Cục Cảnh sát giao thông cho biết sau 2 tháng thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và các sự kiện lớn của đất nước, tai nạn giao thông đã giảm cả ba tiêu chí.
Trong gần hai tháng thực hiện cao điểm (từ ngày 15/11/2022 đến ngày 12/01/2023), cả nước xảy ra 1.854 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.026 người, bị thương 1.323 người. So sánh với 2 tháng trước liền kề, giảm 121 vụ (6,12%), giảm 41 người chết (3,84%), giảm 86 người bị thương (6,10%).
Trong số này, đường bộ xảy ra 1.838 vụ, làm chết 1.015 người, bị thương 1.319 người, giảm 121 vụ (6,17%), giảm 36 người chết (3,43%), giảm 88 người bị thương (6,25%); đường sắt xảy ra 15 vụ, làm 11 người chết, bị thương 3 người, tăng 4 vụ, giảm 3 người chết, tăng 3 người bị thương; đường thủy xảy ra 1 vụ, làm bị thương 1 người, giảm 4 vụ, giảm 4 người chết, giảm 1 người bị thương so với thời gian trước liền kề.
Trong quá trình tuần tra kiểm soát-xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 521.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền gần 1.000 tỷ đồng, tước giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn 90.957 trường hợp; tạm giữ 6.676 ôtô, 128.420 môtô, 15 phương tiện thủy.
[Tai nạn trên cao tốc, tài xế bị thương mắc kẹt trong cabin nhiều giờ]
Trên tuyến đường bộ xử lý 509.759 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 900 tỷ đồng; tước 90.861 giấy phép lái xe; tạm giữ 6.676 ôtô, 128.420 môtô (các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông xử lý 5.357 trường hợp; phạt tiền hơn 20 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 2.744 trường hợp, tạm giữ 176 phương tiện).
Trong đó, thực hiện chuyên đề xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn, Cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý 80.672 trường hợp vi phạm, chiếm 15,83% tổng số vi phạm, (gồm xe tải 291 trường hợp; xe con 3.639 trường hợp; xe khách 49 trường hợp; xe container 34 trường hợp; xe môtô 75.997 trường hợp …); phạt tiền gần 400 tỷ đồng.
Thực hiện chuyên đề xử lý phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ, lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý 18.012 trường hợp, chiếm 3,53% tổng số vi phạm; phạt tiền gần 100 tỷ đồng. Trong số này, chở hàng quá trọng tải 9.857 trường hợp; quá khổ giới hạn 3.281 trường hợp; tự ý cải tạo phương tiện 508 trường hợp; tháo, cắt thùng xe 491 trường hợp (tự giác tháo cắt 330 trường hợp, cưỡng chế 161 trường hợp); hạ tải 6.257 trường hợp.
Về vi phạm tốc độ trên đường bộ, Cảnh sát giao thông đã xử lý 84.649 trường hợp vi phạm (xe tải 9.190 trường hợp; xe con 31.356 trường hợp; xe khách 2.053 trường hợp; xe container 514 trường hợp; xe môtô 41.446 trường hợp); phạt tiền gần 150 tỷ đồng; tạm giữ 276 ôtô, 1.849 môtô; tước giấy phép lái xe 26.398 trường hợp.
Trên tuyến đường sắt, có 616 trường hợp bị xử lý, phạt tiền gần 500 triệu đồng. Trên tuyến đường thủy đã xử lý 10.649 trường hợp, phạt tiền gần 15 tỷ đồng. Trong đó, các Thủy đoàn thuộc Cục Cảnh sát giao thông xử lý 267 trường hợp, phạt tiền gần 400 triệu đồng.
Trong công tác đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông, Cảnh sát giao thông đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng chức năng khác phát hiện 282 vụ phạm pháp hình sự, kinh tế, ma túy, bắt giữ 311 đối tượng; 205 vụ, 93 đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại; 30 vụ, 21 đối tượng vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ; 89 vụ, 109 đối tượng vận chuyển pháo nổ trái phép; 29 vụ, 32 đối tượng khai thác, vận chuyển cát, khoáng sản trái phép; 15 vụ 45 đối tượng nhập cảnh trái phép.
Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; xác định việc tập trung xử lý đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, xe quá khổ, quá tải, cơi nới thùng xe là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho người dân, trọng tâm là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành Luật Giao thông.
Bên cạnh đó, Cảnh sát giao thông tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ thông tin trong công tác, nhất là ứng dụng hệ thống camera giám sát, lưu trữ, đánh giá hình ảnh kiểm soát trật tự an toàn giao thông, thống kê tai nạn và ùn tắc giao thông; nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong việc quản trị, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giao thông, tập trung quản lý thống nhất các dữ liệu đăng ký xe, tai nạn giao thông, xử lý vi phạm; nghiên cứu giảm bớt các thủ tục hành chính cho người dân khi giải quyết các thủ tục hành chính về giao thông./.