Giải mã bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” qua những tín hiệu thẩm mỹ của thiền học
09:20 - 14/10/2024
Bài thơ Thiên Trường vãn vọng (Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra) được nhà thơ sáng tác khi về thăm quê nhà ở phủ Thiên Trường. Bài thơ được sáng tác bằng chữ Hán theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Với bút pháp miêu tả tinh tế, qua một vài nét chấm phá đơn sơ, tác phẩm đã vẽ lên cảnh buổi chiều thanh bình, êm ả ở một làng quê (phủ Thiên Trường).
Trần Nhân Tông (1258 – 1308) Pháp hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, người đương thời tôn xưng là Giác Hoàng Điều Ngự. Ông là con trưởng của Trần Thánh Tông và là vị vua thứ ba của triều Trần, đồng thời cũng là người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng ở Việt Nam. Đương thời, ông đã cùng với vua cha trực tiếp lãnh đạo quân dân nhà Trần tiến hành cuộc kháng chiến đánh bại quân Nguyên - Mông xâm lược Đại Việt lần thứ hai vào năm 1285 và lần thứ ba vào năm 1288 làm nên những chiễn thắng oanh liệt, lẫy lừng thế giới. Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, dù ở lĩnh vực chính trị hay văn hoá, Trần Nhân Tông luôn hiện lên như một vì tinh tú, kiệt xuất và lỗi lạc với muôn nghìn ánh hào quang lấp lánh để người đời ngưỡng vọng.
Thơ của Trần Nhân Tông có Đại hương hải thi ấn tập và Trần Nhân Tông thi tập nhưng đều không còn. Theo các tư liệu còn lại chúng ta mới chỉ tìm thấy 31 bài thơ cùng hai cặp câu thơ lẻ, không kể số thơ kệ. Đọc thơ Trần Nhân Tông người ta thấy chủ yếu là tiếng nói trữ tình với những “ưu ái” đặc biệt cho thiên nhiên. Tuy nhiên, đây là những vần thơ của người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm cho nên dù có “ưu ái” cho cảnh sắc thiên nhiên đến đâu thì thấp thoáng, ẩn chứa trong những cảnh sắc đó chúng ta vẫn thấy hiện lên những bóng dáng tư tưởng của Thiền đạo. Bởi thế xem thơ của Trần Nhân Tông người ta thấy chất “đời” và chất “đạo” (Thiền) xoắn quện với nhau, khó tách bạch như thể “hai trong một”. Bài thơ Thiên Trường vãn vọng (Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra) có thể là một minh chứng tiêu biểu cho điều đó. Để lý giải một cách rõ ràng, đồng thời cũng thấy được cái xoắn quyện của chất “đời” và chất “đạo” ấy chúng ta phải giải mã những tín hiệu thẩm mĩ của Thiền đạo mà nhà thơ đã sử dụng để xây dựng hình ảnh và làm nên cấu tứ của bài thơ. Có như vậy ta mới hiểu đầy đủ hơn về cốt cách và tâm hồn rộng mở của đấng quân vương - Phật tổ luôn nặng tình với đất nước, quê hương.
Nguyên văn:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lí quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.
Dịch nghĩa:
Sau thôn trước thôn đều mờ mờ như khói phủ
Bên bóng chiều (cảnh vật) nửa như có nửa như không
Trong tiếng sáo mục đồng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng
Dịch thơ
Trước xóm sau thôn tựa bóng lồng,
Bóng chiều man mác có dường không.
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
(Ngô Tất Tố dịch)
Như chúng ta đã biết, bài thơ Thiên Trường vãn vọng (Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra) được nhà thơ sáng tác khi về thăm quê nhà ở phủ Thiên Trường. Bài thơ được sáng tác bằng chữ Hán theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Với bút pháp miêu tả tinh tế, qua một vài nét chấm phá đơn sơ, tác phẩm đã vẽ lên cảnh buổi chiều thanh bình, êm ả ở một làng quê (phủ Thiên Trường). Bức tranh ấy cảnh vật có vẻ trầm lặng nhưng không gợi sự quạnh quẽ, đìu hiu và ẩn trong cảnh chiều hôm thanh tĩnh là một sự gắn bó, hòa quyện tuyệt diệu của sự sống của con người với cảnh sắc của thiên nhiên. Và qua bài thơ chúng ta sẽ nhận ra một tâm hồn sâu sắc, nhạy cảm, gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã của một đức vua. Tuy nhiên dưới góc nhìn của thiền học, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy bài thơ có tương thông giữa thơ và thiền theo lối “dĩ thi thuyết thiền, dĩ thiền ngụ thi” (dùng thơ để nói thiền, gửi thiền vào thơ). Bởi vậy phía sau bức tranh cảnh vật chiều hôm kia còn ẩn chứa những ý niệm, tư tưởng của thiền môn, được hiển lộ khá rõ qua những tín hiệu thẩm mỹ của thiền đạo.
Trước hết là hai câu thơ đầu của bài thơ. Nhìn thoáng qua, chúng ta thấy đây là bức vẽ cảnh chiều buông ở làng quê Thiên Trường. Cảnh hiện lên với những nét vẽ đơn sơ, nhạt nhòa nhưng giàu sức gợi tả (sau thôn, trước thôn mờ mờ như khói phủ; bên bóng chiều, cảnh vật hiện lên nửa như có nửa như không). Ở đây nhà thơ đã khéo léo sử dụng nghệ thuật điệp ngữ (thôn, bán) kết hợp với nghệ thuật đối (thôn tiền – thôn hậu, bán vô – bán hữu) để vừa hòa điệu êm ái cho câu thơ vừa tạo dựng và mở rộng không gian của bức tranh. Bởi thế màn sương khói mờ ảo của hoàng hôn mới bao trùm được toàn bộ hai phía (trước và sau) của làng quê làm cho cảnh vật “nửa như có nửa như không”. Cảnh chiều tà (tịch dương) đang dần buông được nhà thơ quan sát, thể hiện từ gần đến xa, từ trên cao xuống thấp nên có độ “nhòe”. Và cái “nhòe” này lại là một điều thú vị. Nó khơi gợi lên trong trí tưởng tượng của người đọc cảm nhận về một buổi hoàng hôn đầy hư ảo: bức tranh không nói tới sương nhưng người đọc vẫn tưởng tượng thấy sương chiều, thấy sương từ mặt đất đang bay lên quện với khói khói lam chiều ở các mái rạ; khói/ sương ấy lan tỏa nhẹ nhàng vào cảnh vật và phủ kín không gian làm cho thời khắc giao thoa giữa ngày và đêm của bức tranh đồng quê trở nên vô cùng huyền ảo nhưng cũng hết sức gần gũi thân yêu. Tuy nhiên, ngẫm kĩ, nhìn ở chiều sâu, từ góc nhìn của cái tôi trữ tình là chủ thể đang ngắm cảnh vật (Phật Hoàng Trần Nhân Tông) ta sẽ thấy cảnh này đã được khúc xạ qua tâm thiền. Cái tâm thiền này không chỉ được bộc lộ ở những từ ngữ, khái niệm mang đậm màu sắc của thiền học như thể: “đạm”, “hữu”, “vô”, “tự”, “bán” mà còn được thể hiện ở cách nhìn, sự thể hiện cảnh vật. Những nhà thiền học ít khi nói trực tiếp mà thường “dùng hư nói thực”, “dùng thực nói hư”. Quan niệm này đã từng được Thiền sư Từ Đạo Hạnh thể hiện: “Tác hữu trần sa hữu, vi không nhất thiết không, hữu không như thủy nguyệt, vật trước hữu không không” (Nói có: bụi cát có, nói không: hết thảy không, có, không trăng dưới nước, đừng hỏi có hay không). Trở lại với bài thơ, chủ thể trữ tình cũng chính là chủ thể sáng tạo vốn là một thiền sư đắc đạo như Phật Hoàng thì cảnh kia chắc khó có thể không bị chi phối bởi tâm thiền. Thế nên, cảnh vật buổi chiều hôm trong bài thơ mới cứ như thực nhưng cũng lại như hư. Dưới cái nhìn của thiền học, tạo hóa với cái lẽ “hư vô” như thế hiện lên thật chẳng huyền diệu lắm sao!
Tiếp đến hai câu kết của bài thơ. Nếu ở hai câu đầu của bài thơ là cảnh chiều hôm nhạt nhòa, hư ảo thì ở hai câu kết này là một cảnh hết sức tinh tế, vi diệu về một nét sinh hoạt thuần phác và tràn trề nhựa sống ở thôn quê: đàn trâu đi về trong tiếng sáo của mục đồng và từng đôi cò trắng hạ cánh ung dung xuống cánh đồng. So với cảnh vật ở hai câu đầu, rõ ràng cảnh vật ở đây hiện lên với những âm thanh, sắc màu rất sống động và cụ thể: tiếng sáo mục đồng, trâu về chuồng, cò trắng. Cái tài của thi nhân trong hai câu thơ này là nói ít nhưng lại gợi được rất nhiều. Trần Nhân Tông đã gợi lên trong lòng người đọc về một cảnh thôn quê thanh bình, sung túc, ấm no ... (hình ảnh đàn trâu, những cánh cò chao liệng trên cánh đồng và tiếng sáo vi vu, véo von, dìu dặt ... đã gợi về một cuộc sống ấm no, hòa bình, hạnh phúc, không có chiến tranh; ngoài ra tiếng sáo cũng gợi lên một không gian yên tĩnh, một trạng thái tâm hồn đang ở độ rất thanh thản, nhẹ nhàng). Bức tranh sống động ấy được vẽ lên từ một đức vua, hơn nữa là một người xuất gia thì lại càng có ý nghĩa. Nó cho thấy đức vua, thiền sư Trần Nhân Tông là một người sống gắn bó máu thịt với làng quê, một tâm hồn luôn khát khao hòa nhập với thiên nhiên, với cuộc sống của đời thường. Nhưng, đấy là cái nhìn ở bề nổi. Thực ra, dưới con mắt của thiền học, ẩn phía dưới của phần nổi kia là tảng băng chìm của thiền đạo. Nhà thơ đã mượn thơ để nói thiền, đã dùng những hình ảnh mỹ học của thiền để xây dựng cấu tứ bài thơ. Những hình ảnh của thiền ở đây có thể thấy: mục đồng (trẻ chăn trâu), qui ngưu tận (trâu về nhà), địch lí (tiếng sáo), bạch lộ (cò trắng). Bởi thế đọc hai câu kết này, nhiều người đã liên tưởng tới mười bức tranh chăn trâu nổi tiếng của Thiền đạo (Thập mục ngưu đồ), trong đó đặc biệt là bức tranh thứ sáu. Bức tranh này có tên là “Kỵ ngưu qui gia” (cưỡi trâu về nhà). Nội dung bức tranh này vẽ một chú mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo véo von đi về nhà, cả người và trâu đều vui vẻ. Trong những bức tranh trâu của thiền, từ bức tranh thứ nhất đến bức tranh thứ sáu, ngụ ý rằng: con người sống buông lung theo vọng tưởng để rồi bị chìm đắm trong ngoại cảnh, tâm đi lạc hướng theo cảm xúc, không chủ động, không nắm bắt được nên không thoát khỏi phiền não. Đến một lúc nào đó tỉnh ngộ, muốn đi tìm lại tâm, giống như mục đồng đi tìm trâu. Vốn dĩ từ bao lâu nay đã để mất trâu, đến lúc này đi tìm thì như lạc vào trong rừng rậm, trùng trùng lớp lớp những vọng tưởng bao quanh, không biết đâu là dấu vết của tâm. Nhưng rồi sau bao nhiêu kiên trì, công phu cũng dần lìa ra được vọng tưởng. Khu rừng rậm của tâm cũng trở lên quang đãng, biến thành cảnh giới yên vui, trong mát. Khi ấy giống như mục đồng tìm thấy trâu, giống như hành giả tìm được tâm (thiền gọi là kiến tính). Bức tranh thứ sáu giống như cuộc chiến nội tâm đã đi qua, không còn phải suy tính hơn thua, thắng bại, tốt xấu; không còn phải phân biệt giữa ta và người. Chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo véo von đi về nhà, cả người và trâu đều vui vẻ. Lúc này dù có ai gọi, ai dụ dỗ thì chú và trâu cũng không quay lại, không quan tâm đến nữa. Điều này có nghĩa là hành giả đã thuần hóa được cái ta, hiểu rõ về cái ta; không còn bận tâm là có ai hiểu hay không hiểu về ta nữa. Nói cách khác là con người đã đạt đến độ “minh tâm kiến tính”, quay trở về với “bản tính thanh tịnh”, “đốn ngộ” thành Phật. Cùng với hình ảnh chú mục đồng, tiếng sáo, con trâu, câu kết của bài thơ còn có hình ảnh đàn cò trắng từng đôi liệng xuống đồng cũng mang đậm chất thiền. Cánh cò màu trắng cũng gợi sự hư ảo như lẽ có có không không. Không những thế từng đôi cò chao liệng trong trời chiều lúc hoàng hôn, từ cao xuống thấp như thể kết nối giữa trời và đất, âm và dương. Rất thanh thoát nhẹ nhàng, như thể trút hết mọi bụi trần để đạt đến cảnh giới nhà Phật. Âm thanh tiếng sáo, hình ảnh cánh cò bay từ cao xuống thấp là những yếu tố động. Nhưng chính cái động này lại gợi lên sự yên tĩnh, tĩnh lặng của không gian. Phải chăng, nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật lấy động để tả tĩnh này nhằm gợi lên cho ta thấy cái tư tưởng “tĩnh lặng”, “đối cảnh vô tâm”, “tâm thân lưỡng vọng” của thiền học.
Thơ và thiền vốn có mối lương duyên với nhau từ rất lâu. Các thiền sư thường dùng thơ để nói về thiền. Trong trường hợp bài thơ này của Trần Nhân Tông có lẽ cũng không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên khác với các thiền sư khác, trước khi làm thiền sư, Trần Nhân Tông còn là một đức vua đã từng xông pha trận mạc để giữ yên bờ cõi, bảo vệ chúng dân cho nên chất “đời” và chất “đạo” trong thơ người khó mà tách bạch rõ ràng. Như một lẽ thường tình, triết lí của thiền học ngấm sâu vào tư tưởng ông và nó cũng đi vào thơ một cách rất tự nhiên. Chính cái tự nhiên ấy đã làm cho những tư tưởng thiền được diễn đạt một cách rất gần gũi với “đời”, như “đời”, không hề giáo điều, gò bó, cứng nhắc, khô khan. Có lẽ thơ ấy cũng đã giúp cho chúng sinh dễ tìm đến được với con đường giác ngộ, thấy được phật ở trong nhà, phật ở trong ta. Bởi vậy muốn hiểu sâu về bài thơ, thấy được các tầng lớp nghĩa của bài thơ chúng ta không thể bỏ qua những tín hiệu thẩm mỹ của thiền học khi giải mã tác phẩm.
https://www.vanhoavaphattrien.vn/giai-ma-bai-tho-thien-truong-van-vong-qua-nhung-tin-hieu-tham-my-cua-thien-hoc-a20945.ht