GP10: Nhung can bo thong tan xong pha lua dan, giu dong tin chay mai hinh anh 1Tháng 3/1973, 150 phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Khóa GP10 của Việt Nam Thông tấn xã lên tàu vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng tại chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những tháng ngày gian khổ giữ cho dòng chảy tin tức thông suốt mặc mưa bom bão đạn vẫn luôn in đậm trong tâm trí các phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam.

Trong lịch sử vẻ vang gắn liền với cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Thông tấn xã Việt Nam có một “thế hệ vàng” các phóng viên, kỹ thuật viên được đào tạo để trở thành lực lượng tinh nhuệ, xông pha nơi chiến trường, sẵn sàng truyền tin về những trận đánh ác liệt để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Họ là lực lượng GP10 - Khóa đào tạo phóng viên thứ 10 của Thông tấn xã Giải phóng. Tới nay, đã tròn 50 năm ngày họ lên chuyến tàu rời miền Bắc (16/3/1973), mang theo hành trang là cuốn sổ, cây bút, chiếc máy ảnh... để chiến đấu và tác nghiệp với niềm tin vào ngày giang sơn thu về một mối.

Toàn ngành sục sôi vào trận

Đầu năm 1972, chiến sự leo thang, Hội nghị lần thứ 20 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III) đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân: “Với tinh thần kiên trì kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, phải động viên toàn lực, cố gắng vượt bậc, anh dũng tiến lên, đẩy mạnh kháng chiến.”

Trên tinh thần đó, Việt Nam Thông tấn xã tổ chức tuyển chọn, đào tạo lớp phóng viên đặc biệt (GP10) để chi viện cho chiến trường miền Nam nói chung và Thông tấn xã Giải phóng nói riêng, nhằm đảm bảo cho dòng tin không bị gián đoạn.

 
GP10: Nhung can bo thong tan xong pha lua dan, giu dong tin chay mai hinh anh 2Chặng dừng chân của đoàn phóng viên GP10 của Việt Nam Thông tấn xã trên đường vào Chiến dịch Hồ Chí Minh để chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh tư liệu)

Tháng 4/1972, gần 150 sinh viên ưu tú của các trường (Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Ngoại giao...) được tuyển chọn về Việt Nam Thông tấn xã, tham gia khóa đào tạo phóng viên chiến trường.

Khi ấy, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy, nguyên học viên GP10 mới ngoài 20 tuổi, đang là sinh viên năm cuối khoa Sinh, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với năng lực học tập, rèn luyện tốt, ông đã trúng tuyển vào lớp phóng viên GP10 của Thông tấn xã Giải phóng.

[Lưu giữ những trang sử hào hùng của Thông tấn xã Giải phóng]

“Khi đó, chúng tôi đều là những thanh niên ngoài đôi mươi, tràn đầy nhiệt huyết, hòa mình vào tinh thần, khí thế ‘xếp bút nghiên, ra trận, tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt’‘xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai'...,” ông Thủy bồi hồi nhớ lại.

Ngày đó, dù đang học lớp phóng viên GP10 nhưng ông Nguyễn Sỹ Thủy vẫn cố gắng hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Chàng sinh viên tranh thủ thời gian ban đêm, ngày nghỉ để đi cơ sở, trồng lúa thí nghiệm và hoàn thành xuất sắc luận văn, đạt điểm tối đa 5/5.

“Tận mắt chứng kiến những trận bom của máy bay B52 Mỹ trút xuống Thủ đô Hà Nội, giết hại nhiều dân thường, chúng tôi chỉ mong gấp rút hoàn thành chương trình học nghiệp vụ để ra chiến trường,” ông Thủy nói.

GP10: Nhung can bo thong tan xong pha lua dan, giu dong tin chay mai hinh anh 3Nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy là một trong số những học viên ưu tú khóa GP10. (Ảnh: NVCC)

Ngày đó, ông Thủy đã có người yêu. Đi chiến trường biết ngày nào trở lại, ông quyết định lập gia đình. Lễ cưới được tổ chức đơn giản vào đúng mùng Hai Tết, chỉ có đĩa trầu cau, vài điếu thuốc, hoa hái từ vườn nhà, phông cưới có dòng chữ "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ.”

Cưới vợ được 3 ngày thì ông Nguyễn Sỹ Thủy rời quê về Hà Nội để đến trường 105 Ban Thống nhất Trung ương tại Lương Sơn (Hòa Bình) rèn luyện sức khỏe, tập leo núi và các kỹ năng tham gia chiến trường.

“Chúng tôi đều tự dặn lòng rằng cả dân tộc đang dồn lực cho cuộc kháng chiến, mỗi người đều nỗ lực gấp hai, ba lần, thậm chí nhiều hơn nữa. Vì thế, không có lý do gì để những thanh niên như chúng tôi đứng ngoài guồng quay ấy,” ông Thủy nói.

Từ suy nghĩ đó, các cử nhân nhiều ngành nghề khác nhau tích cực trau dồi kiến thức nghiệp vụ, tập luyện thể lực để sẵn sàng lên đường.

Học tác nghiệp, học cả sinh tồn

“Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/Bên nắng đốt, bên mưa quây…” chiến trường gian khổ là vậy, với các phóng viên nữ thì hiểm nguy, gian khó còn nhiều hơn các phóng viên nam gấp bội.

Nữ nhà báo Cao Tân Hòa là một trong số những “bóng hồng” của đoàn phóng viên GP10 năm đó. Bà mãi không thể quên những ngày hành quân mệt nhoài dưới cái nắng như đổ lửa cuối mùa khô ở Đông Trường Sơn, những cơn mưa tầm tã của Tây Trường Sơn. Ghẻ lở, sốt rét, bệnh tật, những cơn đói lả người... nhưng họ vẫn viên kiên cường vượt qua tất cả.

GP10: Nhung can bo thong tan xong pha lua dan, giu dong tin chay mai hinh anh 4Nhà báo Cao Tân Hòa ở chiến trường năm 1973 (trái) và hiện tại. (Ảnh: NVCC)

Là cử nhân ngành Hóa, không có chuyên môn về báo chí nhưng bà Hòa đã vận dụng những kiến thức nghiệp vụ được học trước khi lên đường và tích lũy cả những kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp ở chiến trường để hoàn thành nhiệm vụ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà nói chắc nịch: “Phóng viên GP10 tác nghiệp bằng tất cả tâm huyết và sự chân thành.”

Khi ấy, nữ phóng viên Cao Tân Hòa thường mặc trang phục của bà con dân tộc, cẩn thận hỏi người dân địa phương những từ ngữ miền Nam mà bà nghe không rõ để làm sao viết ra những bản tin ngắn gọn, dễ hiểu nhất.

Không chỉ học cách tác nghiệp, phóng viên GP10 còn phải học cách sinh tồn và chiến đấu bởi có bảo toàn tính mạng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ.

“Lương thực như gạo và muối rất hiếm hoi, chúng tôi phải độn thêm các chất khác là ngô, khoai, sắn, rau rừng. Có loại lá trông rất giống rau ngót nhưng ăn vào sẽ bị độc chết ngay. Để nấu nướng, chúng tôi cũng phải học cách tìm những cây có chất dầu cho dễ nhóm lửa,” nhà báo Cao Tân Hòa hồi tưởng.

GP10: Nhung can bo thong tan xong pha lua dan, giu dong tin chay mai hinh anh 5Từ trái sang phải: Các nữ phóng viên Hoàng Thị Tuyết Trinh, Cao Tân Hòa, Lê Thị Kim Thoa, Triệu Thị Thùy. (Ảnh tư liệu)

Bà không thể quên một lần suýt chết vì đói. Lúc đó, lũ về dòng sông Trà Nô, ngăn cách các phóng viên với căn cứ. Ban đầu còn có một bữa ăn trong ngày, nhưng dần dần không còn gì để ăn khiến hai nhà báo chiến trường Cao Tân Hòa và Triệu Thị Thùy đói lả. Bà Hòa đi lấy chuối rừng nấu lên. Thế nhưng ăn xong, bà Hòa và đồng nghiệp càng cồn cào gan ruột, nôn thốc nôn tháo. Họ lả đi. May mắn khi ấy nhà báo Lâm Quý mang đến con chim chào mào vừa bẫy được, nướng lên cho bà Hòa và bà Thùy ăn.

Một lần khác, bà Hòa theo chân người giao liên đi tác nghiệp. Vì không theo kịp nên bà bị lạc đường. Trời tối, bơ vơ giữa rừng khiến bà sợ phát khóc. Bỗng thấy phía trước có ánh lửa, bà vịn theo cây cối mà đi theo hướng đó. Bất chợt, nhà báo Thành Vinh lao ra, giằng lấy ba lô trên vai bà rồi nắm tay kéo đi thật nhanh.

Bà Hòa không kịp hỏi gì mà chỉ biết chạy theo nhà báo Thành Vinh đến đứt cả quai dép. Chạy một đoạn, họ dừng lại. Nhà báo Thành Vinh mới thở hổn hển bảo chỉ vài bước chân nữa, bà Hòa đã đặt chân vào khu vực của địch.

Từ chiến trường, bà Hòa gặp và nên duyên với đồng nghiệp là nhà báo Dương Đức Quảng. Sau giải phóng cả hai về Đà Nẵng và tổ chức đám cưới ngay tại văn phòng của Thông tấn xã Việt Nam tại đây.

Những người góp phần làm nên lịch sử

Ngoài các phóng viên, lực lượng GP10 còn bao gồm các kỹ thuật viên phụ trách vận hành, sửa chữa máy ảnh, máy teletype… phục vụ cho công tác thông tin được thông suốt.

Ông Hoàng Văn Tùng là một trong số các kỹ thuật viên lên đường ra chiến trường năm 1973. Sau 4 năm học ngành luyện kim ở Thái Nguyên, ông được chọn tham gia công tác tại Bộ phận kỹ thuật-Đài Minh ngữ (thu phát chữ bình thường, không phải mật ngữ) tại Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V (Làng Tuyên).

GP10: Nhung can bo thong tan xong pha lua dan, giu dong tin chay mai hinh anh 6Ông Hoàng Văn Tùng, cán bộ kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

Ông kể rằng ban đầu, phóng viên chuyển tin tức bài vở về Trung ương bằng phương pháp điện tín cổ xưa tức là đánh morse. Nhiều khi phóng viên cùng quay ragono để phát điện chạy máy. Sau này, được hậu phương tiếp viện, Đài Minh ngữ có máy teletype, telephoto chạy bằng máy phát điện, truyền được cả tin tức, hình ảnh qua sóng vô tuyến. Nhờ có Đài Minh ngữ, công tác thông tấn có lợi thế là tin tức được đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. Hàng ngày Đài có nhiệm vụ chuyển phát tin bài của phóng viên chiến trường gửi ra Việt Nam Thông tấn xã ở Hà Nội và Thông tấn xã Giải phóng ở miền Nam để đăng lên báo chí Trung ương, cung cấp tin thời sự cho Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chính vì sử dụng điện đài phát sóng dễ bị kẻ địch phát hiện ném bom hơn các đơn vị khác, bộ phận Đài Minh ngữ thường xuyên phải di chuyển. Cùng với nhu yếu phẩm, tư trang thì mọi máy móc nặng nề đều nằm trên đôi vai cán bộ kỹ thuật.

“Ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi thường xuyên đi gùi sắn để có thêm lương thực. Mùa mưa ẩm ướt, sắn được thái nhỏ ra rồi hun khói cho khô đi, để ăn dần. Nhiều lúc, củ sắn cũng hết, chúng tôi nhổ cả cây sắn, ngâm dưới suối cho bớt đắng, bớt chát rồi nấu lên ăn,” ông kể.

Kỷ niệm mà ông không thể quên được là trong một lần đi gùi sắn, một đồng nghiệp là cô Phạm Thị Đệ đã bị cơn lũ cuốn trôi. Những người đồng nghiệp mải miết đi tìm, ba ngày sau, nghe tiếng quạ kêu ở một bụi cây, họ vội chạy đến nơi thì tìm thấy đồng nghiệp...

GP10: Nhung can bo thong tan xong pha lua dan, giu dong tin chay mai hinh anh 7Phòng thu-phát tin, ảnh của Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh tư liệu)

“Nhiều người đã ngã xuống. Trong số những người trở về, cũng những người mang theo di chứng chất độc da cam/dioxin, sốt rét ác tính và những căn bệnh quái ác khác,” ông Tùng ngậm ngùi.

Càng hiểm nguy, gian khổ thì những người cán bộ Thông tấn xã Việt Nam càng vỡ òa niềm vui sướng khi nghe tin thắng trận liên tiếp báo về qua Đài Minh ngữ.

“Chúng tôi là những người đầu tiên tiếp nhận tin tức, niềm vui sướng cứ lan khắp chiến hào. Hạnh phúc làm sao khi mình trở thành một phần của lịch sử,” ông Tùng rưng rưng.

Sau ngày 30/4/1975, ông Tùng chưa trở về Hà Nội ngay mà còn đi khắp các tỉnh miền Nam để lắp đặt máy móc cho các cơ quan thường trú.

Ngày 12/5/1976, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng - hai người anh em ruột thịt - đã chính thức hợp nhất thành Thông tấn xã Việt Nam, khẳng định sức mạnh của cơ quan thông tấn quốc gia đã hòa vào thắng lợi chung của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc./.

 

Ảnh 1Các phóng viên lớp GP10 của Việt Nam Thông tấn xã lên đường vào chi viện cho Thông tấn xã Giải Phóng tại chiến trường miền Nam (16/3/1973). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 2Đoàn tàu chở phóng viên GP10 rời Hà Nội vào chiến trường miền Nam di chuyển qua vùng Thanh Hóa còn đầy hố bom (tháng 3/1973). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 3Phó Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã Trần Thanh Xuân và các phóng viên tại một trạm dừng chân trên đường vào chiến trường miền Nam (3/1973). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 4Các nữ phóng viên chiến trường GP10 vào miền Nam tăng cường cho Thông tấn xã Giải Phóng tại chiến trường Trung Trung bộ, năm 1973. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 5Gia đình và đồng nghiệp tiễn Phó Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã Trần Thanh Xuân (người đội mũ) dẫn đầu đoàn phóng viên GP10 vào chiến trường miền Nam (1973). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 6Chặng dừng chân của đoàn phóng viên GP10 ctrên đường vào chiến trường miền Nam để chi viện cho Thông tấn xã Giải Phóng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 7Các phóng viên lớp GP10 ở chiến trường miền Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 8Phóng viên lớp GP10 của Việt Nam Thông tấn xã trên đường hành quân vào chiến trường năm 1973. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 9Phút nghỉ ngơi trên đường hành quân của các phóng viên lớp GP10 Trọng Nghiệp, Hữu Oai, Sỹ Huynh, năm 1973. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 10Bồi dưỡng nghiệp vụ ảnh báo chí cho các phóng viên tại căn cứ Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 11Phóng viên GP10 chụp ảnh kỷ niệm khi mới hành quân từ Bắc vào căn cứ Thông tấn xã giải phóng tại R (Tây Ninh) giữa năm 1973. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 12Nhóm phóng viên GP10 đi chiến trường miền Đông Nam Bộ tại chiến khu Mã Đà (Đồng Nai) đầu năm 1974 (Từ trái qua: Kim Sơn, Vũ Xuân Bân, Phạm Cao Phong, Nguyễn Sỹ Thuỷ, Lý Văn Tích). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 13Các phóng viên Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản và Hoàng Thiểm đang qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng giải phóng, ngày 29/3/1975. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)
Ảnh 14Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã giải phóng trước cửa ngõ Sài Gòn, sáng sớm 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 15
Ảnh 16Phóng viên Thông tấn xã giải phóng Nguyễn Đức Giáp (người ngồi sau) cùng đồng nghiệp trên đường tiến về Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 17Tổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin, ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 18Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã giải phóng trên đường vào Sài Gòn, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 19Điện báo viên Việt Nam Thông tấn xã dừng chân ở Trảng Bàng (Tây Ninh) để chuyển về căn cứ tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ảnh 20Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã giải phóng tham gia đưa tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 

Minh Thu (Vietnam+)