Hà Nội cơ bản giải tỏa cây xanh đổ gãy, đảm bảo giao thông thuận tiện

09:14 - 14/09/2024

Đến sáng 13/9, việc giải tỏa cây xanh đổ, gãy đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo giao thông. Hiện các đơn vị đang tập trung trồng dựng lại cây kịp thời và tiến hành vận chuyển củi gỗ về bãi tập kết.

Thu dọn, cắt tỉa cây xanh trên đường Kim Giang, quận Thanh Xuân. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)
 
Thu dọn, cắt tỉa cây xanh trên đường Kim Giang, quận Thanh Xuân. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)
 

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), tính đến 18h ngày 12/9, các đơn vị đã giải tỏa được 7.389/10.589 cây xanh bị đổ, gãy cành do ảnh hưởng của bão số 3 thuộc địa bàn thành phố quản lý; trong đó, 660 cây được vận chuyển về bãi, 4.061 cây đã cắt khúc chờ vận chuyển, 2.668 cây đã cắt gọn cành lá để gọn lên hè, còn khoảng 118 cây mới phát sinh chưa thực hiện.

Các cây đổ, cành gãy tập trung chủ yếu trên địa bàn 12 quận nội thành, trục đường Võ Chí Công-Võ Nguyên Giáp và Đại lộ Thăng Long.

Đến sáng 13/9, việc giải tỏa cây xanh đổ, gãy đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo giao thông trên địa bàn thành phố. Hiện các đơn vị đang tập trung trồng dựng lại cây kịp thời và tiến hành thu gom, vận chuyển củi gỗ về bãi tập kết.

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội cho biết, có khoảng 3.082 cây có khả năng dựng lại được (250 cây đã dựng lại, 2.600 cây đã cắt gọn chờ dựng, 232 cây chưa cắt gọn để trồng lại).

Số cành gãy cũng xử lý được 2.820 cành, còn khoảng 200 cành vẫn treo trên cây chưa gỡ được...Theo phân cấp, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội quản lý khoảng 50% tổng số cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để đẩy nhanh tốc độ giải tỏa cây gãy đổ, thông đường đảm bảo giao thông, Sở Xây dựng Hà Nội đã huy động tối đa nhân lực, vật lực làm việc; đồng thời, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản gửi Sở Giao thông và Vận tải, Công an thành phố Hà Nội đề nghị cấp biển xe phục vụ thu dọn cây xanh và phù hiệu "Xe giải toả cây xanh" hoạt động trên các tuyến đường trong phạm vi hạn chế 12 quận (24h/24h).

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội đã có các văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây và các nhà thầu quản lý, duy trì cây xanh phối hợp trong việc thu hồi, bảo vệ gỗ, củi tránh thất thoát, xác nhận khối lượng cây đổ, cành gãy. Ngày 12/9, Thanh tra Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội đã điều động hỗ trợ 4 xe cứu hộ, 2 xe tải, 2 xe ben, phục vụ khắc phục, giải tỏa cây xanh.

 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 4 đơn vị duy trì cùng với 4 đơn vị tăng cường và 9 đơn vị hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố với tổng nhân lực khoảng 700 người; cùng hơn 48 xe cẩu, hơn 20 xe tải vận chuyển, hơn 160 cưa máy các loại tham gia giải tỏa cây gãy, đổ và trồng lại những cây có thể phục hồi.

Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh cùng các đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ đến từ các tỉnh, thành Quảng Bình, Đà Nẵng, Sơn La, Tp. Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Hà Tĩnh, Huế, Vinh, Đồng Nai với hơn 500 công nhân, 24 xe cẩu, 4 xe tải vận chuyển, 103 cưa máy. Công ty cổ phần Xây dựng, Dịch vụ và Thương mại 68 khoảng 77 công nhân, 7 xe cẩu, 5 xe tải vận chuyển, 2 máy xúc, 15 cưa máy…

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ động phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân các quận rà soát, thống nhất vị trí đào trên vỉa hè để trồng lại và trồng thay thế, bổ sung cây xanh đảm bảo cảnh quan, mỹ quan đô thị; xây dựng kế hoạch trồng lại, trồng bổ sung cây xanh đô thị tại các vị trí bị gãy, đổ không thể khắc phục; các cây trồng lại, trồng bổ sung cần đảm bảo về chủng loại, kích thước, đảm bảo kỹ thuật và chất lượng trồng, thời gian chăm sóc.

Theo đó, các đơn vị phải lưu ý hệ thống cột chống phải chắc chắn để đảm bảo an toàn khi có gió, bão xảy ra và không ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây xanh. Đối với cọc chống tạm thời sử dụng cọc chống từ các cây thu hồi tại nút giao cầu Vĩnh Thịnh để làm cọc chống cho các cây xanh trồng mới và cây có thể chống dựng tại chỗ trên địa bàn; tổng hợp báo cáo Sở Xây dựng kết quả thực hiện trước ngày 20/9 để báo cáo UBND thành phố Hà Nội.

Thống kê toàn thành phố Hà Nội có khoảng 25.000 cây bị đổ, gãy; trong đó có không ít cổ thụ, cây di sản bật gốc.

Đánh giá về công tác khắc phục thiệt hại sau bão trên địa bàn quận, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết, bão số 3 có cường độ lớn, sức gió giật mạnh, song do có sự chuẩn bị kỹ càng nên thiệt hại về tài sản, con người là không lớn, chủ yếu các thiệt hại là về cây xanh bị gãy đổ.

Thống kê trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 697 cây xanh đổ, gẫy, bật gốc. Ủy ban Nhân dân quận chỉ đạo tập trung giải tỏa trước các cây nguy hiểm đến công trình nhà ở của nhân dân, trong các trường học và giải phóng các trục đường chính, tuyến đường đê liên thông, đảm bảo an toàn giao thông. Đến nay, quận đã cơ bản cắt dọn, giải tỏa được số cây đổ, gãy. Giao thông trên các trục đường chính, khu vực trung tâm đã thông suốt.

Đối với các cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, quý hiếm có giá trị kinh tế cao quận phối hợp Công ty Công viên cây xanh kiểm tra, đánh giá có thể chống dựng tại chỗ thì triển khai thực hiện, trường hợp không thể chống dựng đề xuất thành phố di chuyển về vườn ươm để chăm sóc và trồng vào vị trí phù hợp. Dự kiến đến trước 15/9 sẽ vận chuyển xong, giải phóng toàn bộ địa bàn.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho rằng, nguyên nhân chủ quan gây gãy đổ nhiều cây xanh do việc cắt tỉa, rà soát cây xanh hư hỏng đã được quan tâm nhưng chưa triệt để. Sau khi bão tan, do số lượng cây đổ gãy quá lớn gây ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Các đơn vị sau trực bão bố trí lại lực lượng chưa kịp thời, hợp lý, bên cạnh đó, công cụ lao động còn thiếu (thiếu cưa tay, cưa máy, không có cẩu, xe chở cành cây gãy ...) dẫn đến việc dọn dẹp, khắc phục còn chậm.

Quận Hoàn Kiếm vẫn tiếp tục tăng cường hỗ trợ nhân lực, công cụ của các doanh nghiệp cây xanh, doanh nghiệp xây dựng trong và ngoài địa bàn quận tham gia hỗ trợ khắc phục dọn dẹp cây xanh; tổ chức, bố trí lại lực lượng tham gia dọn dẹp trên cơ sở thống nhất chỉ huy của các tổ công tác quận điều phối nhân lực, công cụ đến từng điểm.

Đại diện Ủy ban Nhân dân quận Bắc Từ Liêm cho biết, trên địa bàn quận có 1.944 cây cây xanh bị gãy, đổ do cơn bão số 3. Quận đã bố trí 5 điểm tập kết cây xanh sau xử lý và triển khai phương án "4 tại chỗ", huy động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, công an, Ủy ban Nhân dân các phường cùng sự hỗ trợ của nhân dân nhanh chóng xử lý cây gãy, đổ. Đến nay, cây đổ, gãy trên các tuyến đường giao thông chính của quận đã cơ bản được xử lý xong, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường được thông suốt, thuận lợi.

Với phương châm "4 tại chỗ", khối dân vận đảng ủy 14 phường trên địa bàn quận Ba Đình đã tập trung giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3, huy động đông đảo đoàn viên thanh niên, hội viên cựu chiến binh, phụ nữ, các cán bộ cơ sở và người dân trực tiếp tham gia thu dọn cây gãy đổ trên đường phố đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn quận.

Còn tại địa bàn quận Long Biên, với 3.168 cây xanh bị đổ, gãy, Ủy ban Nhân dân các phường đã phối hợp với những đơn vị liên quan tập trung xử lý, giải toả không để ảnh hưởng đến giao thông; tiếp tục tổ chức thu dọn, vệ sinh môi trường./.

Nguồn: Hà Nội cơ bản giải tỏa cây xanh đổ gãy, đảm bảo giao thông thuận tiện | Vietnam+ (VietnamPlus)