Từ nhiều năm nay, phòng, chống oan sai là một chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong công tác tư pháp được nêu rõ trong nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng.
Quán triệt chủ trương này, các cơ quan tố tụng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tình trạng oan sai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.
Kiên quyết khắc phục tình trạng oan sai
Tại Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 8/11/1993 của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, đã yêu cầu: “Đối với người phạm tội phải xử lý chính xác, nghiêm minh, kịp thời… bắt, giam giữ đúng pháp luật và xét xử đúng người, đúng tội; chấm dứt tình trạng bắt oan người vô tội; không trấn áp tràn lan, đồng thời không để lọt tội phạm.”
Chỉ thị số 53-CT/TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ một trong những công việc cấp bách cần phải làm là: “Tăng cường chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong hoạt động điều tra, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, kiên quyết khắc phục tình trạng oan sai.”
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, đã yêu cầu: “Hoạt động công tố phải thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.”
Đặc biệt, tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 khẳng định: “Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người; đồng thời, là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa.”
[TAND tỉnh Bạc Liêu phải bồi thường hơn 1,1 tỷ đồng do kết án oan sai]
Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử… nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.”
Quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, thời gian qua, các cơ quan tư pháp đã có nhiều bước chuyển mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, xét xử đúng người, đúng tội, là cán cân bảo vệ công lý và bảo vệ quyền nhân thân. Tuy nhiên, tại một số nơi vẫn còn để xảy ra một số vụ án oan, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Giải pháp đồng bộ
Qua giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định tình hình oan, sai trong trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử chủ yếu do trình độ pháp luật và năng lực nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ tư pháp còn hạn chế, chưa được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên.
Một bộ phận điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật; có biểu hiện bệnh thành tích, nôn nóng trong giải quyết vụ án. Việc phối hợp liên ngành trong một số trường hợp chưa đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định pháp luật, còn một chiều, thiếu sự chế ước, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp.
Có những trường hợp, hồ sơ vụ án hình sự đưa ra tòa còn nặng về buộc tội và tại phiên tòa kiểm sát viên còn tập trung vào bảo vệ cáo trạng. Điều đó dẫn tới nguyên tắc suy đoán vô tội và quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong một số trường hợp khó được bảo đảm.
Trước thực tế này, các cơ quan tư pháp đã chủ động siết chặt công tác quản lý, kiểm soát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật; đồng thời, thẳng thắn sửa sai khi mắc sai sót, sớm điều tra lại khi thấy thiếu căn cứ buộc tội… nhằm đem lại niềm tin cho người dân vào hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ cần phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng tăng quyền, trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi, quyết định tố tụng của mình.
Theo Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 12, 13), muốn giảm oan sai trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, cần thiết phải đảm bảo quyền độc lập của các cơ quan tố tụng, cho những người tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, khi được hoạt động độc lập rồi thì những người tham gia tố tụng phải đảm bảo thực hiện tốt, đúng quy định của pháp luật. Cho họ quyền nhưng họ cũng phải đảm bảo nghĩa vụ, có trách nhiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Đây là 2 mặt của một vấn đề, nhằm kiểm soát oan sai, những người tham gia tố tụng phải độc lập và phải tuân thủ pháp luật. Nếu không tuân thủ thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Pháp luật đã quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của người tham gia tố tụng. Người làm oan sai phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và pháp luật. Qua đó, nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan chủ quản trong lĩnh vực này, trong tổ chức thực hiện cũng như giám sát thực hiện.
Điều đáng nói là khi những người tham gia tố tụng tuân thủ pháp luật thì pháp luật phải hoàn thiện, đầy đủ, đồng bộ. Pháp luật quy định chặt chẽ thì những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có muốn làm sai cũng không dám làm sai.
Thách thức lớn với cơ quan tố tụng
Mới đây, ngày 20/3/2023, tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh việc chống oan sai, không bỏ lọt tội phạm là chủ trương, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ.
Tuy nhiên, trên thực tế hai yêu cầu này có sự mâu thuẫn với nhau, đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm sẽ dễ dẫn đến oan sai. Cũng vì thế, vừa đấu tranh mạnh mẽ không để lọt tội phạm vừa chống oan sai là thách thức lớn với các cơ quan tiến hành tố tụng khi thực hiện chức năng nhiệm vụ.
Để giảm thiểu oan sai cho người dân, những người tham gia tố tụng cần thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp do Luật Tố tụng hình sự quy định, gắn chặt công tác công tố với điều tra; làm tốt khâu thụ lý tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế oan sai, lọt tội phạm ngay từ đầu.
Mặt khác, người tham gia tố tụng cần xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ theo cả 2 hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc và áp dụng những nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ, không được suy diễn; chứng cứ đến đâu xử lý đến đó; không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế và bảo đảm đúng pháp luật.
Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường thanh tra nghiệp vụ để phát hiện oan sai và bỏ lọt tội phạm để ngăn chặn kịp thời.
Thêm vào đó, để hạn chế oan sai và bỏ lọt tội phạm, mỗi cá nhân tham gia tố tụng cần nâng cao trách nhiệm của, người đứng đầu đơn vị nêu cao trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp oan sai.
Tất cả những giải pháp này nhằm tạo một môi trường minh bạch, công bằng trong đấu tranh, xử lý tội phạm, khơi mạch niềm tin của nhân dân vào Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân./.
Bài 1: Ánh sáng cuối đường hầm
Bài 2: Đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội
Bài 3: Tháo gỡ bức xúc, ngăn chặn điểm nóng
Bài 5: "Tấm khiên" bảo vệ quyền nhân thân