Giá dầu thế giới tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 27/4 nhờ các hoạt động mua vào sau đợt giảm giá gần đây.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2023 tăng 0,46 USD (0,62%) lên 74,76 USD/thùng trên Sàn giao dịch hàng hóa New York. Giá dầu thô Brent giao cùng kỳ hạn cũng tăng 0,68 USD (0,88%) lên 78,37 USD/thùng trên Sàn giao dịch ICE London.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại OANDA, cho biết: "Giá dầu thô đang tìm kiếm sự hỗ trợ sau khi một số dữ liệu tiếp tục củng cố khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách."
Tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm lại mức 1,1% trong quý 1, so với 2,6% trong quý 4/2022.
Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ giảm xuống 230.000 trong tuần kết thúc vào ngày 22/4, từ mức 246.000 trong tuần trước đó, theo số liệu vừa được công bố.
[Giá dầu châu Á lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch ngày 27/4]
Trước đó, một loạt các nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các quốc gia đối tác, thường được gọi là OPEC+, ra tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng để phòng ngừa những bất ổn trên thị trường thế giới.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho hay nước này sẽ tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng dầu khí thêm 500.000 thùng/ngày từ mức sản xuất trung bình vào tháng Hai cho tới cuối năm 2023.
Tương tự, Bộ Năng lượng Saudi Arabia ra tuyên bố nước này sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày kể từ tháng Năm tới cho đến hết năm 2023.
Cơ quan chức năng này khẳng định quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô này được đưa ra để phối hợp với động thái từ các nước xuất khẩu dầu mỏ khác, và số lượng cắt giảm nêu trên nằm ngoài số lượng cắt giảm đã được thỏa thuận trong phiên họp thứ 33 ngày 22/10 năm ngoái của OPEC+.
Chính phủ các nước Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Iraq, Oman và Algeria cũng lần lượt công bố tự nguyện cắt giảm 144.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày và 48.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 đến hết năm 2023./.