Giáo sư người Anh Duncan Haldane, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2016 đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Ông đã có buổi trao đổi thú vị với phóng viên TTXVN xoay quanh chủ đề nghiên cứu khoa học và chuyến công tác của mình.
Giáo sư cho biết, ông nhận lời tham dự Hội nghị khoa học quốc tế “Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện” theo lời mời của “Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam.”
Hội thảo là một trong những hoạt động thuộc chương trình “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 18” đang diễn ra tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, với sự tham gia của gần một trăm nhà khoa học trong và ngoài nước.
Với lối nói chuyện khiêm nhường và dí dỏm, Giáo sư Haldane cho rằng làm khoa học là một con đường “dài,” nhiều khó khăn, vất vả, song cũng rất thú vị. Để có thể thành công trên con đường này, theo vị giáo sư đang giảng dạy tại Đại học Princeton (Mỹ), người làm khoa học, trong đó có các nhà khoa học trẻ, các sinh viên Việt Nam trước hết phải có niềm đam mê đối với khoa học.
Giáo sư chia sẻ, ông theo đuổi con đường nghiên cứu trước hết cũng vì đam mê và ông cũng không đề ra mục tiêu nghiên cứu để đạt giải Nobel, dù đây là một giải thưởng danh giá và uy tín hàng đầu thế giới, là niềm mơ ước của các nhà khoa học. Chính vì thế, khi nghe tin mình là một trong ba nhà khoa học nhận giải Nobel Vật lý năm 2016, ông cũng cảm thấy khá bất ngờ, thậm chí có phần hơi “sốc.”
Bên cạnh niềm đam mê, theo Giáo sư Haldane, người nghiên cứu khoa học còn phải có sự chuẩn bị tốt. Đó là sự đầu tư nghiêm túc, chu đáo và bài bản cho công tác nghiên cứu của mình. Hay nói cách khác là phải chăm chỉ, tận tâm với công việc của mình.
“Có được sự chuẩn bị tốt, khi cơ hội đến, bạn mới có thể nhận biết và nắm bắt được nó,” giáo sư nói.
[Nobel Vật lý 2021 tôn vinh nghiên cứu về các hệ thống vật lý phức tạp]
Cũng theo giáo sư Haldane, may mắn cũng là một yếu tố góp phần làm nên thành công. Điều này đúng trong cuộc sống nói chung và trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói riêng.
Giáo sư nói, sự may mắn có thể được hiểu là có cơ hội được tiếp xúc, làm việc cùng hoặc được sự hỗ trợ, hướng dẫn của những người có kinh nghiệm, những nhà khoa học hàng đầu. Và may mắn còn được thể hiện ở việc “đưa ra đúng câu hỏi để tìm câu trả lời,” hay nói cách khác là chọn đúng hướng đi cho mình trong công tác nghiên cứu.
Một điều mà Giáo sư tâm đắc nữa, đó chính là vai trò “truyền lửa” của các thầy cô giáo. Nếu giáo viên có thể tạo ra và mang đến niềm cảm hứng học hành, nghiên cứu khoa học cho học sinh, đó sẽ là một khởi đầu rất quan trọng. Nó có thể ảnh hưởng và đi theo học sinh suốt cuộc đời. Rất nhiều nhà khoa học thành danh là những người may mắn được học những thầy cô biết cách truyền lửa đam mê cho họ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trong thời gian làm việc tại Trung tâm ICISE, Giáo sư Haldane đã dành thời gian giao lưu với các sinh viên và cả học sinh địa phương. Ông cho biết, các học sinh sinh viên đã hỏi ông rất nhiều câu hỏi thú vị. Ông nhận thấy niềm đam mê đối với khoa học của các bạn trẻ Việt Nam.
Trao đổi về chủ trương phát triển khoa học của Việt Nam, Giáo sư Haldane cho rằng, việc thành lập Trung tâm ICISE là một ví dụ tốt. Mô hình này đã có ở một số quốc gia như Pháp. Những trung tâm như vậy tạo điều kiện cho các nhà khoa học nói chung, trong đó có các nhà khoa học Việt Nam, có cơ hội giao lưu, tiếp xúc và trao đổi với nhau. Điều này rất quan trọng đối với công tác nghiên cứu, phát triển khoa học, nhất là trong thời đại ngày nay.
Trong công tác tổ chức hoạt động của Trung tâm ICISE, Giáo sư cho rằng, cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của phía Việt Nam vì điều này sẽ giúp ích cho các nhà khoa học Việt Nam.
Cũng theo Giáo sư Haldane, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển khoa học kỹ thuật của các nước. Trong đó có việc gửi sinh viên đi đào tạo tại những quốc gia có nền khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển hơn. Quá trình học tập và nghiên cứu không chỉ cho họ kiến thức, mà còn giúp họ có được những mối liên hệ với giới khoa học nước ngoài, điều này rất quan trọng và có ích cho họ sau này. Sau khi các sinh viên học xong trở về nước, Giáo sư Haldane khuyến nghị, nên trao cho họ những vị trí “hấp dẫn.”
Đối với các sinh viên lựa chọn ở lại nước ngoài sau khi học xong vì có điều kiện để phát triển hơn nữa con đường nghiên cứu, có thể hợp tác với họ khi họ đạt đến trình độ cao hơn, có thể là trình độ tầm cỡ thế giới. Khi đó họ sẽ hợp tác với giới nghiên cứu trong nước, hỗ trợ sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong nước theo một cách thức khác.
Bên cạnh đó, Giáo sư cho rằng, Việt Nam cũng cần đầu tư thành lập những trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học hiện đại, tầm cỡ, tạo điều kiện cho giới nghien cứu khoa học trong nước và những người học ở nước ngoài trở về có điều kiện tốt để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học./.