Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp đòi hỏi các nhà làm luật chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Đặc biệt, cần có tư duy quản lý linh hoạt, không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm."
Mâu thuẫn nội tại "cấm-không cấm"
Hệ thống pháp luật đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp. Luật cởi mở, quy định thông thoáng thì doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển, mở rộng hoạt động. Luật bó hẹp, có nhiều điều khoản hạn chế, cấm đoán thì các doanh nghiệp hoạt động chật vật, khó khăn và luôn phải tìm cách "lách luật" để tồn tại, phát triển.
Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động bình thường theo quy định pháp luật, nhưng rồi khi Luật sửa đổi lại vấp phải nhiều cấm đoán, hạn chế từ chính những quy định trước đây mình được phép làm, thậm chí những cấm đoán này còn mâu thuẫn với nhiều quy định hiện hành.
Một trong những đơn vị bảo hiểm hàng đầu ở Việt Nam hiện nay là Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Abic) cũng vướng phải tình trạng như vậy.
Ông Đỗ Minh Hoàng - thành viên Hội đồng quản trị Công ty Abic - cho biết Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, tại Điều 15, khoản 5 đã quy định về việc: "Cấm gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức."
Trước đây, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 cho phép các tổ chức tín dụng được góp vốn, mua cổ phần hoặc được làm ủy thác, làm đại lý trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm (tại Điều 103, Điều 106) và không có quy định cấm gắn các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với sản phẩm ngân hàng.
Do vậy, trong nhiều năm qua, kênh phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng đã góp phần phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm mạnh mẽ, hầu như các ngân hàng thương mại đều có hoạt động kinh doanh bảo hiểm dưới nhiều mô hình như: thành lập công ty con, công ty liên kết, làm đại lý bảo hiểm... để bán các gói sản phẩm tài chính hoặc bán chéo các sản phẩm ngân hàng và bảo hiểm.
Mặt khác, tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cũng không có quy định cấm hành vi bán bảo hiểm qua ngân hàng (Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm). Tại Điều 5, khoản 1 của Luật này còn quy định "Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm."
Tại Nghị định 46/2023/NĐ-CP ngày 1/7/2023 của Chính phủ và Thông tư 67/2023/TT-BTC ngày 2/11/2023 của Bộ Tài chính không cấm phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua Ngân hàng và đưa ra nhiều cơ chế, chính sách để giám sát, kiểm soát hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Tại Điều 111, Điều 113-Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 đã cho phép ngân hàng được góp vốn, mua cổ phần hoặc làm đại lý để tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm, mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm.
Tuy nhiên, quy định "cấm gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức" tại Điều 15, khoản 5 cũng tại Luật này đã gây cho các doanh nghiệp sự lúng túng, khó khăn để vận dụng trong thực tiễn.
Cụ thể, hoạt động phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng thương mại bị hạn chế, cán bộ ngân hàng e ngại khi tư vấn khách hàng về gói các giải pháp tài chính, hạn chế phát triển các dịch vụ ngoài tín dụng của ngân hàng. Điều này khiến cho giảm khả năng bảo vệ vốn vay của ngân hàng, ảnh hưởng đến doanh thu của các công ty bảo hiểm, giảm tính cạnh tranh của ngân hàng và bảo hiểm, gây thách thức trong việc quản lý rủi ro của ngân hàng, khó khăn trong việc nâng cao nhận thức và thói quen tham gia bảo hiểm của người dân...
Theo ông Đỗ Minh Hoàng, như vậy, mặc dù Điều 15, khoản 5 của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 hướng đến bảo vệ quyền lợi của khách hàng, song việc áp dụng quá cứng nhắc có thể ảnh hưởng không chỉ đến ngân hàng và công ty bảo hiểm mà còn tác động đến chính khách hàng khi họ không có sự bảo vệ tài chính cần thiết trong các trường hợp bất ngờ.
Giảm thiểu can thiệp hành chính vào thị trường
Trước đây, khi xe ôm công nghệ (Grab, Uber…) mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam, nhiều tỉnh, thành trên cả nước loay hoay không biết quản lý như thế nào để cân bằng giữa các mô hình kinh doanh nên đã ra quyết định cấm tạm thời và hạn chế giờ hoạt động của xe ôm công nghệ.
Tuy nhiên, sau một thời gian cấm đoán, thị trường ngầm bắt đầu nở rộ, xe công nghệ hoạt động chui, rủi ro về an toàn giao thông tăng lên vì các tài xế phải liên tục đánh võng, lẩn tránh cơ quan chức năng…
Do vậy, các địa phương phải điều chỉnh lại chính sách. Thay vì cấm, hạn chế hoạt động, chính quyền địa phương yêu cầu các ứng dụng phải đăng ký kinh doanh, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đóng thuế, đảm bảo quyền lợi cho cả tài xế và khách hàng. Cách giải quyết này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giúp xã hội phát triển ổn định, cân bằng hoạt động giữa mô hình xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ, mà không cần dùng đến biện pháp cực đoan "không quản được thì cấm."
Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, cần mở rộng khái niệm ban hành luật theo hướng nâng cao những giá trị chung, phổ quát và những giá trị công bằng mà con người theo đuổi; lấy lợi ích của con người, lợi ích của đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự quản lý của Nhà nước và thực tiễn đời sống làm cơ sở để điều chỉnh các quy định pháp luật.
Bản thân giới chức trách cũng cần chủ động trong phạm vi mình được giao nhiệm vụ quản lý, không để bị bó hẹp trong các văn bản quy định pháp luật. Bởi lẽ, nếu cứ phải xem xét có quy định thì mới làm, mới triển khai… thì luôn luôn bị ảnh hưởng bởi tư duy "không có thì cấm."
Để làm được điều này, đòi hỏi phải thay đổi tư duy làm luật theo hướng luật không chỉ để quản lý mà phải kiến tạo cơ chế, môi trường nhằm khuyến khích sự phát triển sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực của xã hội, đồng thời, phải xóa bỏ tư duy "không quản được thì cấm" trong soạn thảo văn bản pháp luật. Nếu "cấm" những vấn đề mang tính quy luật, mang tính tất yếu khách quan, sẽ tạo ra môi trường hoạt động "chui," trói chặt tinh thần sáng tạo, hạn chế sự phát triển của các nhân tố mới, tích cực.
Nhằm thay đổi tận gốc rễ những suy nghĩ và các hành động đó, phải nâng cao vai trò chủ động và tự chủ của các chủ thể trong cuộc sống, trong thị trường và trong xã hội. Nhà nước không cần làm thay, không cần quản lý quá chi tiết như hiện nay, mà để cho xã hội tự chủ, doanh nghiệp chủ động giải quyết những vấn đề của mình mà không đòi hỏi, không yêu cầu Nhà nước phải can thiệp, phải hỗ trợ, phải giúp đỡ. Khi xã hội càng tự chủ thì Nhà nước càng bớt gánh nặng và bớt sự can thiệp của mình vào xã hội.
Lúc đó, các quy định của pháp luật sẽ bớt chi tiết, tính cấm đoán trong pháp luật cũng giảm nhẹ. Thay vào đó, Nhà nước tạo dựng hành lang, tạo lập động cơ để cho các chủ thể tự vận động, tự tìm kiếm mưu cầu hạnh phúc và lợi ích của mình trong xã hội.
Giai đoạn trước mắt có thể có sự mâu thuẫn giữa các quyền tự chủ với một giá trị chung hoặc một trật tự chung được sắp xếp từ trước. Nhưng sự ổn định trật tự ấy không tạo ra xung lực để chúng ta thay đổi. Không có sự thay đổi thì không có phát triển. Sự đổi mới, sáng tạo thường hay bị "va quệt" với trật tự cũ, với sự an toàn được thiết lập trước đó.
Để cân bằng giữa 2 vế "mới-cũ" này, tư duy lập pháp cần có sự hài hòa giữa đảm bảo trật tự an toàn với sự thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trong đó chú trọng tạo tiền đề và khích lệ sự tự chủ của mỗi một cá nhân, mỗi một chủ thể trong cộng đồng, như vậy mới từ bỏ được tư duy "không quản được thì cấm."
Với cách đổi mới tư duy lập pháp này, Quốc hội sẽ thẳng thắn nhìn nhận vấn đề còn hạn chế trong khi thực hiện các chức năng của mình để có thể thay đổi, làm mới, tạo dấu ấn lập pháp, mở ra cơ hội cho đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên của kiến tạo sự thịnh vượng bền vững, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước./.
Nguồn: Giao quyền tự chủ trong hành lang Nhà nước pháp quyền | Vietnam+ (VietnamPlus)