Gia thuc pham toan cau o muc cao ky luc trong nam 2022 hinh anh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Cascais, Bồ Đào Nha. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mặc dù giá thực phẩm trên toàn thế giới đã giảm tháng thứ 9 liên tiếp vào tháng 12/2022, song tính chung cả năm, chỉ số giá lương thực toàn cầu vẫn ở mức cao kỷ lục.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 6/1, mức tăng giá theo tháng của thực phẩm thế giới đã cao kỷ lục trong tháng 3 sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ. Nguyên nhân là do Ukraine là nhà cung cấp lớn bột mỳ và dầu ăn cho thị trường thế giới, trong khi Nga có thế mạnh về xuất khẩu phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Báo cáo của FAO cho thấy chỉ số giá lương thực toàn cầu theo dõi mức thay đổi về giá các loại hàng thực phẩm, đã giảm còn 132,4 điểm trong tháng 12, tức giảm 1,9% so với tháng trước đó và thậm chí còn giảm đã 1% so với tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, chỉ số này trong năm 2022 đã tăng 14,3% so với năm trước và chạm mức cao kỷ lục 143,7 điểm.

[IMF: Kinh tế thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023]

Nhà kinh tế trưởng của FAO Maximo Torero cho rằng giá hàng hóa lương thực bình ổn hơn là điều đáng hoan nghênh sau hai năm nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần duy trì cảnh giác và tập trung mạnh mẽ vào việc giảm thiểu tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu do giá lương thực thế giới vẫn ở mức cao.

Ông Torero cho biết nhiều mặt hàng chủ lực đang ở gần mức cao kỷ lục, giá gạo vẫn tăng trong khi vẫn còn nhiều rủi ro liên quan đến nguồn cung trong tương lai./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)