Giảm lệ phí trước bạ và viễn cảnh khó trọn vẹn của ngành ô tô

12:19 - 05/06/2023

Ô tô lắp ráp trong nước gần như chắc chắn sẽ có lần thứ ba được giảm lệ phí trước bạ. Đó là một tin vui song cũng rất khó để kỳ vọng vào một viễn cảnh hoàn toàn tích cực.

 

Ngày 1/6/2023, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 4019/VPCP-KTTH gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong đó truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái liên quan đến kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ô tô lắp ráp trong nước.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 30/5/2023, trình Chính phủ trước ngày 15/6/2023.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đồng ý về đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị định như kiến nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 97/TTr-BTC ngày 31/5/2023.

Như vậy, dựa trên các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, nhiều khả năng mặt hàng ô tô CKD sẽ sớm được giảm 50% lệ phí trước bạ và thời gian áp dụng có thể sẽ từ ngày 1/7 và kéo dài đến hết ngày 31/12/2023 tương tự 21 khoản phí và lệ phí khác đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Thông tư. Riêng quy định về lệ phí trước bạ ô tô sẽ có một Nghị định riêng.

Thị trường ô tô trong nước đang rơi vào trạng thái cạn kiệt sức cầu.

Thị trường ô tô trong nước đang rơi vào trạng thái cạn kiệt sức cầu.

"Cứu cánh" cho công nghiệp ô tô trong nước

Có thể nói, nếu chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ được áp dụng, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ thoát được gánh nặng chi phí để vượt qua năm 2023 nhiều chông gai.

Theo quan điểm của Bộ Công Thương, cơ quan quản lý các ngành công nghiệp trong đó có công nghiệp ô tô, các doanh nghiệp ô tô trong nước đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Thực trạng tồn kho đang ở mức rất cao khi lên đến hàng chục nghìn xe, bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng gặp không ít trở ngại về tiếp cận vốn, lãi suất tăng cao hay tỷ giá và lạm phát có những tác động tiêu cực…

Khi sức mua ô tô được đánh giá đã rơi xuống cực hạn, bản thân các doanh nghiệp ô tô đang phải tự "rút ruột" để giảm giá, khuyến mại cho khách hàng. Đối với các hãng xe lớn, số tiền "đổ" vào các đợt khuyến mại kéo dài lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thực tế cũng cho thấy, chính sách hỗ trợ 50-100% lệ phí trước bạ mà hầu hết các doanh nghiệp đang áp dụng tương đương với 5-12% giá bán xe đang khiến các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh kiệt sức.

"Không thể gượng được nữa. Chúng tôi đã phải cắt giảm gần như toàn bộ các chi phí có thể cắt giảm như marketing, truyền thông, lương thưởng… để dồn nguồn ngân sách cho giảm giá, khuyến mại. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, sức chống chịu sẽ không còn. Trên thực tế, tình trạng cắt giảm nhân sự đã bắt đầu diễn ra ở một số hãng xe và chính bản thân chúng tôi. Vì vậy, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ từ Chính phủ có thể xem là cứu cánh giúp các doanh nghiệp ô tô tồn tại qua giai đoạn vô cùng khó khăn hiện nay", lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn chia sẻ.

Tại một cuộc họp báo hồi giữa tháng 5/2023 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhận định trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí cũng có doanh nghiệp đang đứng trước ranh giới của sự sống còn.

"Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền, có thể nhiều doanh nghiệp sẽ không thể duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cho biết.

Viễn cảnh khó trọn vẹn

Đối với bản thân các doanh nghiệp ô tô trong nước, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ rõ ràng là một cứu cánh, thậm chí trở thành một bức tường ngăn một vài doanh nghiệp không rơi vào tình trạng đóng băng toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhưng trong một cái nhìn toàn cảnh, đợt giảm lệ phí trước bạ thứ 3 nếu được áp dụng cũng sẽ khó tạo nên những tác động hoàn toàn tích cực, ít nhất là như 2 lần trước vào các giai đoạn từ ngày 28/6 - 31/12/2020 từ ngày 1/12/2021 - 31/5/2022. Đây cũng chính là lý do mà mới đây, tại Tờ trình số 97/TTr-BTC gửi Thường trực Chính phủ ngày 31/5/2023, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục kiến nghị chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô CKD.

Liên quan đến vấn đề ngân sách, theo Bộ Tài chính, việc giảm lệ phí trước bạ ô tô CKD sẽ gây khó cho đa số địa phương.

Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp lượng ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường tăng lên, qua đó sẽ tăng nguồn thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, thực tế số thu từ thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ tập trung ở 8 địa phương có các nhà máy ô tô lớn là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương và TP.HCM.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, khoản thu lệ phí trước bạ thuộc về ngân sách địa phương và khi giảm mức thu lệ phí trước bạ, số thu lệ phí trước bạ sẽ chỉ tăng ở 11 địa phương, 52 địa phương còn lại đều giảm. Bộ Tài chính cũng cho biết, thực tế đã có một số địa phương kiến nghị ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.

Lệ phí trước bạ xe CKD được giảm 50% sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trút bớt gánh nặng chi phí và tồn kho năm 2023.

Lệ phí trước bạ xe CKD được giảm 50% sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trút bớt gánh nặng chi phí và tồn kho năm 2023.

Việc giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô CKD cũng sẽ dẫn đến các bức xúc của khối doanh nghiệp ô tô nhập khẩu, cụ thể là vấn đề phân biệt đối xử.

Thực tế cũng cho thấy, sau các kiến nghị giảm lệ phí trước bạ ô tô CKD, nhóm các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng (VIVA) Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã kiến nghị thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) để đảm bảo nguyên tắc đối xử theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

"Nếu tiếp tục thực hiện trong năm 2023 thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc điều chỉnh chính sách này như một khoản trợ cấp của Chính phủ và có thể một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam tiếp tục gửi các yêu cầu, khiếu nại", Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Liên quan trực tiếp đến thị trường ô tô, cũng theo Bộ Tài chính, tác động tích cực từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ là có nhưng sẽ không nhiều.

Có thể thấy ở giai đoạn hiện nay, lực cầu ô tô đã khác nhiều so với 2 năm trước, giai đoạn áp dụng 2 lần giảm mức thu lệ phí trước bạ ô tô CKD. Hiện tại, nhu cầu mua sắm phương tiện của người tiêu dùng đang rất thấp nên việc tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô CKD giai đoạn hiện nay dự báo khó có thể phát huy được tác dụng kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng như giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, việc tăng thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT sẽ không thể đạt được như trước, giai đoạn cả thế giới đều phải chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, để có nguồn bù đắp cho việc giảm lệ phí trước bạ. Theo đánh giá, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô CKD có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu lệ phí trước bạ về mặt chính sách là 8.727 tỷ đồng).

Những diễn biến trên thị trường thời gian qua cũng cho thấy nhận định của Bộ Tài chính là có cơ sở.

Trên thực tế, trong suốt 3 tháng trở lại đây, hầu hết các doanh nghiệp ô tô đều đã tự bỏ tiền túi để hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách mua xe, thậm chí mức hỗ trợ lên đến 100%, tức tương đương với 10-12% giá xe. Có nghĩa là, giá xe thực tế thời gian qua đã giảm rất sâu, người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn so với mức giảm thu lệ phí trước bạ 50% trong trường hợp chính sách mới được áp dụng.

Thế nhưng, dù được giảm giá rất sâu kèm theo nhiều quà tặng, khuyến mại khác từ trực tiếp các đại lý, lượng ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường không những không hồi phục mà còn suy giảm. Thống kê từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hyundai Thành Công và VinFast cho thấy, tổng lượng ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường tháng 4/2023 chỉ đạt 30.799 chiếc, giảm 16,2% so với tháng liền kề trước đó và tụt sâu đến 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý là cú tụt dốc của thị trường ô tô tháng 4 diễn ra ngay trong bối cảnh giá xe đã giảm hết khả năng có thể từ động thái tự "cắt máu" của các doanh nghiệp. Bởi vậy, chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô CKD nếu được Chính phủ áp dụng cũng sẽ khó tạo được những tác động thực sự tích cực, cụ thể là thúc đẩy sức mua ô tô tăng cao.

Tất nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu Chính phủ áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ trong khi các doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì các đợt giảm giá liên tu bất tận như hiện nay, bức tranh toàn cảnh của ngành ô tô Việt Nam nửa cuối năm 2023 sẽ có nhiều gam màu tươi sáng hơn.