Hà Nội là địa phương có nguồn cây dược liệu lớn, phong phú, đa dạng. Do đó, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hà Nội xác định phát triển các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, từng bước đưa cây dược liệu trở thành một trong những cây trồng thế mạnh.
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 213ha cây dược liệu, nằm rải rác ở một số địa phương, như: Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, Thạch Thất... Các chủng loại cây dược liệu tương đối đa dạng như cà gai leo, kim ngân hoa, đinh lăng, chè hoa vàng, hoa nhài...
Từ năm 2020, Hà Nội đã thí điểm thử nghiệm các mô hình trồng cây dược liệu theo hướng bền vững, ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo với tổng quy mô 14ha.
Các mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo liên kết chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ và chế biến cây dược liệu, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời cũng mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế và làm giàu từ vùng đất đồi gò.
Ông Đặng Văn Yên ở xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn cho biết, gia đình ông hiện có 7ha trồng cây dược liệu. Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn đã hỗ trợ giống, hướng dẫn ứng dụng khoa học, kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm, nên cây dược liệu đã mang lại giá trị kinh tế cao, đạt 420 triệu đồng/ha/năm trở lên, gấp 3 lần cây trồng khác.
Không chỉ trồng các cây dược liệu truyền thống, huyện Sóc Sơn còn mạnh dạn đưa giống cây dược liệu mới vào trồng như cây ngưu bàng có xuất xứ từ Nhật Bản. Củ ngưu bàng được thu mua để làm xì dầu và thực phẩm.
Anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn cho biết, sau khi quyết định chuyển đổi diện tích canh tác rau màu vùng đồng bãi ven sông Cà Lồ sang trồng cây ngưu bàng cho thấy cây dược liệu này rất phù hợp với vùng đất bãi ven sông, có khả năng kháng sâu bệnh và phát triển tốt.
Hiện củ ngưu bàng được Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn thu mua tại ruộng với giá 90.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân hơn 400kg/sào, trừ chi phí sản xuất, gia đình anh thu về lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/sào. So với canh tác lúa truyền thống thì giá trị cao gấp hàng chục lần…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn cho biết, trung bình mỗi mét vuông diện tích đất nông nghiệp cho thu hoạch khoảng 2kg củ, giá 90.000 đồng/kg.
Trồng cây dược liệu này sẽ cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi hiện nay là đầu ra cho củ ngưu bàng cũng như các sản phẩm từ cây ngưu bàng để không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, đảm bảo cho người nông dân phát triển vùng dược liệu bền vững.
Còn theo bà Uông Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm, thị xã Sơn Tây, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ hợp tác xã xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô 3ha.
Theo đó, hợp tác xã được hỗ trợ 50% cây giống với định mức 400.000 cây/ha; hỗ trợ 50% khối lượng vật tư, phân bón... Kết quả canh tác đạt năng suất 8,5 tấn sản phẩm tươi/ha (tương đương 1,2 tấn khô/ha), với giá bán 600 triệu đồng/tấn khô, trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 225 triệu đồng/ha (trong thời gian 4 tháng).
Theo bà Trần Thu Hoài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Ngọc Linh, hiện công ty đang thu mua sản phẩm trên diện tích 9-12ha trồng cây dược liệu tại các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Sóc Sơn... Dự kiến trong năm 2024, công ty thu mua sản phẩm của nông dân trên diện tích khoảng 20ha trồng các loại cây dược liệu.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, Hà Nội có thế mạnh về phát triển cây dược liệu, tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng sản phẩm thu mua, các ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn; hỗ trợ vay vốn đầu tư công nghệ cao cho quá trình thu hái, sơ chế, chế biến sản phẩm, nhằm cung cấp ổn định nguyên liệu cho các doanh nghiệp.
Do vậy, Hà Nội nên hỗ trợ xây dựng các mô hình cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hình thành các vùng chuyên canh tập trung để trồng cây dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại các vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, với quy mô 400ha vào năm 2025 và 1.000ha vào năm 2030.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ cho việc bảo tồn, khôi phục giống dược liệu quý, hiếm; phát triển dược liệu dưới tán rừng, sản xuất một số loại dược liệu đặc thù, như: nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Để bảo tồn và phát triển bền vững các giống cây dược liệu, thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024-2025.
Theo đó, thành phố Hà Nội ưu tiên phát triển 16 loại cây dược liệu gồm trà hoa vàng, kim ngân hoa, đinh lăng, cà gai leo, xạ đen, râu mèo, sâm bố chính, hương nhu, cỏ ngọt, thanh hao, húng quế, bạc hà, cúc chi, nghệ vàng, gừng, đông trùng hạ thảo.
Ngoài ra, tùy theo lợi thế, điều kiện thực tế, các địa phương có thể lựa chọn, phát triển các loài dược liệu khác có thế mạnh, giá trị kinh tế, có đầu ra cho sản phẩm, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các tiểu vùng sinh thái của địa phương, như: thìa canh, khôi tía, cây tràm, nhân trần, chè vằng, đu đủ đực, mùi già, diếp cá, rau má, sâm, sương sáo...
Trong khuôn khổ kế hoạch, trung bình mỗi năm, thành phố tổ chức 3 lớp, thời gian 3 ngày/lớp với 30 người/lớp tập huấn về phương pháp quản lý, tổ chức cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu.
Trung bình mỗi năm tổ chức 3 lớp, 30 người/lớp tập huấn về thực hành tốt trồng trọt, thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới để tạo ra nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng để làm thuốc.
Trung bình mỗi năm tổ chức 20 lớp, thời gian 3 ngày/lớp với 50 người/lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cây dược liệu; một số bệnh thường gặp và cách phòng trừ; kiến thức về liên kết sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị; các tiêu chuẩn cơ bản của GACP, organic và quản lý sản xuất gia đình.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo thực hiện rà soát, xác định, xây dựng chi tiết vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho từng loài dược liệu ở từng địa bàn xã, gắn với xây dựng hệ thống thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên cơ sở khai thác lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên.
Đồng thời chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả ở những nơi có điều kiện phù hợp sang trồng dược liệu theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, tạo ra những thương phẩm dược liệu có giá trị gia tăng lớn gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.../.
Nguồn: Hà Nội đưa cây dược liệu trở thành cây trồng thế mạnh | Vietnam+ (VietnamPlus)