Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Lời tựa

10:11 - 29/07/2021

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam.

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Tiểu thuyết "Giã từ" - tác giả Phạm Việt Long

 

PHẠM VIỆT LONG

GIÃ TỪ

TIỂU THUYẾT

 

 

Tiểu thuyết "Giã từ" của Phạm Việt Long phản ánh một giai đoạn chuyển mình của đất nước, từ chế độ quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước. Câu chuyện xoay quanh hoạt động của Tập đoàn Tri thức trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2006. Trong quá trình liên doanh với nước ngoài và quá trình đổi mới doanh nghiệp, tại Tập đoàn này đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa tiến bộ và bảo thủ, giữa cái tốt và cái xấu. Trong xu hướng đi lên của xã hội, Tập đoàn đã có những bước tiến, nhưng phía trước còn nhiều khó khăn. Những thành phần tích cực trong Tập đoàn đã phá vỡ được những mưu đồ đen tối của một số kẻ xấu, dẫn dắt Tập đoàn đi lên. Những kẻ xấu, tuy phải tạm lùi, nhưng vẫn chưa bị lôi hết ra ánh sáng. Cuộc đấu tranh còn ở phía trước...

Trên cái nền chung của bối cảnh xã hội nói trên, tác giả đi sâu vào hai sự kiện, qua đó làm bật lên tính cách của những nhân vật đang đấu tranh với nhau gay gắt. Tuyến sự kiện thứ nhất là cuộc đấu tranh trong liên doanh Bạch Liên, một Liên doanh giữa Tập đoàn Tri thức và đối tác Đài Loan. Nổi bật lên trong cuộc đấu tranh này là Thu Minh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, kiêm Phó Chủ tịch Liên doanh và Lê Đản, Phó Tổng Giám đốc Liên doanh. Qua vụ án mại dâm mà Liên doanh bị các cơ quan chức năng bắt quả tang, nội bộ Liên doanh rối tung lên. Phó Tổng Giám đốc Lê Đản nổi lên như một anh hùng chống mại dâm. Thu Minh thì bị tố cáo là tiếp tay cho người nước ngoài chạy án và o ép người lao động Việt Nam. Không những vậy, Thu Minh còn bị Lê Đản, với sự tiếp tay của cựu Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Phu, vu cáo cho tội lập quỹ trái phép, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Trải qua bao sóng gió, Thu Minh, được sự bảo vệ kiên quyết của Chủ tịch Tập đoàn Mai Chính Trực và nhiều quần chúng tích cực, đã chứng minh được là mình vô tội, không những vậy, còn là người tích cực bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam, là người đã dày công cùng phía đối tác đổi mới quản lý, ngăn chặn tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. Lê Đản hiện nguyên hình là một kẻ xảo trá, tham lam, dâm đãng... và chính là kẻ chủ mưu của những hoạt động tiêu cực, dẫn đến thảm hoạ của Liên doanh. Cuộc đấu tranh giữa Thu Minh và Lê Đản tiêu biểu cho cuộc đấu tranh giữa cái thiện thời bao cấp với cái ác thời thị trường. Tuyến sự kiện thứ hai là cuộc phấn đấu thoát khỏi những lề thói trì trệ của thời bao cấp, để đổi mới, đưa tập đoàn tiến lên. Nổi bật trong cuộc lột xác này là Thu Minh, là Chủ tịch Tập đoàn Mai Chính Trực, là Giám đốc Lãi Nguyên với biệt danh Đại hoạ sĩ lếu tếu, cùng đông đảo quần chúng tích cực đã phấn đấu không mệt mỏi để tiến hành đổi mới doanh nghiệp, trong đó có việc cổ phần hoá các thành viên của Tập đoàn. Trong quá trình cổ phần hoá, ngoài việc phải làm việc miệt mài ngày đêm nhằm hoàn tất các thủ tục hành chính, họ còn phải đau đầu nhức óc tính toán nhằm vận dụng tốt nhất các chế độ chính sách để làm sao có lợi cho người lao động mà không gây tổn hại cho Nhà nước, phải giải quyết những hậu quả nặng nề về tài chính, về tổ chức - nhân sự, về lề thói bảo thủ, bao cấp, lại phải đấu tranh với những mưu ma chước quỷ hòng biến cổ phần hoá thành tư nhân hoá, làm cho cuộc đổi mới của Tập đoàn bước được một bước quan trọng. Là những người gắn bó với thời bao cấp, mang những phẩm chất tốt đẹp của thời đại Hồ Chí Minh, vô cùng thấm thía những thói đen bạc của thời buổi thị trường thực dụng, họ vẫn nhận thấy thời bao cấp đã qua, phải giã từ nó, và phải tự đổi mới mình trên cái nền đạo đức của thời bao cấp để năng động hơn, sáng tạo hơn, vươn lên tiến kịp thời đại mới.

Phạm Việt Long đã xây dựng được những nhân vật điển hình rất sinh động, có cá tính, tạo nên sức lôi cuốn cho tác phẩm. Thu Minh là một phụ nữ tiêu biểu cho lớp phụ nữ thời bao cấp, đồng thời tiêu biểu cho những người hăng hái vươn lên trong thời đổi mới. Trong con người chị, có hai cách sống tưởng như mâu thuẫn với nhau, có lúc đấu tranh với nhau, nhưng tựu trung lại hoà hợp và hỗ trợ nhau để đưa chị vượt qua mọi thử thách mà vươn lên. Đó là lối sống thiên về tình thời bao cấp, một lối sống đầy sơ hở, dễ bị kẻ xấu tấn công, và một bên là lối sống thiên về lý, đòi hỏi phải giầu nghị lực, phải sắt đá để chống lại những mưu đồ đen tối của những kẻ xấu. Nhờ sức khoẻ hơn người trời ban, nhờ nghị lực phi thường, nhờ tấm lòng nhân ái, Thu Minh đã thoát khỏi những cạm bẫy mà Lê Đản cùng những kẻ xấu dăng ra nhằm hãm hại chị và kéo lùi công cuộc đổi mới ở Tập đoàn, không những vậy, còn cùng tập thể lãnh đạo đưa tập đoàn tiến lên một bước quan trọng. Đại hoạ sĩ lếu tếu Lãi Nguyên tiêu biểu cho lớp người biết "tự cứu mình trước khi trời cứu", sớm thực hiện các biện pháp quản lý tiên tiến cho nên chuyển mình khá nhanh từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường. Đằng sau cái vẻ ngoài lếu tếu, "vui là chính", Lãi Nguyên có một bản lĩnh vững vàng, một phương pháp làm việc khoa học, một uy tín cao tạo nên thương hiệu, cho nên anh đã thành công. Chủ tịch Mai Chính Trực được tác giả miêu tả qua các hành động thực tế và suy nghĩ nội tâm, là một người tận tâm với công việc, tận tình với đồng chí, đồng nghiệp và sống trong sạch, lánh xa "văn hoá phong bì", một lòng một dạ vì sự nghiệp của Tập đoàn, nhưng không thể thực hiện đến nơi đến chốn những ý tưởng đổi mới đầy tính nhân văn của mình, do bị cơ chế quản lý ràng buộc và bị những kẻ xấu kìm hãm. Lê Đản được tác giả khắc hoạ sắc nét, đa chiều, sống động bằng thủ pháp miêu tả hành động kết hợp với độc thoại nội tâm, là nhân vật chứa đựng trong tính cách mọi thứ xấu xa của thời buổi thị trường: tham lam, dâm đãng, chạy chọt, nịnh bợ, thủ đoạn hèn hạ. Nhưng, theo thuyết nhân quả, Lê Đản gieo gió lại gặt bão, khi quan thầy của gã là Đại sư phụ tóc đen nhánh bị sa cơ, gã cũng bị lộ diện và phải bỏ trốn, trong khi vợ tự tử vì phát hiện ra rằng mình bị chồng phản bội, con bỏ đi hoang vì nhục nhã trước các hành động xấu xa của bố bị đưa lên mặt báo. Cựu Chủ tịch tập đoàn Hoàng Phu cũng là một nhân vật gây ấn tượng sâu sắc, một nhân vật có một tính cách nhất quán, được bồi đắp từ thưở nhỏ tới khi đã về nghỉ hưu. Đó là con người thâm hiểm, quỷ quyệt, nhiễm vào máu thói đấu đá, lật đổ, vu oan giá hoạ, ham quyền lực và muốn dùng mọi thủ đoạn để níu kéo quyền lực, cũng là nhằm kéo lùi tiến trình phát triển của xã hội. Chính sự toan tính cá nhân và những hành động phản phúc của ông ta đã khiến ông ta trở thành kẻ tâm thần bệnh hoạn, làm khổ vợ con. Đi giữa hai tuyến nhân vật là một nhân vật cũng đầy cá tính. Đó là Tổng Giám đốc Tập đoàn Lý Ngộ Ngộ, một kẻ xu thời, cơ hội, ngu dốt và hợm hĩnh, chỉ muốn bám lấy các đặc quyền đặc lợi mà mình có được từ thời bao cấp, ngầm đứng về phía những kẻ xấu để hãm hại Thu Minh. Kết thúc tác phẩm, Lý Ngồ Ngộ vẫn yên vị ở chức vụ Tổng Giám đốc, nhưng chuẩn bị phải đối mặt với cuộc đấu tranh của những người tích cực đòi bóc trần bộ mặt thật của anh ta.

Nhà văn Phạm Việt Long viết "Giã từ" bằng phương pháp hiện thực, với một bút pháp linh hoạt, vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau, từ tả thực tới huyền ảo, ẩn dụ, phúng dụ, tượng trưng... tạo nên sự đa chiều, sinh động cho tác phẩm. Trong tác phẩm, có chỗ nhà văn kể chuyện, có chỗ nhà văn dựng chuyện, có chỗ nhà văn bình luận, tạo nên sự đa thanh, đa hình cho tác phẩm. Bám sát số phận của các nhân vật, nhà văn miêu tả rất sinh động những nhân vật điển hình bằng những nét chấm phá sắc nét, giống như những bức ký hoạ của một hoạ sĩ tài ba. Đó đúng là những "người lạ quen biết", vừa thực, vừa hư, vừa như là ai đó trong đời nhưng lại là nhân vật hư cấu của tiểu thuyết. Trên cơ sở miêu tả sâu các chi tiết, các số phận, các sự kiện, "Giã từ" đã dựng nên được một bức tranh xã hội khá rộng lớn, mang tính khái quát tương đối cao. Mặc dù tác phẩm đem đến cho người đọc dư vị chua chát bởi thói đời đen bạc, nhưng âm hưởng lạc quan, giầu nhân tính vẫn là âm hưởng chủ đạo, đưa người đọc hướng tới một tương lại tươi sáng. Có thể nói đây là một tiểu thuyết khá thành công ở chỗ vận dụng lối viết cổ điển kết hợp với lối viết hiện đại, vừa tuân thủ những chuẩn mực văn chương, vừa phá bỏ những khuôn mẫu quá chặt chẽ nhằm thể hiện sinh động nhất những nội dung cần chuyển tải.

                       

                                           TS. Nguyễn Hữu Thức

https://vanhoavaphattrien.vn/gia-tu-tieu-thuyet-cua-pham-viet-long-loi-tua-a4667.html