Sau khi lạm phát chậm lại trong tháng 12/2022, giá tiêu dùng trong tháng 1/2023 ở Đức đã tăng trở lại, với mức tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết tháng 12/2022, tỷ lệ lạm phát ở nước này đã giảm xuống 8,1% so với mức 10% trong tháng 11/2022 và 10,4% trong tháng 10/2022, thời điểm ghi nhận lạm phát lên đến mức cao kỷ lục trong vòng 70 năm.
Theo Destatis, giá cả giảm là nhờ khoản thanh toán một lần trong khuôn khổ gói cứu trợ của chính phủ với hóa đơn khí đốt mùa Đông của người tiêu dùng trong tháng 12.
Tuy nhiên, tác dụng của gói cứu trợ của Chính phủ Đức dường như đã giảm dần vào tháng 1/2023, khi tỷ lệ lạm phát tăng trở lại lên mức 8,7% và giá hàng tiêu dùng, năng lượng gia dụng cùng một số dịch vụ đồng loạt đi lên.
Chủ tịch Destatis - ông Ruth Brand - giải thích: “Chúng tôi đang chứng kiến xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là giá dịch vụ. Đối với các hộ gia đình, giá năng lượng và thực phẩm tăng khá cao."
[FAO: Giá lương thực thế giới giảm tháng thứ 10 liên tiếp]
Giá năng lượng của các hộ gia đình đã trở nên đắt đỏ hơn trong tháng 1/2023, với mức tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Giá khí đốt tăng 51,7% và người tiêu dùng phải trả thêm 30,6% cho dầu sưởi. Trong khi đó, giá điện đắt hơn 25,7%.
Giá lương thực ở Đức cũng tăng 20,2% trong tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lạm phát đối với hàng tạp hóa vẫn cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ lạm phát chung.
Trong khi đó, giá dịch vụ đã tăng 4,5% trong tháng 1/2023. Chẳng hạn, giá bảo trì và sửa chữa nhà ở tăng 16,9% và dịch vụ nhà hàng tăng 10,9%, cao hơn mức trung bình. Theo thống kê, chỉ có một số dịch vụ, chẳng hạn như viễn thông, đã trở nên rẻ hơn, với mức tăng 1,1%.
Tuy nhiên, một thông tin tích cực hơn cho những người lái xe ở Đức là tốc độ tăng giá nhiên liệu đã chậm lại, với mức tăng trong tháng 1/2023 ghi nhận là 7%./.