Gian nan tái chế phế liệu nhựa
15:46 - 01/07/2024
Tái chế nhựa mang đến nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý đúng cách. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hiệp hội Nhựa Việt Nam) |
Thời gian qua, người dân tại thôn Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc phải sống chung với mùi khét ám ảnh từ hành vi đốt rác thải nhựa.
Được biết, thôn Đông Mẫu có hai làng nghề tái chế nhựa, trong đó 100 hộ làm nghề thu mua phế liệu, 41 hộ tái chế nhựa.
Còn tại thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên - điểm đến lớn nhất của rác thải nhựa trên cả nước, mỗi ngày hàng trăm cột khói đen bốc lên nghi ngút, đó cũng là lúc những nhà xưởng tái chế hoạt động hết công suất.
Với gần 500 hộ dân tham gia vào quá trình sản xuất, tái chế nhựa, tình trạng những bãi rác chất thành núi, ô nhiễm nguồn nước, không khí là điều không thể tránh khỏi.
Trên thực tế, dù đã được cảnh báo liên tục về vấn đề ô nhiễm nhưng việc luôn phải sống trong cảnh mịt mờ khói bụi, những “núi” rác nhựa khổng lồ, phế liệu nhựa rải khắp các con đường, dòng sông đặc quánh vì chất thải và nước thải… là câu chuyện của hầu hết các làng nghề tái chế nhựa tại Việt Nam.
Chưa kể, các làng nghề tái chế nhựa còn thải ra lượng lớn vi nhựa, các hoá chất độc hại vào nước, đất và không khí.
Trước thực trạng 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nhựa Việt Nam vẫn phải nhập khẩu, tái chế nhựa là giải pháp góp phần giúp nhựa được tái lưu thông.
Nhưng mặt khác, phần lớn quá trình tái chế nhựa tại các làng nghề diễn ra tự phát, manh mún, không tuân thủ một mô hình khoa học hay quy trình tái chế chuẩn hoá nào đã và đang để lại nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống người dân, dẫn đến nghịch lý càng tái chế, càng ô nhiễm.
Vấn đề xử lý tái chế nói chung và xử lý tái chế phế liệu nhựa nói riêng còn nhiều bất cập. Điển hình ở các địa phương có làng nghề tái chế nhựa, nguồn lực đầu tư cho hoạt động thu gom và xử lý chất thải làng nghề chưa được quan tâm đúng mức.
Hầu hết các làng nghề vẫn sử dụng công nghệ, trang thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, đa phần lực lượng lao động của ngành tái chế nhựa hiện nay có trình độ thấp, tay nghề chưa cao, gây khó khăn trong việc cải thiện hiệu quả tái chế.
Như việc thu gom phế liệu nếu được thực hiện bởi lao động thiếu đào tạo chuyên sâu sẽ có thể dẫn tới hiện trạng ô nhiễm môi trường thứ cấp chứ chưa nói đến các công đoạn tiếp theo.
Trước hàng loạt phản ánh của người dân, báo chí về tình trạng ô nhiễm kéo dài tại các làng nghề, một số địa phương đã tiến hành thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các làng nghề, cơ sở tái chế nhựa không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.
Tổ chức và thực hiện các biện pháp thu gom chất thải nhựa trên các sông, ao, hồ, rạch, kênh, mương,... Các cấp chính quyền đã có sự quan tâm, dành nguồn kinh phí nhất định cho các hoạt động tái chế nhựa tại địa phương.
Đồng thời tuyên truyền đến người dân làng nghề nâng cao ý thức trách nhiệm, chung tay thực hiện hiệu quả việc thu gom, xử lý chất thải đúng quy định.
Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng này cần có giải pháp căn cơ, ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa tái sinh Việt Nam nhận định, việc đưa quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) vào Luật Bảo vệ Môi trường 2020 là động lực thúc đẩy làng nghề hình thành các doanh nghiệp tái chế bảo đảm môi trường, tạo ra thị trường thu gom phế liệu triệt để hơn.
Dưới sức ép của quy định, các làng nghề tái chế không chuyển đổi sẽ không nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, thậm chí còn bị xử phạt nặng hơn.
Đồng thời, nếu vẫn còn hoạt động theo kiểu manh mún cũng sẽ không thể cạnh tranh được với những cơ sở tái chế chuyên nghiệp có công cụ và quy trình tốt.
Trong bối cảnh Việt Nam là một nước đang phát triển, cơ sở quản lý chất thải chưa tốt, tái chế tại các làng nghề đang còn ô nhiễm, quy định EPR có thể là niềm hy vọng giải quyết dứt điểm vấn đề. Bởi để cạnh tranh trong lĩnh vực tái chế, cơ sở tái chế tại các làng nghề ở Việt Nam cần tự “làm mới mình”, thay đổi công nghệ và tuân thủ pháp luật về môi trường. |