 cơ sở thuộc loại hình nhà trọ. Lực lượng chức năng tập trung kiểm tra các điều kiện về ngăn cháy lan, lối thoát nạn; bố trí, sắp xếp đồ dùng, vật dụng; đặc biệt kiểm tra hệ thống điện, quản lý, sử dụng điện, sạc xe máy điện, xe đạp điện; trang bị hệ thống, thiết bị báo cháy, chữa cháy.
Qua kiểm tra, rà soát, đến ngày 7/6, các tổ công tác đã lập biên bản 469 cơ sở không đảm bảo điều kiện phòng cháy, chữa cháy; xử lý vi phạm hành chính theo quy định 126 trường hợp với số tiền 162 triệu đồng; yêu cầu 73 cơ sở vi phạm dừng hoạt động.
"Có 3 lỗi chủ yếu được phát hiện: trang bị phòng cháy, chữa cháy chưa đầy đủ; phương án ngăn cháy lan giữa nơi để xe và khu vực khác chưa đảm bảo; lối thoát hiểm ở nhiều cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành," Thượng tá Đào Thanh Bình cho biết.
Theo Công an huyện Thanh Trì, qua kiểm tra thực tế tại một số khu trọ trên địa bàn, nhiều người ở trọ có thói quen để đồ lộn xộn. Cục nóng điều hòa và quần áo phơi ngổn ngang, vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, vừa bất cập trong việc thoát nạn lên phía trên, rất nguy hiểm khi không may xảy ra cháy nổ.
Trên cơ sở các nội dung kiểm tra, có 457 chủ cơ sở, hộ gia đình đã ký cam kết khắc phục, thực hiện các giải pháp phòng cháy như mở lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai; ngăn cách khu vực để xe, khu vực có nguy cơ cháy nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn; trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, công cụ phá dỡ phù hợp nhằm hạn chế cháy, nổ và giảm tối đa thiệt hại do cháy gây ra.
Cùng với kiểm tra, lực lượng chức năng của huyện còn kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, thoát nạn, thoát hiểm, xử lý tình huống chữa cháy ban đầu cho từng người dân đang sinh sống và làm việc tại các nhà trọ.
Còn tại huyện Đan Phượng, dù số cơ sở nhà trọ không nhiều, nhưng lực lượng chức năng địa phương cũng khẩn trương kiểm tra, rà soát, không để sót, lọt cơ sở nhà trọ không được kiểm tra.
Theo ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, huyện yêu cầu các xã, thị trấn phải ghi nhận đầy đủ tồn tại, thiếu sót, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục cụ thể đối với từng nội dung tồn tại; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm, kỹ năng xử lý tình huống chữa cháy ban đầu cho người dân.
Việc kiểm tra, phúc tra, đôn đốc, hướng dẫn phải thể hiện bằng biên bản; kiến nghị phải rõ thời hạn thực hiện hoàn thành, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở, chủ hộ gia đình cam kết rõ lộ trình thực hiện.
Xuất hiện những “lỗ hổng”
Để tổng kiểm tra nhà trọ, các địa phương của thành phố Hà Nội đã thành lập hơn 900 tổ kiểm tra. Sau gần 20 ngày tổng kiểm tra cơ sở nhà trọ, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) nhận thấy còn nhiều tồn tại.
Đó là việc các cơ sở thường tận dụng tối đa diện tích đất hay ngôi nhà để làm phòng trọ cho thuê, dẫn đến bỏ qua hoặc thu hẹp cầu thang thoát hiểm hay lối thoát nạn thứ hai.
Việc thiếu lối thoát hiểm chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nặng nề về người trong một số vụ cháy gần đây.
Tại nhà trọ có địa chỉ số 6A, tổ dân phố số 21, đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ ra ít nhất 6 nội dung vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở nhà trọ này. Biên bản kiểm tra cho thấy, nhà trọ này cao 7 tầng, có diện tích sàn chỉ khoảng 65m2 nhưng chia đến 4 phòng trọ mỗi tầng.
Ngoài thang máy, ngôi nhà này có một thang bộ rất nhỏ, rộng chỉ 35cm, trong khi quy định thang bộ rộng ít nhất là 1m. Không những thế, cầu thang bộ này lại bị chủ nhà để nhiều đồ không dùng đến, dễ bắt lửa nếu xảy ra cháy. Hơn nữa, nhà này cũng không có giải pháp chống cháy lan cũng như lối thoát nạn thứ 2.
Đây chỉ là 1 ví dụ cho căn nhà có cho thuê trọ trên địa Hà Nội. Còn theo thống kê, Hà Nội có gần 32.000 nhà trọ, “chung cư mini”, với hàng trăm nghìn người thuê trọ.
Các nhà trọ đều có đặc điểm chung là nhỏ hẹp, thiếu những thiết bị phòng cháy, chữa cháy; các chủ phòng trọ đều tận dụng tối đa diện tích để lập thành phòng cho thuê, gia tăng lợi nhuận.
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chỉ ra, trên địa bàn Hà Nội có tới hơn 90% nhà trọ nằm trong ngõ, hẻm sâu, xe chữa cháy không tiếp cận được; không gian hẹp cũng kéo dài thời gian lực lượng chữa cháy đến hiện trường.
Do đó, để nhanh chóng dập lửa, nhất là thời điểm đầu khi xảy ra cháy, rất cần sự phát huy của lực lượng chữa cháy tại chỗ. Khi người dân và lực lượng chữa cháy tại chỗ nắm vững được kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, họ có thể bảo vệ bản thân trong khoảng thời gian đầu xảy ra cháy, kéo dài sự sống cho đến khi lực lượng đến ứng cứu.
Theo Đại tá Phạm Trung Hiếu, thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã đưa ra những khuyến cáo để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, đặc biệt tại các khu dân cư tập trung nhiều nhà trọ, nhà cho thuê, khu nhà ở kết hợp nhiều căn hộ (chung cư mini).
Các chủ cơ sở cần định kỳ kiểm tra phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã trang bị; bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo hoạt động hiệu quả. Nơi để các phương tiện giao thông (xe máy điện, xe đạp điện...) phải đúng vị trí quy định, không vượt quá số lượng cho phép; không để chung với vật dụng dễ cháy, nổ, các thiết bị điện (tủ điện, máy bơm…); không sắp xếp xe ở các vị trí che khuất các phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy. Khu vực để xe luôn phải sắp xếp gọn gàng, đảm bảo an toàn về đường, lối thoát nạn, khoảng cách phòng cháy, chữa cháy.
Ngoài ra, các chủ cơ sở cho thuê trọ phải đảm bảo có lối thoát an toàn và dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân, người thuê trọ; không lắp đặt "chuồng cọp," bịt lối thoát nạn; không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn. Đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải bố trí cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m.
Trong những ngày nắng nóng, nguyên nhân cháy nổ từ điện rất cao, Công an thành phố khuyến cáo, tại các nhà trọ, “chung cư mini,” người dân không nên sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm; để thiết bị điện có sinh nhiệt trên vật dụng, gần các thiết bị, vật dụng dễ cháy; để vật liệu dễ cháy phủ lên dây dẫn, ổ cắm, cầu dao, các thiết bị điện…; không phơi, sấy quần, áo trực tiếp lên đèn, quạt sưởi, bếp điện, ấm điện...
Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà, người dân cần tắt các thiết bị điện không cần thiết. Chìa khóa để mở phòng trọ, căn hộ, nhà ở phải để nơi dễ lấy và phổ biến cho gia đình đều biết.
Các cơ sở cho thuê trọ cần bố trí thêm lối ra khẩn cấp qua ban công, lô gia, cửa sổ (nghiên cứu tận dụng bố trí lối thoát nạn thứ 2 trên cửa sổ, mái nhà, qua ban công…); trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt, cần bố trí ô cửa để thoát nạn (kích thước khoảng 0,6mx0,6m).
Mỗi người dân, tự xây dựng phương án, tổ chức giả định phương án chữa cháy và thoát nạn cho gia đình mình để thực tập xử lý khi có cháy, nổ xảy ra để chữa cháy hiệu quả, thoát nạn an toàn./.