Liên quan đến tình trạng ngập trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, nhà đầu tư, đơn vị quản lý vận hành dự án này đang nỗ lực khắc phục sự cố đồng thời đề xuất các giải pháp chống ngập lâu dài cho tuyến cao tốc huyết mạch ở khu vực phía Nam Thủ đô này.
Huy động tối đa trạm bơm để thoát nước
Theo báo cáo của Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ (đơn vị quản lý, vận hành tuyến cao tốc), hôm nay (11/9), mực nước ngập ở một số vị trí này đạt trung bình 0,3m, có vị trí ngập sâu từ 0,5-0,8m. Đặc biệt, đoạn Km191 đến Km192m ngập sâu cả hai chiều.
Với mức ngập hiện tại, xe tải, xe khách, xe ôtô 7 chỗ hầm cao vẫn có thể lưu thông trên tuyến. Xe ôtô con gầm thấp được hướng dẫn quay đầu di chuyển ra Quốc lộ 1, sau đó đi vào cao tốc tại nút giao Thường Tín. Phương tiện từ các tỉnh phía Nam vào Hà Nội thì ra ở nút giao Vạn Điểm (Km204, huyện Thường Tín) hoặc nút giao Thường Tín (Km193).
Theo thống kê của Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, nếu ngày 4/9, lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đạt gần 79.000 lượt thì đến ngày 7/9, ảnh hưởng bởi bão số 3, lượng phương tiện giảm còn gần 18.000 lượt.
Sau khi bão kết thúc, lưu lượng xe trên tuyến tăng trở lại trong hai ngày 8/9 và 9/9 lần lượt là hơn 38.800 lượt và gần 64.000 lượt.
Đến ngày 10/9, ảnh hưởng bởi mưa lớn, tuyến cao tốc xuất hiện tình trạng ngập, lưu lượng phương tiện lại giảm, chỉ đạt hơn 39.200 lượt phương tiện.
Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến, đơn vị quản lý vận hành đã phối hợp với lực lượng chức năng 24/24 phân luồng phương tiện tại đầu cửa ngõ Pháp Vân và khu vực Vạn Điểm.
Nhằm khắc phục tình trạng ngập trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ đang đã đề nghị cơ quan chức năng địa phương phát huy tối đa công suất các trạm bơm ở khu vực.
“Theo rà soát, khu vực hiện có 6 trạm bơm (một trạm có 6 bơm nước); trong đó một số trạm cần khắc phục sửa chữa thêm để hoạt động ổn định. Các bên đang rất nỗ lực để sớm đưa giao thông trên tuyến cao tốc hoạt động ổn định trở lại,” lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin-nhà đầu tư dự án) chia sẻ.
Đề cập đến giải pháp chống ngập lâu dài cho tuyến cao tốc, lãnh đạo Công ty Phương Thành Tranconsin cho biết trước đây, tại khu vực vị trí ngập đã được tính phương án nâng cao độ mặt đường thêm 1m. Tuy nhiên, việc nâng cao độ phải thực hiện xử lý nền đất yếu bằng cọc xi măng đất, chi phí phát sinh thêm khoảng 140 tỷ đồng. Vì thế, cơ quan có thẩm quyền quyết định chỉ thực hiện các giải pháp kỹ thuật tăng cường chất lượng mặt đường, việc nâng mặt đường chưa được triển khai.
Đánh giá hiện nay tình hình bão lũ diễn biến ngày càng phức tạp, với vai trò là tuyến cao tốc huyết mạch ở khu vực phía Nam Thủ đô, Công ty Phương Thành Tranconsin kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam xem xét, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho nhà đầu tư nghiên cứu, thực hiện phương án nâng mặt đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ (khu vực bị ngập) lên tối thiểu 0,5m so với mặt đường hiện hữu, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi điều kiện thời tiết.
Sớm nâng cao độ nền đường một số đoạn thiết yếu
Theo ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, nguyên nhân ngập cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ do nước lũ tại hạ lưu các sông dâng cao gây ngập cả khu vực nên việc tiêu thoát sẽ chậm. Vì vậy, giải pháp thoát nước cục bộ tại chỗ khó thực hiện.
“Nhà đầu tư cần nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng thoát nước của công trình. Trường hợp phải giải quyết thoát nước tổng thể của khu vực phải rốt ráo làm việc với địa phương. Trước mắt nhà đầu tư nghiên cứu bổ sung công trình thoát nước, nghiên cứu khả năng tiêu thoát nước nhờ các trạm bơm cưỡng bức của địa phương,” ông Thái nói.
Trường hợp không giải quyết được ngập, ông Thái giao nhà đầu tư nghiên cứu cải tạo công trình bằng việc nâng cao độ nền đường một số đoạn thiết yếu.
Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Khu Quản lý đường bộ 1 phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) theo sát tình hình, tiếp tục tập trung lực lượng điều tiết giao thông, đảm bảo cho phương tiện lưu thông an toàn.
“Trong trường hợp tuyến cao tốc này ngập sâu hơn nữa cần tính đến giải pháp đóng đường,” ông Thái nhấn mạnh./.