Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) đã thu hẹp khuyến nghị đầu tư vào nợ của ngân hàng châu Âu với lập luận rằng sự thiếu sự rõ ràng về “số phận” tương lai của ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse sẽ gây áp lực lên lĩnh vực ngân hàng khu vực.
Cụ thể, Goldman Sachs hạ triển vọng nợ của ngân hàng châu Âu từ mức “overweight” (nền tảng cơ bản tốt và có thể cải thiện) xuống mức “neutral” (nền tảng ổn định).
Credit Suisse đã nhận được “phao cứu sinh” từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) trị giá 54 tỷ USD vào ngày 16/3 để tăng thanh khoản sau khi giá trị cổ phiếu và trái phiếu của ngân hàng này sụt giảm mạnh và làm tăng lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.
[SVB phá sản: Đằng sau "điệp vụ giải cứu" bất thành của Goldman Sachs]
Nhà phân tích Lotfi Karoui của Goldman Sachs nhận định, quyết định của SNB đã không thực sự có thể ổn định tâm lý ở cả thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng.
So với 15 năm trước, các nền tảng cơ bản của ngành ngân hàng mạnh hơn và các liên kết hệ thống toàn cầu yếu hơn - đây là xu hướng giúp hạn chế đáng kể nguy cơ xảy ra liên đới về tổn thất tín dụng của các đối tác khác nhau.
Tuy nhiên, một phản ứng chính sách mạnh mẽ hơn có thể cần thiết để mang lại sự ổn định.
Giá cổ phiếu của Credit Suisse bắt đầu giảm mạnh trong bối cảnh lo ngại gia tăng về lĩnh vực ngân hàng toàn cầu, sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ phá sản trong tuần trước.
Do hoạt động bán tháo, giá cổ phiếu của Credit Suisse phiên 15/3 đã giảm tới gần 30% sau khi cổ đông lớn nhất là Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia thông báo không thể tăng cổ phần do quy định hạn chế nắm giữ cổ phần ở mức dưới 10%.
SNB ngày 16/3 thông báo cấp khoản hỗ trợ 50 tỷ franc Thụy Sỹ (khoảng 54 tỷ USD) cho Credit Suisse và giá cổ phiếu của ngân hàng này đã phục hồi.
Credit Suisse hiện đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” và đang tìm kiếm thỏa thuận với một số ngân hàng đối thủ, trong đó có ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ - UBS./.