Gia vang the gioi chung kien tuan giao dich 'toi te' nhat trong thang hinh anh 1Một cửa hàng kim hoàn ở Khartoum, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dù khởi động tuần mới khá thuận lợi song các số liệu kinh tế mới nhất của Mỹ cho thấy dường như không có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ xoay chiều chính sách và tiếp tục đẩy mạnh việc nâng lãi suất, qua đó tạo áp lực giảm cho giá vàng trong các phiên giao dịch sau đó.

Phiên phục hồi vào cuối tuần không giúp giá vàng thoát khỏi tuần giao dịch tồi tệ nhất trong bốn tuần qua.

Đồng USD suy yếu đã tạo cơ hội cho vàng đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần này. Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng vẫn bị hạn chế bởi tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước khi số liệu về lạm phát của Mỹ được công bố.

Giá vàng thế giới quay đầu giảm hơn 1% trong phiên giao dịch liền sau đó (ngày 13/9) trong bối cảnh đồng USD bật tăng sau khi giá tiêu dùng tháng 8/2022 của Mỹ bất ngờ tăng, làm củng cố đồn đoán Fed sẽ tích cực tăng lãi suất.

[Giá vàng châu Á kéo dài chuỗi giảm sang phiên thứ tư liên tiếp]

Bộ Lao động Mỹ ngày 13/9 công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 của nước này tăng nhanh hơn dự kiến, củng cố khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào tuần tới.

CPI tháng 8/2022 tăng 0,1% so với tháng 7/2022, trái ngược với dự đoán giảm 0,1% của các nhà phân tích.

Tuy nhiên, so với tháng 8/2021, chỉ số này chỉ tăng 8,3%, sau khi tăng 8,5% trong tháng 7/2022.

Không tính các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi tăng lên 6,3% so với mức 5,9% trong tháng 7/2022, gia tăng sức ép lên Fed trong việc tiếp tục tăng lãi suất.

Tai Wong, nhà giao dịch cấp cao tại công ty kinh doanh kim loại quý Heraeus Precious Metals ở New York (Mỹ), cho rằng giá vàng có thể giao dịch trong phạm vi 1.690-1.700 USD/ounce trong ngắn hạn khi đồng USD có thể ghi nhận mức cao mới trong bối cảnh Fed thắt chặt tiền tệ vào tuần tới.

Mặc dù vàng được xem là rào cản chống lại lạm phát, song lãi suất ngày càng tăng làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ những tài sản không sinh lời như vàng.

Giá vàng liên tục giảm trong hai phiên liền sau đó và chạm mức thấp nhất hơn hai năm trong phiên 15/9.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 15/9 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã điều chỉnh theo mùa tại nước này trong tuần kết thúc ngày 10/9 giảm 5.000 so với tuần trước đó, xuống 213.000 và là mức thấp nhất kể từ cuối tháng Năm.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ tại nước này bất ngờ tăng 0,3% trong tháng Tám, sau khi giảm 0,4% trong tháng Bảy.

Chỉ số của lĩnh vực chế tạo bang New York theo khảo sát của Fed tại bang này tăng lên mức âm 1,5 trong tháng Chín, so với mức âm 31,3 trong tháng Tám, vượt mức âm 13,8 theo dự báo của các nhà kinh tế.

Các số liệu này càng củng cố lòng tin rằng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất vào cuộc họp sắp tới.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 16/9, giá vàng “ngược dòng” đi lên với mức tăng nhẹ nhờ đồng USD chững lại, song kỳ vọng về đợt nâng lãi suất mạnh của Mỹ đã khiến vàng rớt mốc 1,700 USD/ounce quan trọng và ghi nhận tuần tồi tệ nhất trong 4 tuần.

Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,5%, lên 1.672,48 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,4%, lên 1.683,50 USD/ounce.

Tuy nhiên, giá vàng vẫn giảm 2,5% kể từ đầu tuần đến nay, sau khi từng chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Vàng không tận dụng được lo ngại rủi ro suy thoái Mỹ gia tăng trong tuần, và “thậm chí không được xem là một kênh trú ẩn an toàn” vào dịp này.

Góp phần nâng đỡ giá vàng phiên này là việc đồng USD có lúc giảm nhẹ trước khi chững lại.

Tuy nhiên, “đồng bạc xanh” vẫn ghi nhận mức tăng trong cả tuần qua, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Thị trường cho rằng có tới 75% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào tuần tới và 25% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm.

Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ tăng khi giá vàng trong nước giảm trước các lễ hội quan trọng./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)