Gia nhien lieu giam nhiet, ngu dan Thanh Hoa ra khoi tro lai hinh anh 1Ngư dân Thanh Hóa chuẩn bị cho tàu ra khơi khai thác hải sản. (Ảnh minh họa: Hoa Mai/TTVVN)

Từ đầu tháng 9 đến nay, sau khi giá nhiên liệu liên tục được điều chỉnh giảm, hầu như tất cả các phương tiện khai thác thủy sản của tỉnh Thanh Hóa đều đã ra khơi.

Những con tàu cập bến đầy ắp hải sản đang là động lực để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển khai thác thủy sản trở lại.

Có mặt tại Cảng cá Hoằng Trường (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) những ngày đầu tháng 10 chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục chiếc tàu thuyền liên tiếp cập bến trong không khí nhộn nhịp.

Các khay cá, tôm được chuyển lên từ khoang thuyền để phân loại. Trên bến, dưới thuyền kẻ bán, người mua tấp nập. Các ngư dân ở đây cho biết, gần đây, mỗi chuyến đi biển sản lượng đánh bắt đều vượt trội hơn trước.

Một số loại hải sản như tôm he, cá thu, cá vược, cá hố, cá bạc má... có hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập cho nhiều lao động nghề biển. Và thực tế, những con tàu tôm, cá đầy khoang đang tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển.

[Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hối hả đưa tàu vươn khơi sau bão]

Vừa cập Cảng cá Hoàng Trường, ngư dân Lê Văn Cường, chủ tàu TH-91286-TS (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vui vẻ cho biết: “Nhờ giá dầu giảm nên hiện tại mỗi chuyến biển, tàu cá của gia đình tôi tiết kiệm được từ 20-30 triệu đồng tiền nhiên liệu. Chuyến biển vừa rồi đánh bắt được hơn 2 chục tấn cá vược, cá bạc má, cá dưa... lại bán được giá nên sau khi trừ chi phí cũng có dư gần 200 triệu đồng, anh em thuyền viên đều có thu nhập nên ai cũng phấn khởi."

Ngư dân Cao Trọng Thủy (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa) cũng khẳng định: “Xăng dầu hạ nhiệt giúp ngư dân giảm được nỗi lo chi phí khi ra khơi. Tranh thủ bão tan, thời tiết thuận lợi, tôi đang cùng anh em bạn thuyền chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến biển mới. Hy vọng đánh bắt sản lượng cao để kiếm dư chi phí phục vụ nghề.”

Sau khi dỡ hết hải sản đánh bắt được, nhiều tàu thuyền lại tiếp đầy nhiên liệu, chuẩn bị nhu yếu phẩm, chuẩn bị ngư lưới cụ để sẵn sàng xuất bến trong vài ngày tới.

Ông Lê Văn Cường, Trường phòng nông nghiệp huyện Hoằng Hóa cho biết: “Hoằng Hóa là địa phương có số lượng tàu thuyền lớn ở Thanh Hóa với hơn 1.000 phương tiện khai thác thủy sản. Đến thời điểm này, sau khi 'tháo gỡ' được rào cản khó khăn về chi phí do giá nhiên liệu hạ nhiệt thì hầu hết các phương tiện ở Hoằng Hóa đã vươn khơi để đánh bắt hải sản. Những chuyến biển gần đây, nhiều chủ tàu đã có lợi nhuận nên chắc chắn sẽ có thêm nhiều phương tiện vươn khơi."

Còn tại thị xã Nghi Sơn, sau cơn bão số 4, không khí ra khơi ngày càng nhộn nhịp. Địa phương này hiện có trên 2.000 phương tiện khai thác trên biển; trong đó có 348 phương tiện khai thác xa bờ. Việc giá dầu giảm đã giúp những chuyến biển của bà con ngư dân thêm phần lợi nhuận.

Tại các cầu cảng, bờ kè gần khu vực chợ cá, ngư dân tất bật và khẩn trương đưa thủy sản đánh bắt được từ tàu, thuyền lên bờ tiêu thụ hay vận chuyển ngư lưới cụ, đá lạnh, xăng dầu, lương thực, thực phẩm… từ bờ xuống tàu, thuyền để chuẩn bị ra khơi.

Gia nhien lieu giam nhiet, ngu dan Thanh Hoa ra khoi tro lai hinh anh 2(Ảnh minh họa: Khiếu Tư/TTXVN)

Ngư dân Đỗ Lư, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn cho biết: "Giá dầu diesel giảm xuống mức trên dưới 22.000 đồng/lít như thế này là ngư dân chúng tôi rất mừng, chứ giá nhiên liêu cứ cao như nửa năm nay thì ngư dân rất khó khăn. Hiện đang cuối mùa cá Bắc đầu mùa cá Nam, tôi động viên anh em bạn thuyền ra khơi đánh bắt, tranh thủ được chừng nào tốt chừng đó, để bù cho những ngày phải nằm bờ vì giá nhiên liệu cao."

Tỉnh Thanh Hóa hiện có hàng nghìn tàu cá với 24.500 lao động tham gia trực tiếp trên biển. Thanh Hoá cũng là địa phương có cơ cấu nghề khai thác thủy sản rất đa dạng, từ các nghề truyền thống khai thác ven bờ đến các nghề khai thác xa bờ, gồm nghề lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu, nghề chụp…

Theo cập nhật từ các địa phương ven biển trong tỉnh, hiện Thanh Hóa có trên 80% tàu cá vùng khơi, vùng lộng đang hoạt động sản xuất. Đối với tàu cá vùng bờ do công suất nhỏ, ít chịu ảnh hưởng bởi nhiên liệu tăng giá nên vẫn đi khai thác bình thường.

Để việc ra khơi của ngư dân thuận lợi, qua đó khôi phục hoạt động sản xuất có hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã tổ chức hướng dẫn ngư dân sản xuất tổ chức thành đoàn, tổ, đội... khi đi khai thác trên biển để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo ngư dân đẩy mạnh sản xuất đối với một số nghề tiêu tốn ít nhiên liệu. Sử dụng hiệu quả thông tin từ bản tin dự báo ngư trường để giảm bớt chi phí hành trình tìm ngư trường.

Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân ứng dụng công nghệ tiên tiến để bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch cũng như đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển như thu mua sản phẩm, cung cấp dầu, nhu yếu phẩm ngay trên biển để tăng thời gian bám biển, giảm thiểu chi phí nhiên liệu cho tàu cá khi phải về cảng để bốc dỡ sản phẩm.

Ông Lê Văn Sáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa) khẳng định: “Để việc ra khơi của ngư dân thuận lợi, qua đó khôi phục hoạt động sản xuất có hiệu quả, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức hướng dẫn ngư dân đánh bắt theo tổ, đội... khi đi khai thác trên biển để dễ dàng hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân ứng dụng công nghệ tiên tiến để khai thác, bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch. Về lâu dài, để ngư dân an tâm bám biển, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách điều tiết giảm hoặc giữ giá xăng dầu ở mức hợp lý để khích lệ bà con vươn khơi bám biển."

Việc đa phần các phương tiện đã vươn khơi trở lại đang đem đến những tín hiệu vui cho phát triển kinh tế biển. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ như hiện nay, ngư dân trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hoá phần nào được tiếp thêm động lực để tiếp tục ra khơi đánh bắt, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo./.

Hoa Mai (TTXVN/Vietnam+)