Giu gin net dep trong gia dinh - nhan len pham cach nguoi Trang An hinh anh 1Cả gia đình cùng chụp ảnh lưu niệm tại Hồ Gươm trước thời khắc đón giao thừa, bước sang Năm mới. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Người Hà Nội từ lâu đã được biết đến với lối ứng xử thanh lịch, văn minh tạo nên nét đặc trưng riêng và được coi là di sản nhân văn của đất Kinh kỳ.

Dù sự tác động của đời sống hiện nay đã làm thay đổi phần nào văn hóa ứng xử nhưng cái chất Hà Nội vẫn cơ bản được giữ nguyên. Gia đình chính là nền tảng hình thành nhân cách mỗi người.

Những nét đẹp trong gia đình như: lòng yêu thương, hiếu thuận, kính trên nhường dưới, tính nêu gương, sống trách nhiệm với cộng đồng... đang được lan tỏa để bồi đắp thêm phẩm cách người Tràng An.

Giữ lửa hạnh phúc gia đình

Gia đình bà Lê Thị Thu (Tổ 1, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh) có 3 thế hệ cùng chung sống nhưng luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc.

Ông bà luôn gương mẫu trong cách sống, yêu thương, dạy bảo con cháu chu đáo, sống kính trên nhường dưới, ứng xử tốt với mọi người xung quanh. Cũng vì thế, con cháu trong nhà sống hòa thuận với nhau, lễ phép, hiếu thảo với người lớn.

Bà cho biết trong cuộc sống có những lúc bất đồng ý kiến nhưng dù lớn hay nhỏ, mọi người đều cùng nhau chia sẻ, cảm thông và hóa giải để gia đình luôn giữ được sự vui vẻ. Gia đình bà là một gia đình mẫu mực được bà con khối phố đánh giá cao và lấy làm tấm gương để học theo.

[Infographics] Những việc làm ý nghĩa trong Ngày Gia đình Việt Nam  

Chia sẻ về việc xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh, bà Lã Thị Bích Nhưng (thôn Lạc Thị, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) cho biết hai vợ chồng bà đều trong ngành Giáo dục và được sống trong khu dân cư văn hóa nên đã rèn luyện mọi người trong gia đình cách sống kỷ luật, tôn trọng và giữ gìn những giá trị đạo đức, lối sống tích cực, văn minh.

Các con cháu trong gia đình đều ngoan ngoãn, khiêm tốn, người đi trước là tấm gương để người đi sau học tập.

Đến nay, các con trong gia đình đều thành danh, các cháu ngoan ngoãn, học giỏi. Mọi người trong gia đình đều hòa thuận, yêu thương, đùm bọc nhau, cuộc sống luôn tràn ngập hạnh phúc.

Nhiều gia đình khác tại Hà Nội cũng là điển hình trong xây dựng gia đình văn hóa như: gia đình bà Trần Thúy Vinh (ở phố Huế, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm), gia đình ông Nguyễn Khắc Mai (Tổ dân phố 4, phường Mộ Lao, quận Hà Đông), gia đình bà Trần Thị Chuyền (Tổ dân phố số 20, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), gia đình ông Đỗ Xuân Cường (thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn).

Chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc trong gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người dân trên địa bàn Thủ đô đều hướng tới. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, những thành tựu của công tác xây dựng gia đình trên địa bàn Thủ đô đã góp phần quan trọng vào xây dựng, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thành phố Hà Nội đang triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và nhân rộng các mô hình tốt trong thực hiện Bộ tiêu chí dựa trên nguyên tắc "tôn trọng-bình đẳng-yêu thương và chia sẻ" với các tiêu chí cụ thể: vợ chồng phải chung thủy, nghĩa tình; cha mẹ với con, ông bà với con cháu gương mẫu, yêu thương; con với cha mẹ, cháu với ông bà phải kính trọng, lễ phép, hiếu thảo; anh chị em trong gia đình hòa thuận, chia sẻ, tôn trọng.

Hạt nhân tích cực trong cộng đồng

Cùng với xây dựng gia đình hạnh phúc, các gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có những đóng góp tích cực cho cộng đồng, cho xã hội.

Rất nhiều tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế, đóng góp cho quỹ từ thiện, góp công sức xây dựng nông thôn mới, ngõ phố văn minh đô thị...

Đó là gia đình ông Trương Quang Hòa, ở đường Nguyễn Phong Sắc, tổ 6, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Đây là gia đình tiêu biểu trong công tác nhân đạo, từ thiện, hàng năm gia đình có 4-6 người tham gia hiến máu nhân đạo và ủng hộ 2-3 xe đạp cho học sinh nghèo miền núi, quyên góp ủng hộ quần áo tặng vùng cao.

Giu gin net dep trong gia dinh - nhan len pham cach nguoi Trang An hinh anh 2(Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Gia đình ông Đỗ Văn Hiển (tổ dân phố Độc Lập, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) có 3 thế hệ lưu giữ giá trị văn hóa, làng nghề dệt lụa, gấm truyền thống tại phường Vạn Phúc, là một trong số ít hộ còn lại của làng nghề còn gìn giữ được công nghệ dệt gấm cổ truyền và là hộ gia đình duy nhất tạo mẫu cho lụa (vẽ hoa văn cho lụa).

Gia đình ông Đoàn Văn Mười (thôn Nhân Trai, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa) có mô hình kinh tế hiệu quả với trang trại gà hơn 20 nghìn con, tạo việc làm cho 12 lao động trên địa bàn xã (mức thu nhập 5-6 triệu đồng/lao động), đồng thời tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương.

Gia đình bà Khuất Thị Lợi (đường Lạc Trị, thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ) có nhiều đóng góp trong việc ủng hộ tu bổ di tích tại địa phương, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, đầu tư sân chơi nhà văn hóa, phòng, chống COVID-19 và các hoạt động từ thiện khác.

Bà cho biết với sự nỗ lực của các thành viên, gia đình bà gây dựng được kinh tế khá vững vàng với doanh nghiệp riêng, con cháu đều thành đạt ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ gương mẫu tham gia các phong trào, gia đình còn tích cực đóng góp kinh phí cho các hoạt động của địa phương. Bà đã tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm phát triển kinh tế để mọi người làm theo. Bởi vậy, gia đình bà luôn được mọi người quý trọng.

Còn rất nhiều gia đình tiêu biểu khác trong việc đóng góp xây dựng cộng đồng, xây dựng quê hương, góp phần phát triển kinh tế xã hội thành phố. Đây là những hạt nhân tích cực, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

Hàng năm, thành phố Hà Nội đã tôn vinh các gia đình tiêu biểu trong xây dựng hạnh phúc gia đình, có nhiều đóng góp cho xã hội, khơi dậy và nhân lên những nét đẹp văn hóa gia đình.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định trong quá trình lịch sử, gia đình Việt Nam đã hun đúc nên nhiều giá trị truyền thống hướng tới mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi gia đình. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, công tác gia đình ngày càng góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh hiện đại.

Người Hà Nội dù ở thời kỳ nào cũng vậy, luôn trân trọng giá trị của đạo đức, giá trị gia đình. Dù có giai đoạn bị xô lệch do tác động của nhiều yếu tố nhưng cuối cùng văn hóa ứng xử vẫn trở về với giá trị gốc.

Thành phố Hà Nội đang nỗ lực để xây dựng, bồi đắp văn hóa ứng xử, trong đó có văn hóa gia đình nhằm giữ gìn truyền thống từ xưa để lại và phát huy tốt trong giai đoạn mới. Văn hóa Hà Nội, trong đó có văn hóa gia đình luôn là giá trị bất biến của người Tràng An./.

Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)