Giá trị thực của 'biển số đẹp'
14:49 - 03/10/2023
Cho đến ngày hôm qua (2/10), 3 người trúng đấu giá biển số 51K-888.88, 30K-555.55 và 30K-567.89 với tổng gần 60 tỷ đồng chưa nộp tiền; theo thông tin do đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) công bố.
Theo luật, các trường hợp này đã hết thời hạn hoàn tất thủ tục tài chính, sẽ mất 40 triệu tiền cọc/trường hợp. Chịu mất tiền cọc là quyền của người đấu giá, xét ở khía cạnh luật pháp. Nhưng xét ở khía cạnh xã hội, trong thị trường “số đẹp, số xấu” là quan niệm của một số người, đây là những trường hợp “đấu cho vui”, thậm chí có thể coi là làm nhiễu loạn “thị trường số đẹp”.
Tại cuộc họp báo quý do Bộ Công an tổ chức hôm qua, đại diện Cục CSGT cho biết, từ 15 - 30/9 có 493 “biển số đẹp” đã được tổ chức đấu giá trực tuyến, tạm tính số tiền thu về 214 tỷ đồng. Hiện 76 người hoàn thành nghĩa vụ tài chính với 16 tỷ đồng và 3 người đã đăng ký xe. Tính trung bình, mỗi biển “số đẹp” có giá 210,5 triệu đồng.
Trong các phiên đấu giá, buổi đầu tiên (15/9) gây chú ý nhiều nhất về mức tiền được trả qua 11 biển số, tổng cộng hơn 82 tỷ đồng. Thế nhưng, 3 người trúng đấu giá biển số 51K-888.88 (32,34 tỷ đồng), 30K-567.89 (13 tỷ đồng) và 30K-555.55 (14,12 tỷ đồng) đến nay chưa nộp tiền. Nói về việc nộp tiền của những người tham gia đấu giá, đại diện Cục CSGT cho hay điều này còn phụ thuộc “sự tự tôn pháp luật và danh dự của khách hàng”, bên cạnh quy định về quyền và nghĩa vụ liên quan đã được giao kết trước khi tham gia đấu giá.
Những ngày đấu giá vừa qua, nhiều lần hệ thống hiện ra kết quả “trúng đấu giá là 0 đồng”. Cục CSGT giải thích đây được xác định là cuộc đấu giá không thành, không xác định được người trúng, nghĩa là có nhiều hơn một người đăng ký tham gia đấu giá nhưng không ai trả giá. Biển số vì thế sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để cấp ngẫu nhiên theo quy định. Với một số biển số trúng đấu giá ở mức 40 triệu đồng nghĩa là chỉ có 1 người đăng ký đấu giá nên biển số đó được chuyển nhượng cho người này bằng giá khởi điểm.
Theo quy định về đấu giá, trong 15 ngày kể từ khi có thông báo kết quả, người trúng phải nộp toàn bộ tiền, sau khi đã trừ khoản đặt trước, vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an. Nhận đủ tiền, Bộ Công an sẽ cấp hóa đơn điện tử bán tài sản công là biển số cho người trúng đấu giá để họ làm thủ tục đăng ký xe. Thời hạn để làm thủ tục đăng ký xe gắn biển trúng đấu giá là 12 tháng.
Người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời hạn 15 ngày hoặc không làm thủ tục đăng ký biển số trong 12 tháng thì kết quả đấu giá bị hủy. Người vi phạm sẽ không được trả lại tiền cọc (40 triệu đồng) hoặc tiền trúng đấu giá đã nộp. Biển số trúng đấu giá nhưng bị hủy kết quả sẽ được đưa ra đấu giá lại. Biển đưa ra đấu giá nhưng không có người tham gia sẽ thu hồi về kho số để cấp ngẫu nhiên.
Hơn nửa tháng tổ chức đấu giá “số đẹp”, cho thấy nhu cầu “số đẹp” của một số người là có thật, nhưng không quá “khủng” đến mức dám bỏ ra cả chục tỷ đồng cho một biển số. Sau thời gian đầu dư luận xôn xao theo dõi, các phiên đấu giá sau độ “hot” cũng giảm dần đi. Thực tế trên cho thấy chủ trương của Quốc hội cho thí điểm đấu giá biển “số đẹp”, là đúng đắn, phù hợp với thực tế, tránh những tiêu cực nhiễu nhương hay những sự “thổi phồng” không đáng có với xã hội.
Nguồn: Pháp Luật Plus - Giá trị thực của 'biển số đẹp' (phapluatplus.vn)