Gia gao xuat khau tang gan 10% so voi cung ky du khoi luong giam hinh anh 1Đóng bao sản phẩm gạo xuất khẩu của Công ty TNHH gạo Vinh Phát ở thành phố Long Xuyên, An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2 ước đạt 430 nghìn tấn với giá trị 231 triệu USD.

Như vậy, khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2023 đạt 789 nghìn tấn với giá trị 417 triệu USD, giảm 18,8% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 528,5 USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 năm 2023 với 34,6% thị phần.

Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tháng 1 năm 2023 đạt 129,3 nghìn tấn và 64,55 triệu USD, giảm 44,7% về khối lượng và giảm 41,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

[Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, nâng chất lượng cho gạo xuất khẩu]

 

Trong tháng 1, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Đài Loan (Trung Quốc) tăng 54,6%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Ghana giảm 86,2%.

Dự báo hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam có nhiều thuận lợi về bối cảnh; trong đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt.

Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng.

Nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia, Bangladesh… tăng trở lại, cộng thêm Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch COVID-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm.

Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo.

Về thị trường trong nước tháng 2/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giá lúa tăng, giảm không đồng nhất giữa các địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Giá lúa thường IR 50404 tại An Giang ở mức 6.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 6.400 đồng/kg, ổn định.

Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 ở mức 6.500 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa thường ở mức 6.400-6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 6.700-7.000 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 6.900-7.200 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg.

Thị trường gạo các tỉnh miền Nam biến động tăng trong tháng 2, với giá gạo IR50404 tại Vĩnh Long tăng 2.000 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg, gạo Jasmine tăng 2.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg; gạo IR 50404 An Giang giữ ở mức 11.500 đồng/kg; gạo Jasmine có giá 15.000 đồng/kg. Gạo tẻ thường và gạo Tài nguyên tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh có giá 14.000 đồng/kg và 20.000 đồng/kg.

Tính đến trung tuần tháng 2, cả nước đã gieo cấy được khoảng 2,69 triệu ha lúa Đông Xuân niên vụ 2022-2023, tăng 0,5% so cùng kỳ năm trước.

Diện tích lúa đã thu hoạch đạt 585,8 nghìn ha, giảm 3,8% cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 59,2 tạ/ha; sản lượng trên diện tích thu hoạch đạt 3,47 triệu tấn, giảm 3,5%.

Tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch khoảng 293,9 nghìn ha, giảm 2% cùng kỳ; sản lượng thu hoạch đạt 1,91 nghìn tấn, giảm 3,7%./.

Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)