Hà Nội: Báo động hàng trăm xe khách bỏ bến, chạy dù
10:57 - 05/03/2021
Tạp chí GTVT - Nhiều bến xe tại Hà Nội đều cho biết số lượng xe vào bến đón trả khách ngày càng giảm. Có bến giảm hàng trăm đầu xe trong một năm, bến thì từ chỗ có hàng chục chuyến xuất bến/tuyến mỗi ngày, nay chỉ còn lác đác vài chuyến. Vậy đâu là lý do?
Xe khách Hải Hiền tuyến Hà Nội - Thanh Hóa thay vì vào bến hoạt động lại vô tư đón tra khách trái phép trên đường Giải Phóng (Hà Nội) |
Nhà xe "rủ" nhau bỏ bến
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị khai thác, quản lý bến xe khẩn trương báo cáo tình hình doanh nghiệp, hợp tác xã không khai thác kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục. Các đơn vị phải nộp báo báo về Sở trước ngày 10/3.
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, tại BX Nước Ngầm, đã có 266 tuyến vận tải của hơn 100 doanh nghiệp không tham gia hoạt động tại bến. Điển hình như: HTX Dịch vụ vận tải ô-tô Nam Danh, Công ty TNHH Thương mại và vận tải Hoàng Sơn, Công ty CP Quốc tế Mỹ Đình, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Hoàng Yến, Công ty CP Vận tải Nam Trực, HTX Vận tải Thăng Long, Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long...
Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết: Tình trạng xe bỏ bến đã lác đác xảy ra từ năm 2017 nhưng rộ lên từ đầu năm 2019 đến nay. Hiện, phần lớn các xe đã không đăng ký khai thác vận tải khách năm 2019 và có giấy xin ngừng hoạt động. Đây chủ yếu là các xe thuộc tuyến Nước Ngầm đi các tỉnh: Nam Định, Thái Bình… và được điều chuyển từ BX Mỹ Đình về từ năm 2017.
Cũng trong tình trạng trên, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, hiện tại bến có khoảng gần 100 nốt xe của hàng chục doanh nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động với tỉ lệ rất thấp, chỉ từ 10%-30%. Đơn cử như tuyến Ninh Bình (từ cột biển hiệu tuyến số A1-17 đến A1-19), Vụ Bản (A1-14), Trực Ninh (cột A1-12)… còn không có xe hoạt động. Mỗi ngày bến có khoảng 800 lượt xe xuất bến, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 300 - 400 lượt xe xuất bến/ngày.
Xe khách tuyến Ninh Bình còn ngang nhiên dừng đỗ hàng giờ đồng hồ trên đường Kim Đồng - Giải Phóng để bắt khách |
Với bến xe Mỹ Đình, bình thường bến có 900 lượt xe xuất bến/ngày, nhưng kể từ cuối năm 2020 đến nay chỉ khoảng có 400 đến 500 lượtxe xuất bến/ngày (giảm khoảng 50%).
Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, từ nhiều tháng nay tại bến xe Mỹ Đình xuất hiện hàng chục nhà xe bỏ bến. Chủ yếu là các tuyến ngắn dưới 200km đi Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái…
“Các nhà xe hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ hoặc bỏ bến đều đưa ra lý do xe hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn. Tuy nhiên, thực tế, không ít nhà xe bỏ bến lén lút ra ngoài đón trả khách”, ông Sơn cho hay.
Quản lý chưa theo kịp thực tế?
Theo ghi nhận của chúng tôi, không ít nhà xe sau khi bỏ bến đã lén lút ra ngoài đón trả khách tại các tuyến đường, khu vực đông dân cư như: đường Giải Phóng, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng...
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP BX Hà Nội, Chủ tịch Hiệp Hội bến xe khách cũng cho biết: Những năm gần đây, hàng loạt loại hình vận tải hành khách khác như: xe hợp đồng Limousine, xe công nghệ Grab… thuận tiện hơn đã và đang cạnh tranh trực tiếp khiến khách không đến bến, xe khách liên tỉnh vì vậy cũng gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết tận gốc vấn đề, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý, tuy nhiên trước mắt chúng tôi cho rằng, bến xe và doanh nghiệp vận tải cũng cần phải tự nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm an toàn, văn minh, lịch sự để thu hút được hành khách quay lại.
Theo ông Nguyễn Văn Lập đã đề xuất Sở GTVT Hà Nội bổ sung tuyến mới và phương tiện vào tuyến có phương tiện bị ngưng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị Sở GTVT bổ sung thêm tuyến buýt để tăng tính kết nối, tạo thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân cũng như tăng tính kết nối cho BX Nước Ngầm.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, đây là giai đoạn vô cùng khó khăn với ngành vận tải nói chung và vận tải khách liên tỉnh nói riêng. Nhiều xe đẹp, đầu tư hiện đại nhưng xe không khi xuất bến. Khách không vào bến thì nhà xe buộc phải bỏ bến là lẽ đương nhiên. Câu chuyện này có thể bất ngờ với nhiều người nhưng là hệ lụy tất yếu khi công tác quản lý không theo kịp thực tiễn phát triển của ngành vận tải.
Chỉ lác đác một vài khách mua vé chờ xe chạy tại bến xe |
Đề cập tới vấn đề bỏ lọt vi phạm, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: "Không chỉ lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông, việc xử lý xe khách vi phạm trên đường hiện nay quy định còn cho phép cơ quan quản lý áp dụng nhiều hình thức. Trong đó có giám sát, phát hiện, xử phạt qua hình ảnh; cùng với đó, xe kinh doanh vận tải hiện nay được yêu cầu lắp thiết bị GPS (hộp đen), do vậy xe đi đâu, dừng đỗ như thế nào cơ quan quản lý đều nắm và biết được hết. “Vấn đề là có muốn xử lý hay không mà thôi”.
Trong khi đó, đại diện Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Tuyển - Phó phòng Quản lý vận tải lý giải rằng, để biết được xe có vào bến hay không, chỉ có thể thông qua hệ thống giám sát hành trình cảnh báo tự động. Nhưng hiện hệ thống này chưa tích hợp, muốn kiểm tra một xe nào đó, Sở GTVT lại phải tra “thủ công”.
Hệ thống giám sát hành trình hiện chỉ thông tin được tốc độ vi phạm, thời gian làm việc của lái xe. Còn việc xe chạy sai hành trình hay không, phải tra biển số.
Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, hiện đơn vị chỉ tra cứu xe nào có thông tin vi phạm. Hà Nội có gần 7.000 xe khách hoạt động, rất khó rà từng xe vào ra bến mỗi ngày. Đó là chưa nói đến việc đường truyền có ổn định hay không.
http://www.tapchigiaothong.vn/ha-noi-bao-dong-hang-tram-xe-khach-bo-ben-chay-du-d90798.html