Goldman Sachs ha manh du bao chi so S&P 500 vao cuoi nam nay hinh anh 1
Giao dịch viên làm việc tại sàn chứng khoán New York, Mỹ ngày 29/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs mới đây đã cắt giảm khoảng 16% cho mục tiêu cuối năm 2022 của chỉ số S&P 500 xuống còn 3.600 điểm, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không có dấu hiệu chuyển hướng khỏi lập trường tăng lãi suất quyết liệt.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs đã viết trong một báo cáo ngắn công bố vào cuối ngày 22/9 rằng con đường lãi suất dự kiến của ngân hàng trung ương hiện đã cao hơn so với ước tính trước đó.

Mục tiêu trước đó của Goldman Sachs cho chỉ số S&P 500 là 4.300 điểm. Cuối phiên 22/9 chỉ số này đóng cửa ở mức 3.757,99 điểm.

Tương tự như Goldman Sachs, vào đầu tháng này, ngân hàng UBS cũng đã cắt giảm mục tiêu cuối năm 2022 của S&P 500 xuống còn 4.000 điểm.

[Chứng khoán Phố Wall lao dốc sau quyết định tăng lãi suất của Fed]

Nhà phân tích David Kostin của Goldman Sachs viết rằng dựa trên các cuộc thảo luận với khách hàng, phần lớn các nhà đầu tư cổ phiếu đã chấp nhận kịch bản kinh tế Mỹ “hạ cánh cứng” là không thể tránh khỏi.

Trọng tâm chú ý của họ hiện dồn vào việc xác định thời điểm, mức độ và thời gian kéo dài của một cuộc suy thoái tiềm ẩn, rồi xây dựng các chiến lược đầu tư cho viễn cảnh đó.

Fed hôm 21/9 cho hay các nhà hoạch định chính sách sẽ "giữ vững" quyết tâm đưa lạm phát đi xuống với việc tăng lãi suất chuẩn thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp trong năm nay.

Ngân hàng trung ương này cũng báo hiệu chi phí đi vay sẽ tiếp tục tăng trong phần còn lại của năm 2022.

Ông Kostin lưu ý rằng lạm phát đã diễn ra dai dẳng hơn dự kiến và khó có dấu hiệu giảm bớt rõ ràng trong thời gian tới, dẫn đến những ước tính rằng Fed thậm chí có khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn.

Chuyên gia của Goldman Sachs nói thêm rằng hầu hết các nhà quản lý danh mục đầu tư nhận định để giảm lạm phát, Fed sẽ phải tăng lãi suất đủ cao để dẫn đến suy thoái kinh tế vào một thời điểm nào đó trong năm 2023./.

H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)