Gia Lai: Dam me nghe thuat Wood Resin cua chang trai pho nui hinh anh 1Những sản phẩm Wood Resin độc đáo, đẹp mắt. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Thuật ngữ Wood Resin (hay gọi là gỗ Resin) có lẽ vẫn khá lạ lẫm đối với người Việt Nam. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi môn nghệ thuật này được một chàng trai sống tại vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên chọn làm con đường khởi nghiệp.

Màu sắc trong suốt được nhìn thấu không gian 3D của những tuyệt tác có nguyên liệu từ gỗ và epoxy resin (nhựa nhân tạo dạng lỏng trong suốt) khiến ánh mắt người xem luôn bị cuốn hút từ nhiều góc nhìn.

Chúng tôi đến xưởng sản xuất của anh Nguyễn Quyết Thắng, sinh năm 1990, xã Ia Tô, huyện Ia Grai (Gia Lai) khi anh đang tất bật đơn hàng hơn 100 chiếc đèn ngủ Resin để kịp giao cho khách nước ngoài.

Trước mắt chúng tôi là những thành phẩm đèn ngủ, đồng hồ treo tường, mặt bàn, lục bình... sản phẩm nào cũng khiến người xem phải trầm trồ thán phục về màu sắc cũng như sự độc đáo riêng của nó.

Anh Thắng chia sẻ đây là các tác phẩm nghệ thuật cũng được xem như những đứa con tinh thần của vợ chồng anh. Chúng được tạo ra từ sự kết hợp của gỗ và resin và bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người thực hiện.

Là sản phẩm nghệ thuật thủ công cho nên không có sản phẩm nào giống sản phẩm nào, tất cả đều có những nét nhận dạng riêng biệt, đồng thời cũng cần rất nhiều thời gian để hoàn thành.

 

[Xuất khẩu gỗ kỳ vọng những tín hiệu tươi sáng trong năm 2023]

Cũng vì thế mà các sản phẩm Wood Resin có giá khá cao, chủ yếu phục vụ cho những người đam mê nghệ thuật và có kinh tế từ tầm trung trở lên.

Kể về cơ duyên đến với bộ môn nghệ thuật này, Thắng cho biết đó là một sự tình cờ, cũng có thể là cái duyên với nghề - nghề chọn người. Trước đó, sau khi tốt nghiệp đại học Thể dục thể thao, anh Thắng đã làm cho một vài đơn vị hành chính sự nghiệp nhà nước, một lần tình cờ vào các trang nước ngoài, Thắng thấy thích những sản phẩm Resin nên đã tìm hiểu và đam mê luôn.

Gia Lai: Dam me nghe thuat Wood Resin cua chang trai pho nui hinh anh 2Đèn ngủ Wood Resin do anh Nguyễn Quyết Thắng thực hiện được khách hàng nước ngoài yêu thích. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Theo tìm hiểu, Resin có thể kết hợp với rất nhiều loại nguyên liệu khác nhau để cho ra thành phầm mình mong muốn như gỗ, đá, nhựa, sứ... vì nó có tính liên kết, kết dính khi từ dạng lỏng chuyển sang khô.

Với ý tưởng tận dụng những nguyên liệu có sẵn và cũng là đặc trưng Tây Nguyên, Thắng chọn gỗ, đặc biệt là gỗ từ các gốc cà phê già cỗi tái canh hoặc những cây gỗ người dân bỏ đi. Trước đây, muốn làm một tác phẩm nghệ thuật từ gỗ thì phải chọn được gỗ tốt, thế đẹp và đủ kích cỡ mới làm được. Nay Thắng có thể làm ra một tác phẩm từ những thanh gỗ không lành lặn, kết nối chúng lại nhờ resin.

Một sản phẩm Wood Resin được thực hiện qua rất nhiều công đoạn, tất cả đều được làm thủ công. Nếu làm một sản phẩm đơn giản như mặt bàn tạo hiệu ứng sóng biển hay đèn ngủ thì chỉ mất khoảng 5-7 ngày/sản phẩm, còn những sản phẩm cần sự cầu kỳ, vẽ cá, con vật hiệu ứng 3D thì phải mất nửa tháng, thậm chí là 1-2 tháng mới xong.

Mỗi lần vẽ xong một lớp thì phải trải một lớp keo Resin trong suốt lên rồi chờ 1 ngày sau mới khô để vẽ lớp thứ hai. Cứ thế, nếu bức tranh cầu kỳ có thể có từ 12-25 lớp vẽ mới hoàn thiện khâu trang trí, sau đó sẽ đổ resin lên đóng khối toàn bộ sản phẩm, để khô theo khuôn, thợ lành nghề sẽ tiện theo mẫu, rồi sau đó đến khâu đánh bóng, hoàn thiện.

Chia sẻ về nghề, Thắng cho biết, năm 2016, tận dụng thời gian rảnh rỗi sau giờ làm việc, Thắng tìm tòi học hỏi kinh nghiệm trên mạng và nhờ sự hỗ trợ mỹ thuật của cô vợ chuyên ngành thiết kế, Thắng quyết tâm học làm Wood Resin.

Những sản phẩm ngô nghê đầu tay bị hỏng không làm Thắng nản chí. Thắng cho hay, có đợt chưa quen tay, sơ suất ở khâu làm khung, khi đổ resin lên, tất cả resin đều chảy ra ngoài hết, anh chỉ biết đứng nhìn vì resin không thể phục hồi. Nhưng tất cả những khó khăn, vất vả đã tôi luyện nên một tinh thần vững chắc như chính những sản phẩm Wood Resin mình làm ra, Thắng ngày một vững tay nghề.

Đổi lại sự vất vả tìm tòi, học hỏi, đánh đổi thời gian, công sức miệt mài, các sản phẩm vợ chồng Thắng làm ra nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khách hàng trong và ngoài nước.

Các đơn hàng cứ thế tăng dần, Thắng nghỉ việc nhà nước để toàn tâm toàn ý cho việc sáng tác nghệ thuật. Bù cho những năm tháng vất vả ngược xuôi học nghề, nay Thắng có thể làm nhiều sản phẩm cùng lúc, vì biết phân chia công đoạn, kinh tế cũng từ đó phát triển hơn.

Gia Lai: Dam me nghe thuat Wood Resin cua chang trai pho nui hinh anh 3Các sản phẩm Wood Resin do anh Nguyễn Quyết Thắng thực hiện. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Bây giờ, khi mua hàng tấn resin để sản xuất hàng, Thắng không cần phải đau đầu xoay vốn như xưa nữa. Khách hàng của Thắng chủ yếu là người nước ngoài, đặc biệt là châu Âu, có những du khách đã tìm tới tận xưởng sản xuất của Thắng để được trải nghiệm một số công đoạn thực hiện sản phẩm.

Những sản phẩm có thiết kế về khung cảnh, tạo khối sẽ do Thắng đảm nhiệm, còn những sản phẩm cần sự tỉ mỉ, vẽ trang trí mỹ thuật thì vợ Thắng sẽ hỗ trợ chồng. Hai vợ chồng cùng một sở thích, đam mê đã làm nên những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc.

Ví dụ một chiếc mặt bàn tròn, những chiếc thố cá tròn được ghép nhặt từ những nu gỗ cà phê rồi đổ resin nền vẽ đàn cá nhìn rất sống động. Nhìn góc nào cũng thấy rõ từng vây, vảy, ánh mắt cũng như chiếc râu rung rinh trước miệng của đàn cá đang bơi dưới nền đá, sỏi, nước trong xanh - hình ảnh 3D sống động là điểm nhấn cho tác phẩm được vợ Thắng kỳ công thực hiện rất nhiều ngày.

Hoặc những chiếc lục bình tròn, dài đủ kích cỡ được kết nối giữa nu càphê và Resin thành những mảng màu sáng tối, xanh tím, long lanh đẹp mắt.

Thắng cho biết, thời gian tới, vợ chồng Thắng sẽ mở rộng xưởng sản xuất và tích cực giới thiệu sản phẩm để cung ứng cho nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Những tác phẩm nghệ thuật Wood Resin của vợ chồng Thắng đều gắn liền với gỗ hoặc những nguyên liệu đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên - một ý tưởng quảng bá hình ảnh đất nước, con người Tây Nguyên đến với bạn bè trong và ngoài nước mà Thắng luôn ấp ủ, yêu mến./.

Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)