Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Nhịp cầu lan tỏa thông điệp nhân ái

16:19 - 19/12/2024

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu phân tích, trong thực hành đạo Phật, hiến mô tạng là hành động thiết thực thể hiện tình yêu thương nhân loại, sự sẻ chia và lòng vị tha của mỗi con người.

Hàng nghìn tăng ni, Phật tử tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Hàng nghìn tăng ni, Phật tử tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Từ hơn 2.000 năm trước, Phật giáo đã du nhập, bén rễ, lan tỏa và hòa quyện trong đời sống dân gian của người Việt, tư tưởng vô ngã, vị tha, bình đẳng, từ bi đã thấm sâu vào tiềm thức của cư dân Việt qua các thế hệ, thực sự hòa làm một với dân tộc, tạo nên nền văn hóa Việt đầy tính nhân bản và đậm đà bản sắc.

Là một trong những hệ tư tưởng điển hình trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, tinh thần Phật giáo in đậm, tạo nên một sắc thái riêng trong các lĩnh vực văn hóa dân gian, văn học nghệ thuật, văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực... Trên đất nước ta, qua các ngôi chùa, lễ hội và nghi lễ truyền thống, Phật giáo đã tạo ra một không gian để người Việt tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống.

Gieo trồng những hạt giống từ bi trong tâm hồn mỗi người

Có mặt tại Chùa Quán Sứ từ rất sớm, mặc trên mình bộ quần áo nâu sòng giản dị, cẩn thận viết từng dòng chữ ghi tên mình vào tờ giấy đăng ký hiến mô tạng sau khi qua chết não, bà N.V.T. (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, với bà Phật giáo không chỉ là một tôn giáo mà còn là một triết học và lối sống. Với tư duy về sự thức tỉnh, lòng khoan dung và tình thương yêu, Phật giáo đã thấm nhuần vào những giá trị cốt lõi của văn hóa và đời sống.

 

“Sau nhiều lần nghe phật pháp và các sư thầy giảng về Đạo Phật, về bố thí tôi thấy cần làm một việc gì có ý nghĩa sau khi qua đời là việc đăng ký hiến mô tạng. Bởi khi đến thời điểm chúng ta về với cát bụi, nếu như tạng của mình còn có thể dùng để cứu chữa cho những người khác mà lại đem hoả thiêu thì thật lãng phí. Vì vậy, tôi rất hoan hỉ khi đăng ký hiến tạng bởi đến thời điểm nào đó, nếu mình không còn trên đời này, ít nhất sẽ cứu sống được những người khác, như vậy sự ra đi của tôi cũng không vô ích. Việc đăng ký hiến tạng ở chùa lại càng ý nghĩa hơn,” bà T. cho hay.

phat-tu-htg-lowo.jpg
Nhiều phật tử có mặt tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) đã nhiệt tình tham gia đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không chỉ bà T. mà có rất nhiều phật tử khác có mặt tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) cũng nhiệt tình tham gia đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết trong nhiều năm qua, tăng ni, phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực đăng ký hiến mô, tạng cứu người. Hưởng ứng lễ phát động đăng ký hiến mô, tạng cứu người của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với thông điệp "cho đi là còn mãi", ngày 25/6 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức ký kết phối hợp công tác với Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam. Nội dung ký kết là cơ sở để Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam 63 tỉnh, thành phố cả nước tổ chức vận động tăng ni, phật tử đăng ký hiến mô, tạng cứu người. Hoạt động nhằm hưởng ứng lời kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với thông điệp “cho đi là còn mãi”.

Chia sẻ về việc hiến mô, tạng cứu người, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu phân tích trong thực hành đạo Phật, hiến mô tạng là hành động thiết thực thể hiện tình yêu thương nhân loại, sự sẻ chia và lòng vị tha của mỗi con người. Đây là pháp môn bố thí nội tài vô cùng quý báu, giúp gieo trồng những hạt giống từ bi trong tâm hồn mỗi người. Khi đăng ký hiến mô tạng là chúng ta đã buông bỏ sự chấp thủ vào thân xác, thể hiện xác quyết giáo vô ngã, vô thường của Phật giáo. Hơn nữa, hiến mô tạng còn là cơ hội sau cùng khi có thể để mỗi người thực hành hạnh bố thí mang lại quả lành vô lượng cho người hiến tạng. Theo lời Phật dạy, người hiến tặng mô tạng sẽ được hưởng phước báo vô biên, công đức vô lượng.

ky-ket-2.jpg
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu kêu gọi toàn thể tăng ni, Phật tử hãy tích cực đăng ký hiến mô tạng cứu người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Tôi kêu gọi toàn thể tăng ni, Phật tử ngay bây giờ hãy tích cực đăng ký hiến mô tạng cứu người - cho đi là còn mãi", Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu chia sẻ.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nhấn mạnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng các cơ quan, tích cực vận động, tuyên truyền sâu rộng trong các tổ chức Phật giáo trên cả nước, từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, thành phố và quận, huyện; các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước để nâng cao nhận thức của phật tử và nhân dân về ý nghĩa nhân văn to lớn của việc hiến mô tạng.’

Để mọi người hiểu rõ hơn về việc hiến tặng mô tạng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự - Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã có bài thuyết pháp về lợi ích của việc hiến mô, tạng cứu người trong giáo pháp của Đức Phật.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm ghi nhận và tán dương công đức chương trình trong việc vận động tuyên truyền tăng ni, phật tử hiến tặng mô, tạng và khẳng định đây là việc làm rất thiết thực để mỗi người được thực hành hạnh Bồ Tát đạo, nuôi dưỡng Bồ đề Tâm, sống vị tha đúng với tinh thần của Giáo hội Phật giáo việt Nam là “phụng vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Các tăng ni, phật tử hưởng ứng và cùng đăng ký hiến tạng, mong rằng mỗi người là một vận động viên để chương trình ngày càng được lan toả sâu rộng.

hoa-thuong-thich-bao-nghiem.jpg
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có bài thuyết pháp về lợi ích của việc hiến mô, tạng cứu người trong giáo pháp của Đức Phật. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngay sau lễ ký kết, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã khởi động việc đăng ký hiến mô, tạng trực tiếp và online tại các cơ sở Phật giáo trên toàn quốc. Chỉ ít phút sau, tại buổi lễ đã có 365 phật tử đăng ký hiến mô, tạng.

Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô và bộ phận cơ thể người bày tỏ: "Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng công cuộc hiến ghép tạng ở Việt Nam sẽ bước sang một trang mới với trách nhiệm và với tình cảm "Cứ cho đi rồi sẽ được nhận, không nhận gì thì cũng đã được cho."

Thực hành từ bi một cách thiết thực

Tại buổi lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn dẫn chứng: “Đức Phật đã dạy rằng không có việc gì cao quý hơn việc cứu mạng sống của người khác. Việc hiến tặng mô, tạng cứu người chính là một hành động thể hiện lòng từ bi cao cả đó. Khi chúng ta hiến tặng một phần cơ thể của mình để cứu sống hoặc cải thiện cuộc sống của người khác, chúng ta đang thực hành từ bi một cách thiết thực và cụ thể nhất. Không những vậy, việc hiến tặng mô, tạng còn mang lại lợi ích cho chính bản thân chúng ta. Hiến tặng mô, tạng là đang gieo những hạt giống của lòng từ bi và tình thương, chắc chắn rằng chúng ta sẽ gặt hái được những quả ngọt trong tương lai.”

Thứ trưởng Bộ Y tế mong rằng với vai trò và uy tín, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ là nhịp cầu yêu thương để lan tỏa thông điệp nhân ái, khuyến khích Phật tử và người dân tham gia hiến tặng mô, tạng.

hien-tang-10.jpg
Mỗi người là một đại sứ, một người truyền lửa để lan tỏa thông điệp cho đi là còn mãi đến mọi người xung quanh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Hiến tạng là một sự kết hợp giữa truyền thống văn hóa, đạo đức và tinh thần từ bi của Phật giáo với khoa học y học hiện đại để mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Mọi người hãy nghĩ đến những bệnh nhân đang từng phút, từng giờ chờ đợi trong tuyệt vọng, hãy nghĩ đến những gia đình đang mong ngóng một phép màu. Chúng ta có thể trở thành những người mang lại phép màu đó, chúng ta có thể trở thành những người cứu sống mạng người. Mỗi người chúng ta hãy là một đại sứ, một người truyền lửa để lan tỏa thông điệp cho đi là còn mãi đến mọi người xung quanh. Trong tinh thần từ bi và vị tha của đạo Phật, tôi xin kêu gọi tất cả chúng ta hãy mở lòng đối với việc hiến tặng mô, tạng," Giáo sư Thuấn phân tích.

Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác vận động hiến tặng mô, tạng. Ngành y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội để triển khai các chương trình hiến tặng mô tạng để bảo đảm chương trình đạt được hiệu quả và bền vững. Với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, sẽ ngày càng có nhiều người sẵn sàng hiến tặng mô, tạng, góp phần cứu sống hàng ngàn mạng người và mang lại niềm hy vọng cho những bệnh nhân đang chờ đợi.

kk-chuan.jpg
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức ký kết phối hợp công tác với Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chương trình phối hợp giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam nhằm tăng cường công tác tuyên truyền tới chức sắc, tăng ni, cộng đồng phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa nhân văn cao đẹp của việc hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người, từ đó, phát tâm tự nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết/chết não, hiến xác khi qua đời, đồng thời đẩy mạnh công tác thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thời gian qua, Phật giáo Việt Nam đã hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng để khẳng định và phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa, nguồn lực Phật giáo như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Trong bối cảnh của đời sống ngày nay, vai trò của Phật giáo trong văn hóa và đời sống tâm linh của người Việt vẫn tiếp tục quan trọng và có ý nghĩa to lớn. Qua nhiều thế kỷ, Phật giáo đã không chỉ là một phần không thể thiếu của văn hóa dân tộc mà còn là một nguồn tinh thần động viên và hướng dẫn cho cuộc sống cá nhân và xã hội./.

Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Nhịp cầu lan tỏa thông điệp nhân ái | Vietnam+ (VietnamPlus)